Cần có văn bản pháp lý phân biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử

27/03/2024 16:00 GMT+7

Hiện nay, vẫn còn có các cách hiểu khác nhau giữa các sản phẩm thuốc lá mới, cụ thể là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, cũng như tình trạng nhập lậu các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng trên, cần có văn bản pháp lý để thống nhất rõ ràng thế nào là thuốc lá điện tử, thế nào là thuốc lá làm nóng.

Đó là ý kiến của bà Hà Thị Doánh, đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 19/3 vừa qua. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình từ nhiều bộ ngành, trong đó có đại diện Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ

Bên cạnh sự tham gia của Bộ Y tế, hội thảo có sự góp mặt của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tổng cục Quản lý thị trường, cùng với các Đại biểu đến từ Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội và các chuyên gia y tế, kinh tế - xã hội đầu ngành.

Nhiều ngộ nhận về thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử

Thuốc lá mới là tên gọi chung của các sản phẩm thuốc lá dùng thiết bị điện tử để tạo ra nicotine từ nguyên liệu thuốc lá (thuốc lá làm nóng), hoặc hóa hơi dung dịch chứa nicotine (thuốc lá điện tử).

Cần có văn bản pháp lý phân biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử- Ảnh 1.

Hướng dẫn phân biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử từ WHO

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đã nêu rõ sự khác biệt giữa hai loại sản phẩm trên, nhằm hóa giải những nhầm lẫn hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng dẫn lại nội dung liên quan trong Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) tại Hội nghị Các bên lần thứ 8 COP8. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định rõ thuốc lá làm nóng là một loại thuốc lá và khuyến nghị quản lý sản phầm này theo luật hiện hành của quốc gia. Hiệu lực của khuyến nghị này cũng vừa được tái khẳng định tại kỳ họp COP10 mới đây (2.2024).

Về vấn đề giảm tác hại của thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, kết luận tại hội thảo cũng nêu lên một số bằng chứng khoa học từ các tổ chức quốc tế uy tín hoặc từ những quốc gia đi trước. Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng công bố, việc cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh tại Mỹ cùng với chỉ định là sản phẩm thuốc lá "Điều chỉnh nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm" (của cơ thể người dùng với các chất độc hại hoặc tiềm năng gây hại có trong thuốc lá) là thích hợp để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, việc này cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe của người dân nói chung.

Theo báo cáo của WHO về toàn cảnh thuốc lá toàn cầu vào tháng 7.2021, đến nay 184/195 quốc gia đã có quy định quản lý đối với thuốc lá làm nóng.

Kiểm soát thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Việt Nam lo ngại về vấn đề năng lực

Tại hội thảo, nhu cầu thị trường và một số lo ngại về năng lực quản lý sản phẩm cũng là trọng tâm thảo luận.

Các bên, bao gồm đại diện Bộ Y tế, đều thống nhất điểm rằng thực trạng nhập lậu và sự nhầm lẫn giữa thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vẫn hiện hữu. Tuy nhiên khi thảo luận về hướng tiếp cận, các đại biểu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Nguyễn Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc người dùng sử dụng thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đang phản ánh hành vi của thị trường, nên có cấm hay không, thì sản phẩm vẫn hiện diện. Do vậy, theo ông Thành, nên có một khuôn khổ pháp lý để kiểm soát các sản phẩm này.

Mặt khác, trước đề xuất cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hay không, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm: "Không nên lựa chọn theo hướng "không quản được thì cấm" mà cần đánh giá toàn diện các giải pháp. Nếu có đầy đủ căn cứ khoa học để chứng minh rằng thuốc lá mới gây tác hại cho sức khỏe ít hơn so với thuốc lá truyền thống, thì tại sao lại sử dụng biện pháp cấm, bởi như vậy sẽ phải cấm cả thuốc lá truyền thống".

Ngược lại, nếu chứng minh được thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống thì cần sớm có chính sách kiểm soát, ông Cường khẳng định.

Ông cũng bổ sung: Về mặt luật pháp, thuốc lá mới không nằm trong danh mục cấm, thậm chí định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 (PCTHTL) có sự thích ứng với thuốc lá mới, đặc biệt là đối với thuốc lá làm nóng. Vì vậy, không có lý do gì để loại sản phẩm này ra khỏi luật hiện hành, mà phải áp dụng luật để phòng chống tác hại của nó.

Với vai trò của Bộ Y tế là một trong những cơ quan tham mưu cho Chính phủ về thuốc lá mới, bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết khó khăn đầu tiên hiện nay chính là hệ thống thanh kiểm độc lập các sản phẩm thuốc lá này tại Việt Nam chỉ có duy nhất Vinataba. Các cơ quan còn lại chưa có khả năng xét nghiệm hàm lượng tar (hắc ín) và nicotine. Ngoài ra, hệ thống này cũng chỉ đang áp dụng cho thuốc lá điếu. Do đó bà Thủy đề nghị cần có thêm nhiều cuộc họp giữa các bên để đánh giá năng lực quản lý của Việt Nam đối với từng biện pháp: liệu nên cấm, hay nên quản lý kinh doanh có điều kiện.

Bà Thủy cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và đánh giá các phương án để trình lên Chính phủ, cũng như gửi các bộ ngành, các đối tượng liên quan, trong đó có Hiệp hội Thuốc lá và các doanh nghiệp thuốc lá. Từ đó, các bên có thể đánh giá một cách khách quan, công tâm về thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và đưa ra chính sách đề xuất trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.