Cận cảnh cuộc sống trong nhà siêu nhỏ của người nghèo Hồng Kông

26/06/2017 12:53 GMT+7

Trừ giới tỉ phú, triệu phú, cuộc sống của người dân Hồng Kông bình thường đang ngày càng khó khăn về mặt kinh tế.

Bà Lau không thể giấu ánh mắt lo lắng khi nhìn vào tấm lịch. Khoản tiền bà sắp nhận không phải là lương của một tuần và bà sẽ không đủ tiền nuôi cả gia đình. Theo Bloomberg, gia đình bà Lau sống trong căn hộ nhỏ do chính quyền Hồng Kông tài trợ. Chồng bà không thể đi làm còn con bà thì không hiểu vì sao mẹ chúng cứ liên tiếp mua thức ăn cũ.
“Chúng tôi ăn cháo cả ba bữa”, bà Lau, nhân viên tính tiền 42 tuổi tại chuỗi siêu thị Wellcome nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn Jardine Matheson, cho biết. Người phụ nữ từ chối tiết lộ cả họ tên này là trụ cột trong gia đình gồm bốn người. Bà kiếm được tương đương 5,4 USD/giờ, thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ ở thành phố như Seattle (Mỹ), nơi chi phí sinh hoạt rẻ hơn Hồng Kông.
Câu chuyện của bà Lau ngày càng phổ biến ở Hồng Kông, đặc khu nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời, cửa hàng sang trọng và là ví dụ về bất bình đẳng thu nhập ở các nền kinh tế phát triển. Hai thập kỷ sau khi được Anh trả về cho Trung Quốc, top các công dân giàu nhất Hồng Kông như tỉ phú Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ ăn nên làm ra nhờ giá bất động sản tăng vọt cùng việc được độc quyền các hãng bán lẻ, viễn thông và cảng biển. Những người như bà Lau thì không may mắn như thế.
Richard Florida, tác giả quyển Cuộc khủng hoảng đô thị mới kiêm giám đốc Martin Prosperity Institute ở Toronto (Canada) cho hay: “Hồng Kông là trường hợp vô cùng cực đoan của sự bất bình đẳng. Không có nhiều cách để ngăn chặn điều này”.
Bà Lau đứng trong bếp nhà mình Ảnh: Bloomberg
Khó khăn trong việc giúp người dân cải thiện cuộc sống thể hiện thách thức lớn nhất của mô hình kinh tế độc đáo ở Hồng Kông. Thành phố được một số chuyên gia kinh tế đánh giá là rất gần với khái niệm “nền kinh tế tự do” vì có ít quy định, không đánh thuế doanh thu bán lẻ hay thu nhập từ vốn. Hơn một nửa số lao động, trong đó có bà Lau, hưởng lương dưới mức phải đóng thuế. Một phần nhỏ những người phải đóng thuế thu nhập thì chỉ chịu thuế suất 15%.
Song tiền lương không theo kịp đà tăng chi phí, và hàng trăm ngàn dân Hồng Kông khó lòng trang trải. Hệ số Gini - thước đo chung của sự bất bình đẳng - là một trong những số liệu có thể nêu bật tình trạng tại Hồng Kông. Kết quả bằng 0 của hệ số cho thấy sự bình đẳng tuyệt đối, còn 1 thì thể hiện điều ngược lại. Hệ số Gini của Hồng Kông là 0,539, cao nhất kể từ khi dữ liệu loại này được ghi nhận kể từ thập niên 1970. Bất bình đẳng ở đây nghiêm trọng nhất châu Á, lớn hơn cả những nơi như Brazil và Papua New Guinea.
Nhà kinh tế học Emmanuel Saez tại Đại học California, Berkeley nói: “Hồng Kông là trường hợp nghiên cứu rất thú vị, nơi mà lợi nhuận được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh và lao động không dễ dàng được tổ chức. Việc này dẫn đến bất bình đẳng rất cao”.
Bất bình đẳng thu nhập ở Hồng Kông lớn nhất châu Á Ảnh: Bloomberg
Xét một vài khía cạnh, con đường Hồng Kông đi không khác nhiều nơi khác. Các công việc thuộc ngành sản xuất từ hồi thành phố còn là “thủ đô sản xuất đồ chơi” của thế giới đã biến mất. Thay vào đó là rất nhiều vị trí nhân viên ngân hàng với lương cao ngất hay vị trí bồi bàn, quét dọn sàn nhà nhận lương thấp.
