Đường dây 500kV có thể vận hành vào tháng 6.2024?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/07/2023 07:28 GMT+7

Đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành tháng 6.2024 để tăng cung điện từ Nam ra Bắc. Thông tin này được Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại cuộc họp chiều 8.7.

Vận hành vào tháng 6.2024

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514 km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư dự tính 23.000 tỉ đồng với 4 tiểu dự án gồm: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (Nghệ An), Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Nam Định 1 và Nam Định 1 - Phố Nối. Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định dự án đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài có "vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới".

Cần chính sách đột phá giải bài toán thiếu điện  - Ảnh 1.

Đường dây dẫn điện từ miền Nam, Trung ra Bắc cần một chính sách quyết liệt, đột phá hơn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng thời, Bộ yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7 này, trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 8 và phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9. Thậm chí, Bộ Công thương yêu cầu đường dây 500 kV mạch 3 phải được đưa vào vận hành trong tháng 6.2024.

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, câu chuyện thiếu điện tại miền Bắc có thể kéo dài 5 năm nữa, không chỉ 2 năm như dự tính. Ông lưu ý: "Trong ngắn hạn, ngành điện có thể chỉ nỗ lực giảm bớt căng thẳng thiếu điện mà thôi. Giả sử đường dây

500 kV mạch 3 hoàn thành thì áp lực thiếu vẫn còn, nguồn cung điện phía bắc cần bổ sung điện mặt trời (ĐMT), điện khí thì may ra mới ổn định được. Đó là chưa nói đầu tư đường dây này rất khó khăn và vướng mắc mà yêu cầu chưa tới 1 năm nữa phải hoàn thành đã thấy thiếu thực tế".

Theo chuyên gia này, để làm được đường dây 500 kV mạch 3 và triển khai các nhà máy điện đúng tiến độ theo Quy hoạch điện 8, cần sự vào cuộc quyết liệt từ địa phương lên T.Ư, cần chính sách đột phá mang tính lịch sử chứ không nên họp bàn nữa. Ông góp ý đường dây truyền tải có rồi thì mảng ĐMT tự sản tự tiêu theo chính sách kêu gọi mới đây của Bộ Công thương vẫn chưa thấy khả quan. 

Lý do, người dân và doanh nghiệp (DN) đầu tư làm ĐMT mái nhà, ngoài sử dụng, họ kỳ vọng được bán lên lưới điện mới chấp nhận bỏ khoản tiền lớn để đầu tư. Hiện tại chúng ta không khuyến khích người dân và DN làm ĐMT bán lên lưới nữa, nên chính sách kêu gọi đầu tư ĐMT tự sản tự tiêu vẫn khó khả thi. Đó là chưa nói thủ tục DN làm ĐMT để dùng cũng rất nhiêu khê. 

Bên cạnh đó, điện khí ở miền Bắc không thể làm nổi nếu tuân theo Quy hoạch điện 8; mời gọi điện gió khó khăn; việc đàm phán giá mua điện tạm tại các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang khiến nhà đầu tư mới e ngại. "Ngay cả việc điều chỉnh giá điện theo bậc thang từ 6 xuống 5 bậc như dự thảo cũng không giải quyết được bức xúc về điện của người dân. Khách hàng sử dụng điện không hài lòng, nhà đầu tư tâm tư thì làm sao tăng tốc đẩy mạnh phát triển nguồn cung được?", ông Đào Nhật Đình nói.

Phê duyệt đầu tư đường dây 500kV hơn 3.000 tỉ đồng

Khó nhưng chậm sẽ lãng phí

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, từng tham gia chỉ huy đường dây 500 kV Bắc - Nam từ gần 30 năm trước, nói rằng ngày trước làm đường dây 500 kV lịch sử khó 1, nay khó gấp bội lần. Việc làm đường dây 500 kV mạch 2 sau đó đã mất hơn chục năm. Nay để làm mạch 3, cần giải quyết 3 câu hỏi. Đó là Chính phủ có sẵn sàng cho một chính sách đột phá để thu hút đầu tư không? Nhà đầu tư có mặn mà không? Và các công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các địa phương bảo đảm thế nào? "Giả sử lo đủ tiền rồi, các cơ chế, chính sách sau đó vẫn phải trông chờ rất lớn vào sự quyết liệt của Chính phủ. Thực tế, việc xây dựng đường truyền tải điện rất khó khăn, tốn kém, nguy hiểm, nhưng chậm lại càng lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Thiếu điện trong lúc này lại khiến công cuộc phát triển đất nước hậu Covid-19 bị ảnh hưởng nhiều hơn", ông Ngãi chia sẻ.

Giải pháp lâu dài, theo ông Đào Nhật Đình, phải cải cách mạnh mẽ và triệt để để thu hút đầu tư, đặc biệt cần có thị trường điện thực sự. "Phát triển thị trường điện không thể theo mệnh lệnh hành chính mà phải để thị trường tự điều tiết, có sự giám sát của nhà nước. Nếu cứ lấy giá điện các nước lân cận để so sánh, làm chính sách là không đúng. Hiện Thái Lan cho giá điện theo hướng thị trường nhưng nhà nước vẫn can thiệp không cho giá tăng quá cao. Chính phủ Malaysia trợ giá năng lượng, VN khó học theo mô hình này. Trung Quốc có chính sách can thiệp rất sớm, tầm nhìn đến 20 năm, nên ngành điện nước này không bị ảnh hưởng nhiều trước biến đổi khí hậu và giá thế giới tăng. Chúng ta thường làm chính sách hướng đến kịch bản giá điện thấp, nhưng điều kiện tự nhiên lại không ưu đãi cho mình. Vậy giả sử thả cho thị trường điều tiết thì chắc chắn giá điện sẽ tăng rất nhanh. Thế nên tôi ủng hộ để thị trường điều tiết và phải kiểm soát", ông Đình nói.

Trong thực tế, giá than thế giới đã tăng từ tháng 9.2021, trước xung đột Nga - Ukraine 5 tháng. Sang tháng 10.2021, Ủy ban Cải cách phát triển Trung Quốc đã có phản ứng điều chỉnh chính sách ngay, không cho phép tăng giá điện sinh hoạt, ưu tiên nguồn điện giá rẻ cho sinh hoạt; nhưng giá điện cho công nghiệp, thương mại phải mua theo giá thị trường. Công ty mua bán điện phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện theo giá được chào bán, nhưng không thể ép giá thấp khi giá đầu vào tăng cao. Đặc biệt, mỗi tỉnh thành xây dựng khung giá điện khác nhau, như Vân Nam phong phú điện năng, giá bán thấp hơn Bắc Kinh rất nhiều. 

Như vậy, họ tuân theo quy luật thị trường, nhưng vẫn có giá cố định. Sau đó, khi giá than thế giới tăng vọt, việc điều hành ngành điện của nước này không gặp nhiều khó khăn như ở ta. Chuyên gia Đào Nhật Đình nhận xét VN vẫn có thể học cách quản lý điều hành thị trường điện tham khảo theo Thái Lan, Trung Quốc, Philippines. Các nước vẫn chia giá điện nhiều bậc, nhưng chính sách có tầm nhìn 20 năm, VN đang làm chính sách không quá 10 năm, luật mới ban hành, vài năm sau đã sửa lại, nên không ít chính sách mới ban hành đã thấy lạc hậu là vậy…

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 10.7: Triển vọng tăng trưởng 7% nửa cuối năm | Twitter dọa kiện Meta về ứng dụng Threads

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.