Cán bộ kiểm sát cần có 5 đức tính, không sợ quyền uy, không thể mua chuộc

10/02/2023 15:41 GMT+7

Viện KSND tối cao ban hành bộ quy tắc, nêu rõ mỗi người cán bộ kiểm sát cần có 5 đức tính; trong đó có yếu tố không sợ quyền uy, không thể mua chuộc.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí vừa ký ban hành Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát.

Bộ quy tắc điều chỉnh về thái độ, hành vi, cách ứng xử, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ kiểm sát khi thi hành công vụ. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, trách nhiệm của người cán bộ kiểm sát; đồng thời là căn cứ để xem xét khi bổ nhiệm các chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo, quản lý...

Cán bộ kiểm sát cần có 5 đức tính, 'không sợ quyền uy, không thể mua chuộc' - Ảnh 1.

Viện KSND tối cao ban hành bộ quy tắc, nêu rõ mỗi người cán bộ kiểm sát cần có 5 đức tính, trong đó có yếu tố "không sợ quyền uy, không thể mua chuộc" (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Theo nội dung quy tắc được ban hành, về yêu cầu chung, người cán bộ kiểm sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không né tránh trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh với vi phạm, tội phạm và hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và sự công bằng; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân và tập thể lên trên lợi ích của cá nhân.

Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, người cán bộ kiểm sát cần bảo đảm 5 đức tính: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn.

Công minh nghĩa là trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc phải luôn bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; luôn nhận thức các vấn đề một cách đúng đắn, không vì động cơ cá nhân, tư lợi, vụ lợi mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng; không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào; không sợ quyền uy, không thể mua chuộc.

Chính trực nghĩa là phải luôn trung thực, thẳng thắn, chân thành, theo đúng lẽ phải, luôn coi trọng công việc, có quan điểm rõ ràng trong giải quyết công việc; có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao; dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; mạnh dạn, quyết đoán đề xuất các hình thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong giải quyết công việc.

Khách quan nghĩa là phải chí công vô tư, luôn tôn trọng sự thật khách quan; giải quyết công việc theo đúng pháp luật và quy định của ngành; không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không thiên vị hoặc áp đặt định kiến cá nhân chủ quan bất cứ bên nào trong giải quyết vụ án, vụ việc; không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thực thi công vụ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành.

Thận trọng nghĩa là phải cân nhắc, đi sâu tìm hiểu, phân tích làm rõ bản chất sự việc để tránh sai sót khi đưa ra quyết định; kiên quyết chống lại "căn bệnh" qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm; thận trọng nhưng không được do dự, chần chừ; kiên quyết nhưng không được chủ quan, nóng vội dẫn đến giải quyết vụ việc thiếu chính xác.

Khiêm tốn nghĩa là luôn có ý thức, thái độ đúng mực trong nhìn nhận, đánh giá bản thân, cầu thị, nêu gương, giản dị, hòa đồng, có ý thức giữ gìn hình ảnh của ngành; không quan liêu, cửa quyền, hách dịch; không tự mãn, tự cao, tự đại, coi thường người khác; luôn tôn trọng và phục vụ nhân dân.

Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện KSND tối cao, viện trưởng viện KSND các cấp có trách nhiệm tổ chức, quán triệt và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy tắc trong cơ quan, đơn vị.

Cùng với việc thực hiện quy tắc trên, người cán bộ kiểm sát cũng cần áp dụng, vận dụng đồng bộ các quy định của Đảng, Nhà nước và quy định khác của ngành về đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.