Ở Hồng Kông, cách tiếp cận nhằm phát huy tính năng động của doanh nghiệp ban đầu không may kéo theo hiệu ứng phụ. Một vài công ty lớn vẫn đứng vững và cuối cùng làm giảm tính cạnh tranh. Giám đốc Steve Tsang của Viện Trung Quốc thuộc School of Oriental and African Studies ở London (Anh), nhận định: “Thế hệ đi trước gầy dựng chỗ đứng của họ một cách quá hiệu quả. Những người bắt đầu mới gặp rất nhiều khó khăn”.
Nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài cũng gặp khó. Đơn cử, Carrefour, chuỗi siêu thị có tiếng của Pháp loay hoay suốt bốn năm song cuối cùng vẫn phải rời thành phố này vào năm 2000 với lý do khó tìm địa điểm đặt chi nhánh. Trong khi đó, mặt bằng chẳng là chuyện khó với hai hãng siêu thị lớn Wellcome và ParknShop, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Hồng Kông Jardines và CK Hutchison Holdings.
Đường Canton ở Tsim Sha Tsui, Hồng Kông Ảnh: Bloomberg
Cuộc tranh luận về giàu - nghèo ở Hồng Kông thường đi vòng về một chữ: đất. Nhà ở tại Hồng Kông đắt nhất thế giới, theo viện chính sách nhà ở Demographia. Giá nhà so với thu nhập trung bình vượt xa những đô thị như Sydney, London và San Francisco. Giá cả tăng gần 400% kể từ khi đợt suy thoái bất động sản kết thúc cách đây 14 năm.
Vì giá nhà “trên trời”, Hồng Kông có nhiều hình thức ở lạ như "nhà quan tài”, "căn hộ nano”. Nhiều nhà phát triển bất động sản tung ra thị trường dòng "căn hộ nano” với giá hơn 400.000 USD/căn để nhắm đến tầng lớp trung lưu.
Hầu hết những người giàu nhất đất này đều kiếm tiền chủ yếu từ bất động sản. Người Hồng Kông giàu nhất là tỉ phú Lý Gia Thành. Ông sở hữu Cheung Kong Property Holdings, hãng có lợi nhuận cơ bản đạt 18 tỉ đô la Hồng Kông hồi năm ngoái. Tỉ phú Lý Triệu Cơ, ông chủ Henderson Land Development, thì kiếm được 14,2 tỉ đô la Hồng Kông. Túi tiền của 10 người giàu nhất bằng 48% nền kinh tế Hồng Kông, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.
Hồng Kông đứng đầu trong top 10 thành phố có giá nhà ở trung bình ngoài tầm với của người dân nhất Ảnh: Bloomberg
Chính quyền Hồng Kông rất nỗ lực để hạ bất bình đẳng giàu - nghèo. Đặc khu này lần đầu đưa ra mức lương tối thiểu năm 2011. Hiện lương tối thiểu ở Hồng Kông là 34,5 đô la Hồng Kông/giờ, tương đương 4,43 USD/giờ - mức lương tối thiểu mà Mỹ đã vượt qua từ năm 1996. 2 triệu trong tổng số hơn 7 triệu người Hồng Kông đang sống trong nhà cho thuê được chính quyền trợ cấp, trả trung bình 220 USD/tháng.
Hồng Kông chắc chắn vẫn có nhiều thành tựu kinh tế đáng tự hào. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của đặc khu là 45.000 USD, cao hơn Đức, Nhật Bản và Pháp. Tuổi thọ dân Hồng Kông nhỉnh hơn các nước đông Âu. Dân ở đây cũng hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ và sân bay tốt nhất thế giới.
Khi lương bổng bị chi phí sống bỏ xa, nhiều người dân bắt đầu tự hỏi về chuyện đến sống ở Đại lục. Với bà Lau, kiếm vừa đủ sống như bây giờ được xem là đã có cải thiện. Trước khi đủ điều kiện để ở nhà trợ cấp cách đây hai năm, bà phải làm một lúc ba công việc để kiếm đủ 5.000 đô la Hồng Kông trả tiền thuê căn hộ rất bé ở Sham sui Po, khu phố nghèo nhất Hồng Kông.
“Tôi từng gần như phát điên. Tôi chỉ mong con mình có trình độ học vấn cao hơn và không dẫm lên vết xe đổ của mình. Tôi không thấy tương lai tôi có hy vọng”, bà Lau nói, cố ngăn nước mắt. Đến giờ, bà vẫn không có tiền tiết kiệm và chưa từng nghỉ làm từ năm 2010.
Bên trong căn nhà của bà Lau Ảnh: Bloomberg
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.