Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/12/2023 13:53 GMT+7

Có chứng kiến các công đoạn làm thẻ xăm hường mới thấy hết độ công phu trong chế tác cũng như sự độc hại của nghề.

Theo ông Đặng Văn Tố (74 tuổi, trú tại P.Hương Sơ, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), người được xem là nghệ nhân cuối cùng chế tác thẻ xăm hường, trò chơi này xuất phát từ triều Nguyễn, được các phi tần, cung nữ trong hoàng cung dùng làm trò tiêu khiển những lúc nhàn rỗi.

Khởi nguyên trò chơi lưu truyền trong hoàng cung nên chất liệu cũng mang tính quý tộc và được làm bằng ngà. Khi lan ra dân gian, thẻ xăm hường được biến tấu bằng thẻ tre, gỗ… Đến nay, thẻ xăm hường chủ yếu được làm bằng xương bò.

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 1.

Từ xương bò lai, nghệ nhân Đặng Văn Tố đã chế tác thành bộ thẻ 63 xăm hường

HOÀNG SƠN

Cơ sở chế tác của ông Đặng Văn Tố mỗi năm cho ra thị trường hàng trăm bộ xăm hường, không những phục vụ nhu cầu người chơi trong nước mà còn theo chân Việt kiều ra các nước Mỹ, Canada, Úc…

"Mỗi bộ có tổng cộng 63 thẻ xăm hường. Ban đầu, tôi xẻ xương bò cỏ nhưng vì ngắn nên kích thước khá nhỏ. Sau này, tôi mua xương bò lai về để chế tác. Mỗi bộ xăm hường cần đến 10 bộ xương bò lai", ông Tố nói.

Vốn là người có năng khiếu hội họa cộng với khả năng chế tạo máy, đến nay ông Tố đã hoàn thiện cách chế tác xăm hường vừa nhanh vừa đậm tính nghệ thuật.

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 2.

Đầu tiên, sau khi ngâm xương bò trong nước vôi 3 ngày, nghệ nhân sẽ cắt xương thành từng miếng với kích cỡ khác nhau

HOÀNG SƠN

Trên mỗi thẻ xăm, ông Tố không chỉ khéo léo khắc Hán tự, Quốc ngữ, điểm số mà còn đưa vào đó những bức chân dung trông rất có hồn.

Tương ứng với mỗi học vị mà độ cầu kỳ, tinh xảo trong mỗi thẻ xăm cũng khác nhau, trong đó thẻ lớn nhất, đẹp nhất là thẻ trạng nguyên với chân dung người đàn ông đội mão, mặc áo thêu sang trọng. Các thẻ xăm thám hoa, bảng nhãn, hội nguyên, tiến sĩ cũng được ông Tố khắc họa từng đường nét trên áo, mũ.

Từ những mẩu xương vô hồn, những thẻ xăm dần hình thành nhờ vào sự khéo léo của đôi tay người thợ

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 4.

Nghề làm thẻ xăm hường hết sức độc hại vì bụi xương từ máy mài, máy cắt bay mù mịt

HOÀNG SƠN

Khi có thẻ xăm thô, công đoạn tiếp theo là đưa từng thẻ xăm vào máy khắc với những đường nét được tạo sẵn ở một bản phôi. Đây là chiếc máy do ông Đặng Văn Tố sáng chế, có thể cho phép người thợ khắc những hình ảnh lên xương với độ nông, sâu khác nhau nhằm tạo điểm nhấn trên bề mặt mỗi thẻ xăm

HOÀNG SƠN

Công đoạn tiếp theo là dùng sơn quét lên bề mặt đã được khắc trên mẩu xương

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 7.

Thẻ xăm tiếp tục được đưa qua máy mài để mài nhẵn bề mặt. Phần còn lại của lớp sơn sẽ bám sâu vào những đường khắc trước đó chính là hình ảnh quy định giá trị của mỗi thẻ xăm trong trò chơi đổ xăm hường

HOÀNG SƠN

Thẻ xăm hường thành phẩm với những chi tiết đã được gia công tròn góc, nét chữ sắc sảo

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 9.

Mỗi bộ xăm hường có tổng cộng 63 thẻ, khắc chữ - là học vị trong hệ thống khoa cử thời phong kiến. Trong đó, có 32 xăm tú tài (1 điểm/xăm), 16 xăm cử nhân (2 điểm/xăm), 8 xăm tiến sĩ (4 điểm/xăm), 4 xăm hội nguyên (8 điểm/xăm), 1 xăm thám hoa, 1 xăm bảng nhãn (cùng 16 điểm/xăm) và xăm có điểm lớn nhất là trạng nguyên (32 điểm/xăm)

HOÀNG SƠN

Trong số những thẻ xăm hường, các thẻ xăm tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên có khắc hình người đàn ông đội mũ, mão, mặc áo 

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 11.

Theo luật chơi, người chơi gieo 6 hột xúc xắc được khắc dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục (mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác tô màu đen). Mỗi lần đổ xúc xắc, căn cứ vào mặt tứ để tính điểm, người chơi sẽ nhận về cho mình chiếc xăm với số điểm thích hợp

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 12.

Bộ thẻ xăm hường của nghệ nhân Đặng Văn Tố không chỉ là đồ vật để giải trí mà còn mang giá trị trưng bày

HOÀNG SƠN

Cận cảnh cắt xương bò làm thẻ xăm hường ở xứ Huế - Ảnh 13.

Để nhiều người có thể tiếp cận trò chơi dân gian đổ thẻ xăm hường, nghệ nhân Đặng Văn Tố đã đưa lên các sàn thương mại điện tử để bán với giá từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/bộ, tùy theo kích thước

HOÀNG SƠN


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.