Cận cảnh di tích thành Điện Hải trước cuộc "lột xác" chưa từng có

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
07/05/2022 13:42 GMT+7

Trong 2 năm tới, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng ) sẽ hạ giải nhiều công trình quy mô lớn. Cùng với việc phục dựng nhiều hạng mục, thành Điện Hải sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác.

Ngày 7.5, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh vừa ký quyết định về việc phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 2 (do Sở VH-TT TP làm chủ đầu tư).

Dự án nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.

Từ nay đến năm 2024, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sẽ bước vào giai đoạn tu bổ thứ 2

hoàng sơn

UBND TP.Đà Nẵng kỳ vọng, trong giai đoạn 2, dự án sẽ tạo nên một không gian lịch sử, không gian trưng bày, kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng (mới) và các địa điểm di tích khác, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, du lịch trên cơ sở phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của TP.Đà Nẵng.

Quy mô đầu tư xây dựng dự án trong phạm vi khuôn viên di tích thành Điện Hải, với tổng diện tích 26.519 m2.

Có rất nhiều công trình xâm hại đến di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, trong đó có công trình Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu

hoàng sơn

Như Thanh Niên đã thông tin, giai đoạn 1 của dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo thành Điện Hải được khởi công từ tháng 3.2018, đến nay đã hoàn thành với việc di dời nhà dân và các công trình liên quan, khôi phục toàn bộ hệ thống tường thành, kè hào cải tạo cảnh quan…

Tuy vậy, giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên hiện trạng nhiều công trình. Ở giai đoạn 2 với việc phá dỡ nhiều công trình, đặc biệt là Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu cũng như xây mới thêm nhiều kiến trúc, diện mạo thành Điện Hải sẽ hoàn toàn khác.

Thanh Niên xin giới thiệu những hình ảnh cụ thể về thành Điện Hải, qua đó giúp độc giả hình dung công trình nào sẽ được hạ giải, khu vực nào sẽ được đào thám sát hoặc phục dựng các kiến trúc gốc:

Được đầu tư với tổng mức hơn 84 tỉ đồng, từ nay cho đến năm 2024, dự án sẽ tiến hành hạ giải, tháo dỡ, di dời các thành phần, công trình không phù hợp như Bảo tàng Đà Nẵng hiện trạng (chuyển về địa điểm mới ở khu 42 Bạch Đằng) và khối nhà 1 tầng phía tả

hoàng sơn

Theo quyết định tu bổ di tích, TP.Đà Nẵng sẽ cho phục dựng cổng thành phía đông (nay là cổng chính vào thành cổ). Trên cơ sở tư liệu cũ, vị trí quy mô, kích thước, hình dạng phần tường còn lại, phục hồi cổng phía đông có tham khảo kiến trúc cổng phía nam

Cầu cổng phía tây được phục dựng có đường đi xung quanh, phía dưới để trưng bày tại chỗ các dấu tích khảo cổ học. Khẩu độ gian 7,2 m, 2 nhịp 6 mx2, chiều cao cầu so với sàn 5,49 m, chiều cao sàn so với đáy hào 4,23 m

hoàng sơn

Dự án cũng sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công. Bảo tàng Đà Nẵng hiện có 14 khẩu thần công, trong đó có 13 khẩu thần công bằng gang, sắt; 1 khẩu bằng đồng

hoàng sơn

Đáng chú ý, ngành chức năng TP.Đà Nẵng sẽ phục dựng nhà để súng để trưng bày số thần công đã nêu. Kiến trúc phục dựng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19)

hoàng sơn

Những cây xanh có đường kính thân dưới 20 cm và các chậu cảnh, cây cảnh sẽ được di dời ra khỏi thành Điện Hải. Phần sân, đường không phù hợp với sẽ bị phá dỡ

hoàng sơn

Ngành chức năng sẽ đào thám sát khảo cổ học khoảng 50% diện tích trong thành nội làm cơ sở khoa học trong việc phục dựng, tái tạo các công trình

hoàng sơn

Quang cảnh thành Điện Hải khi bị quân Pháp đánh chiếm. Hình ảnh này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ góp thêm thông tin, tư liệu cho quá trình phục dựng các công trình cổ

Hoàng Sơn chụp lại tư liệu

Máy bay trực thăng cũng được di dời do thuộc thành phần trưng bày ngoài trời không liên quan tới lịch sử thành Điện Hải

hoàng sơn

Cổng phía nam thành Điện Hải được tu bổ hoàn chỉnh từ lâu là cơ sở khoa học cho việc phục dựng cổng thành phía đông

hoàng sơn

Ở góc thành ở hướng nam, kỳ đài sẽ được phục dựng với 2 thành phần chính, gồm: phần đài và phần cột cờ. Trong đó, phần đài cao 2,82 m; phần cột cờ hơn 23 m

hoàng sơn

Dự án còn có hạng mục làm sạch, bảo quản toàn bộ bề mặt trong và ngoài tường thành, như: loại bỏ toàn bộ thành phần gây hư hại như cỏ dại, nấm mốc, địa y, rêu tảo... đồng thời, bảo quản toàn bộ bề mặt tránh sự xâm nhập trở lại của các yếu tố gây hư hại

hoàng sơn

Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương sẽ được tôn tạo. Phần sân phía trước tượng đài được mở rộng tạo không gian thoáng đãng

hoàng sơn

Đáng chú ý, dự án tu bổ thành Điện Hải còn có hạng mục nhà trưng bày được xây dựng ngầm toàn bộ dưới lòng đất với quy mô công trình nhỏ chìm phía dưới không cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thế di tích. Nhà trưng bày gồm: 1 phòng trưng bày chính (156 m2), 1 phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D (83 m2)...

hoàng sơn

Thành Điện Hải trước gọi là đồn Điện Hải, được vua Gia Long cho xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812. Đến năm 1823, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay. Năm 1835, đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Tháng 12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử thành Điện Hải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.