Thế cân bằng tàu ngầm thế giới sẽ thay đổi ra sao trong thập niên mới?

Văn Khoa
Văn Khoa
06/01/2020 22:02 GMT+7

Tạp chí Forbes mới đây đăng bài bình luận dự đoán trong thập niên 2020, thế giới sẽ có sự thay đổi lớn với cuộc chiến trong lòng biển, và đáng chú ý là sẽ có nhiều khuynh hướng dẫn tới thay đổi cán cân lực lượng tàu ngầm.

Cụ thể, trong bài viết “The 2020s Will Change The World Submarine Balance” (tạm dịch:Thập niên 2020 sẽ thay đổi cán cân tàu ngầm thế giới) đăng ngày 5.1, cây bút H I Sutton nhận xét rằng dù thế giới đã chứng kiến nhiều loại tàu ngầm quan trọng, vẫn sẽ có nhiều thay đổi trong vòng 10 năm tới.
Theo bài viết, nhiều nước đã cắt giảm đầu tư vào tàu ngầm sau Chiến tranh lạnh, khiến nhiều chương trình đóng loại tàu này bị trì hoãn hoặc chỉ có vài hợp đồng nhỏ. Nhưng giờ đây, tác giả cảm nhận đã có sự thay đổi.
“Nỗ lực hiện đại hóa đội tàu ngầm của Nga cuối cùng sẽ đạt kết quả sau nhiều năm không được quan tâm đúng mức. Các tàu ngầm Nga đã và đang hoạt động ngày càng nhiều hơn ở những khu vực do NATO kiểm soát. Đến năm 2030, đa số tàu ngầm Nga sẽ thuộc các lớp tàu hiện đại hơn, như lớp Borei và Yasen hiện đang bắt đầu được biên chế. Thậm chí sẽ có một số tàu thế hệ kế tiếp thuộc lớp Laika “, ông Sutton viết. Chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Laika có thể sẽ được đóng vào giai đoạn 2027-2030.

[VIDEO] Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga lần đầu bắn tên lửa liên lục địa Bulava

Trong khi đó, ông Sutton cho rằng dù tàu ngầm Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ, nhưng mức độ thay đổi khó đánh giá hơn so với chương trình phát triển tàu mặt nước rất ấn tượng của nước này. Theo tác giả, sức ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện nhiều ở xuất khẩu. Nước này đang xuất khẩu ngày càng nhiều tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy độc lập với không khí bên ngoài (AIP), giúp tàu hoạt động yên lặng hơn và có thể ở dưới nước trong thời gian dài hơn. Khách hàng của Trung Quốc gồm có Thái Lan và Pakistan.
Trong nhiều năm qua, các quốc gia xuất khẩu tàu ngầm chính là Đức, Nga, Pháp và Thụy Điển. Nhưng điều này đang thay đổi. "Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc đang trở thành nước xuất khẩu tàu ngầm và Nhật Bản cũng từng bước chuẩn bị gia nhập nhóm ưu tú này. Ngoài ra ngày càng có nhiều nước đang phát triển tàu ngầm nội địa, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam”, ông Sutton viết.

[VIDEO] Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: mối nguy mới từ Trung Quốc dành cho Mỹ

 
“Đây có lẽ là một phần trong sự chuyển mình lớn hơn của tàu ngầm. Ngày càng có nhiều quốc gia đóng và vận hành loại tàu này. Chẳng hạn Myanmar sau một thời gian dài không sở hữu tàu ngầm đã nhận chiếc đầu tiên vào cuối năm ngoái”, ông Sutton bình luận.
Bên cạnh đó, các loại tàu ngầm quy ước đang được đóng tại các nước này có công nghệ rất tiên tiến. Ông Sutton chỉ ra những tàu ngầm mới không sử dụng năng lượng hạt nhân do Nhật và Hàn Quốc đóng, nhờ có công nghệ pin mới, mà đã cải thiện khả năng tàng hình và hoạt động lâu dài của tàu.
“Trong 10 năm nữa khi chúng ta có thể nhìn lại thập niên 2020, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trong tác chiến tàu ngầm lớn hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong thời Chiến tranh lạnh”, ông Sutton viết trong phần kết của bài bình luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.