Cận cảnh 'dự án ngàn tỉ' 10 năm vẫn dở dang

Phạm Anh
Phạm Anh
24/05/2018 11:40 GMT+7

Năm 2009, dự án được cấp phép. Nhưng gần 10 năm qua, dự án ngàn tỉ của Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai (TT.Đăk Tô, H.Đăk Tô, Kon Tum) vẫn chưa thể đưa vào vận hành, ngoại trừ những lần... cam kết.

Nhiều hạng mục dở dang
Chiều 22.5, tại khu đất rộng mênh mông mà tỉnh Kon Tum cấp cho dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai ở làng Đăk Rao Lớn (TT.Đăk Tô, H.Đăk Tô, Kon Tum), chúng tôi không nhìn thấy hoạt động xây dựng, thi công công trình nào.
Giữa bãi đất rộng được quây bằng lưới B40 và dây thép là nhiều lô thiết bị in dòng chữ "Tập đoàn Tân Mai" nằm phơi nắng sương nhiều năm nay.
Bên trong dự án nhà máy giấy Ảnh: P.A

Thiết bị phơi sương gió tại dự án Ảnh: P.A
Khu đất được quây bằng hàng rào B40, bên trong có thể nhìn thấy nhiều lô thiết bị "thi gan" cùng mưa nắng Ảnh: P.A

Những tấm bạt phủ rách te tua, không chịu nổi với thời tiết của Tây Nguyên. Bên cạnh bãi thiết bị là hai công trình xây dựng dở dang. Có một số bãi sạn, cát xây dựng tập trung bên ngoài, bên trong hai công trình này nhưng cỏ dại đã kịp mọc lên.  

Ông A Déo (58 tuổi, ở làng Đăk Rao Lớn) cho biết ông bàn giao 2,9 ha đất cho dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai, đồng thời di dời nhà ở từ năm 2001. Thế nhưng, mãi đến nay, ông A Déo vẫn chưa thấy nhà máy đi vào hoạt động.

Chờ dài cổ

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó chủ tịch UBND TT.Đăk Tô, cho biết khi tiến hành thi công dự án nhà máy giấy, Tập đoàn Tân Mai có đưa đi đào tạo hàng loạt lao động địa phương, để sẵn sàng phục vụ khi nhà máy hoạt động. Thế nhưng 10 năm rồi, hàng trăm lao động này đành phải đi tìm việc khác vì "chờ dài cổ mà không thấy nhà máy đâu".

Những hạng mục công trình thi công dở dang của nhà máy Ảnh: P.A

Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết dự án nhà máy giấy của Tân Mai triển khai ban đầu vào năm 2009, trên diện tích được cấp rộng hơn 157 ha với công suất dự kiến là 130.000 tấn/năm, đến năm 2012 nâng công suất lên 200.000 tấn/năm.

Theo ông Bắc, dự án này kể từ được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (ngày 13.7.2009) đến nay đã nhiều lần thay đổi chứng nhận đầu tư: cấp thay đổi lần 1 vào ngày 14.10.2010; cấp thay đổi lần 2 vào ngày 19.12.2011; lần 3 vào ngày 29.12.2014 và cam kết tiến độ hoàn thành vào tháng 4.2017.
Thế nhưng, từ đó đến nay dự án này tiếp tục chậm tiến độ.
Cỏ dại đã kịp mọc bao lấy một bãi vật tư xây dựng Ảnh: P.A
Ông Bắc cho biết UBND tỉnh Kon Tum sau đó tiếp tục cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và cấp thay đổi giấy chứng nhận đầu tư vào 31.8.2017, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án xuống còn 1.300 tỉ đồng và diện tích đất là 57 ha (giảm 100 ha so với quyết định đầu tư ban đầu ngày 13.7.2009).
Trong lần thay đổi này, Tập đoàn Tân Mai cam kết sẽ đưa nhà máy vận hành chạy thử và bắt đầu chạy có tải vào quý 1 năm 2020.
Một đống cát xây dựng nằm bên ngoài công trình đang dở dang Ảnh: P.A
Tập đoàn Tân Mai cho biết dự án này đã hoàn thành thiết kế lắp đặt thiết bị, hứa hẹn trong năm 2018 sẽ xây dựng xong nhà xưởng chính, máy móng, bể chứa và đầu tư thiết bị bổ sung; các hạng mục khác sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Người dân Kom Tum vẫn đang mong "cam kết" lần này của dự án sẽ không chung số phận với những lần cam kết trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.