Cần có mục riêng quy định các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
07/10/2022 19:22 GMT+7

Nhiều đại biểu tham gia góp ý cho luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cho rằng luật này cần chú trọng nhiều hơn đến trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình .

Chiều 7.10, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các góp ý của các đại biểu tập trung vào hành vi bạo lực gia đình, xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, 15 hành vi bạo lực gia đình được quy định trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn thiếu những hành vi liên quan đến việc bắt ép trẻ em ăn xin, lao động kiếm sống, canh sòng bạc; lợi dụng trẻ em để mua bán, chứa chấp, sử dụng ma tuý, mại dâm

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, góp ý tại hội thảo

PHẠM THU NGÂN

Trong khi đó, Nghị định 144/2021 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi bạo lực gia đình rất cụ thể. Vì vậy, ông Tính cho rằng, cần xem xét lại các hành vi bạo lực gia đình để tiệm cận với các hành vi bị xử lý vi phạm hành chính.

Đề xuất chú trọng đến trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình trong dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi lần này cũng được bà Nguyễn Thị Thanh (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) nêu ra tại hội thảo.

Theo bà Thanh, dự thảo luật cần có một mục quy định riêng về phòng chống bạo lực gia đình. Để qua đó có thể nhận diện rõ các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em. Nếu không có mục riêng thì đề nghị bổ sung vào dự thảo luật rằng Chính phủ sẽ quy định chi tiết về các hành vi bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Hơn 1.900 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện

Thống kê của Bộ Công an cho thấy năm 2021, cả nước có hơn 1.900 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Đồng thời, thống kê của Tổng đài 111 chỉ ra số vụ việc trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các vụ việc: gần 73%. Những vụ việc rúng động dư luận trong thời gian gần đây có thể kể đến như bé gái 6 tuổi bị mẹ bạo hànhHải Dương, vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của cha bạo hành đến tử vong ở TP.HCM; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị cha dượng bạo hành, đóng đinh vào đầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.