Cần có quy định cụ thể về tạm ứng viện phí

13/12/2022 05:30 GMT+7

Nhiều bạn đọc thông cảm nhưng cũng không ít người bức xúc về việc cứ vào bệnh viện là phải ứng trước viện phí. Bạn đọc cho rằng cần phải có quy định cụ thể về tạm ứng viện phí để hai bên cùng thực hiện.

PV Thanh Niên vừa có cuộc khảo sát nhanh tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM về vấn đề tạm ứng viện phí, cũng như tìm câu trả lời vì sao phải ứng viện phí trước từ các BV.

Cứ vào bệnh viện là phải ứng viện phí trước dù có bảo hiểm y tế

DUY TÍNH

Ngày 24.11, tại hành lang Khoa Nội (BV Q.7), bà K. ngồi cạnh người mẹ đang nằm truyền nước. Mẹ bà năm nay 75 tuổi, có bảo hiểm y tế (BHYT), bước đầu vào cấp cứu được hướng dẫn làm thủ tục ứng trước 1 triệu đồng, ngày thứ 2 ứng thêm 1 triệu đồng nữa. Bà K. chia sẻ đã quen thuộc với thủ tục đóng tiền trước vì thường xuyên đưa mẹ vào viện. Bà nói thêm: “Có hay không có BHYT thì bệnh nhân (BN) cũng phải ứng trước tiền điều trị. Họ bắt mình ứng trước đó, họ sợ mình chạy, bỏ không đóng viện phí. Nhiều khi mình chữa xong bỏ chạy là xong luôn, nên ứng trước, sau có thừa thì lúc thanh toán họ trả lại”.

Ngày 23.11, đang đứng xếp hàng chờ vào thang máy để đưa cháo cho mẹ, anh V. cho biết vừa đưa mẹ bị áp xe gan vào BV Chợ Rẫy điều trị, nhập viện ngày đầu. Mẹ anh V. có thẻ BHYT, khi làm thủ tục nhập viện, trước mắt được thông báo tạm ứng 2 triệu, buổi chiều BV gửi giấy tạm ứng thêm 3 triệu, tổng 5 triệu đồng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện nhiều BV cho biết với BN cấp cứu thì việc cứu người là quan trọng hàng đầu, sau đó mới tính tiền; đồng thời với BN khó khăn, nghèo thì ngoài BHYT phía BV sẽ có cơ chế hỗ trợ.

Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Chợ Rẫy), hiện nay BHYT không thanh toán cho tất cả chi phí. Ví dụ, stent mạch vành giá thầu hơn 48 triệu đồng mà BHYT trả tối đa 36 triệu, nếu BN có BHYT 100% thì cũng phải đóng hơn 12 triệu, còn BHYT 80% thì phải trả 19,2 triệu chỉ cho riêng stent. Ngoài ra, để đặt stent thì còn nhiều thứ khác nữa (ống thông, bóng...).

Tranh luận ứng trước hay không

Nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc cho rằng cứ vào BV thì việc đầu tiên là phải đóng tiền, sau đó mới khám chữa bệnh. BĐ Luật Simily kể: “Người nhà tôi phải cấp cứu. Sau khi xem xét qua, được yêu cầu tạm ứng tiền. Câu nói luôn được nghe là: phải xuất trình tờ giấy đóng tạm ứng, rồi mới tiến hành công việc nhé. Nếu vậy thì cứ tuyên bố thẳng luôn, BN thanh toán sòng phẳng trước với BV rồi BHYT sẽ giải quyết sau!”. BĐ Michael cũng phản ánh: “Nếu dịch vụ, không có thẻ BHYT thì đồng ý đóng. Nhưng ngay cả khi cầm thẻ BHYT của BN trong tay thì BV cũng bắt người nhà đóng tạm ứng trước cho chắc ăn”…

Trong khi đó, không ít BĐ lại có ý kiến khác. BĐ Nam ý kiến: “Nếu không tạm ứng trước sẽ có BN trốn về không thanh toán tiền, gây thất thu cho BV. Trường hợp nào khó khăn thì xin giấy xác nhận của địa phương, tôi nghĩ với cái tâm “Lương y như từ mẫu” BV sẽ xem xét lại giúp đỡ. Do vậy, tôi khuyên BN không nên bỏ trốn, mà phải biết cảm ơn các bác sĩ và nhân viên y tế đã điều trị cho mình”. BĐ Ho Minh Hoang cũng cho rằng: “Thực tế có những trường hợp khi vào BV cấp cứu, BN và người nhà nói bao nhiêu cũng chữa, nhưng khi xong rồi thì lặng lẽ bỏ đi và hậu quả thì nhân viên y tế lãnh đủ vì chưa thu tiền”.

BV cần giải thích, BN nên nắm rõ quy định

Nói về việc ứng trước hay không ứng trước tiền viện phí, BĐ Hoàng Đồng cho rằng: “Cái gì cũng phải căn cứ vào luật. Về phía BN, họ sẽ mang tâm lý khó chịu, khó hiểu khi phải ứng tiền trước. Về phía BV, họ mang tâm lý sợ thiệt hại về mình. Do vậy, cần phải có luật hoặc quy định về việc này. Đừng để BV và BN tự giải quyết với nhau”.

Đồng ý kiến, BĐ Tiến chia sẻ: “Đề nghị phải có quy định cụ thể về việc thu tạm ứng viện phí: đối tượng nào, thu bao nhiêu, những khoản nào phải thu, thu khi nào… Người có thẻ BHYT thì thu thế nào, dịch vụ thì thu ra sao… Tất cả phải rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch cho mọi người biết để thực hiện đúng”. Còn BĐ Quỳnh Lan đề xuất: “Khi có quy định về việc thu tạm ứng viện phí, đề nghị BV có thông báo công khai, để nơi dễ thấy cho mọi người theo dõi. Khi cần, BV giải thích cho BN, người nhà nắm rõ các quy định. Về phía BN và người nhà, cần có chuẩn bị sẵn và thực hiện đúng theo các quy định. Như vậy sẽ tạo được bầu không khí thân thiện, giúp cho việc khám chữa bệnh tốt đẹp hơn”.

“Tôi rất mong mọi người nên tìm hiểu để nắm rõ những quy định của BHYT, phần nào nhà nước chi, phần nào người có thẻ BHXH chi, chi bao nhiêu… Vì thực tế có một số BN cứ nghĩ có thẻ BHYT là miễn phí 100%, không phải đóng đồng nào, nên khi nghe đến đóng tiền là họ phản ứng liền. Về phía BV, cũng nên có nhân viên rành rẽ để giải thích cho mọi người hiểu”, BĐ N.V.Hùng ý kiến.

* Tôi ủng hộ việc ứng tiền trước, nhưng đừng thu dư quá, sẽ làm người bệnh thêm khó khăn.

Nguyễn Thành Phước

* Nên thu tiền tạm ứng trước. Tuy nhiên, đối với những ca cấp cứu, người nhà quên mang tiền thì có thể để ngày hôm sau thu.

Nam

* Tôi đi khám bên Nhật, quên mang tiền theo, họ cho nợ rồi sau đó gửi giấy nợ về phòng để người bệnh đóng. Tôi nghĩ đây là cách ta có thể áp dụng.

Manh Ngo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.