Cận cảnh 'thần đèn' dịch chuyển ngôi chính điện có bức tranh quý 'Long vân khế hội'

13/09/2022 19:53 GMT+7

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã dịch chuyển những mét đầu tiên của tòa chính điện chùa Diệu Đế, nơi đang lưu nhiều dấu ấn lịch sử Phật giáo của cố đô Huế.

Ngày 13.9, ông Nguyễn Văn Cư, người được biết đến với biệt danh “thần đèn” nhờ khả năng di dời, nâng cao, chống lún nghiêng các công trình xây dựng, đã dịch chuyển những mét đầu tiên tòa chính điện của chùa Diệu Đế (TP.Huế, Thừa Thiên – Huế).

Cận cảnh “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời chính điện 70 tuổi của chùa Diệu Đế

Ngôi chính điện đã di dời được 4 m trong sáng 13.9

LÊ HOÀI NHÂN

Ngôi chính điện này đã hơn 70 tuổi, mang nhiều giá trị lịch sử của văn hóa Phật giáo Huế, vì vậy việc đảm bảo an toàn và nguyên vẹn được đặt lên hàng đầu. Trước khi tiến hành dịch chuyển, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã mất nhiều tháng cho công đoạn cố định phần móng.

Cụ thể, đội ngũ nâng nhà đã đổ 1 hệ đa kiềng phía dưới để đỡ lấy tòa nhà. Sau khi các công đoạn nâng móng hoàn tất, ông Cư huy động 12 công nhân và máy móc chuyên dụng, đến nay đã dịch chuyển những mét đầu tiên.

Hệ đa kiềng phía dưới để đỡ lấy tòa nhà

LÊ HOÀI NHÂN

“Chúng tôi dùng 4 ben thủy lực, 2 máy vận hành để rút kéo công trình đến đích. Nếu thời tiết thuận lợi, thời gian hoàn thành dự kiến trong vòng 6 ngày, sau đó nâng cao lên 5 cm mất khoảng 4 ngày nữa”, ông Cư nói.

Để di dời tòa nhà này, "thần đèn" đã dùng 4 ben thủy lực

LÊ HOÀI NHÂN

Trong ngày đầu tiên, ngôi chính điện đã được di dời gần 4 m. Theo kế hoạch, sau khi việc di dời hoàn tất, tòa chính điện sẽ được sẽ dịch chuyển lùi về phía sau 18 m để tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn.

Dời chùa để bảo tồn bức tranh quý

Điều đặc biệt ở ngôi chính điện này là bức tranh Long vân khế hội (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa này được xây dựng lại sau năm 1953, theo phong cách bích họa cung đình, tương tự bức tranh trên trần lăng Khải Định.

Bức tranh Long vân khế hội trong chính điện

LÊ HOÀI NHÂN

Tương truyền, đây là bức tranh do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh (tác giả bức tranh trên trần lăng Khải Định) thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cứ liệu lịch sử nào xác đáng về tác giả.

Ngoài ra, chính điện còn bức hoành phi Diệu Đế Quốc Tự với lạc khoản ghi năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và nhiều di vật quý của ngôi quốc tự một thời.

Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844. Khoảng năm 1887, các công trình chính của chùa đều bị triệt giải. Từ năm 1953 - 1955, hòa thượng trụ trì Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại).

Trong ngày đầu tiên dịch chuyển tòa nhà, nhiều sư tăng đã đến chùa Diệu Đế để chứng kiến

LÊ HOÀI NHÂN

Theo thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế, việc dịch chuyển tòa chính điện nhằm giữ gìn lại những giá trị lịch sử, sau khi dời sẽ tọa lạc trong một vị trí hợp lý mà không làm mất đi màu sắc cổ kính.

“Nhà chùa cũng cố gắng giữ gìn lại những dấu tích mang tính lịch sử trong thời hiện đại này. Tinh thần chung của tất cả chư Tôn đức, quý nhà chùa cũng như bà con đều hoan hỷ. Hai nữa là để tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn. Việc di dời trong một vị trí vừa phải, hợp lý mà không làm mất đi màu sắc cổ kính”, thượng tọa Thích Hải Đức nói.

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư trực tiếp điều hành trong ngày đầu dịch chuyển ngôi chính điện này

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.