Cần biết để du học ‘không hoảng loạn’: Giao tiếp, tài chính, còn gì nữa?

06/11/2022 10:05 GMT+7

Theo du học sinh (DHS) Việt Nam tại nhiều nước, làm quen ‘cú sốc’ giao tiếp, lập kế hoạch chi tiêu và học cách bảo vệ bản thân là những điều cần biết để ‘không hoảng loạn’ trước khi đặt chân đến môi trường mới.

Nền tảng tốt, giao tiếp khó là bình thường

Dù có nền tảng tiếng Anh vững trước khi du học, Đào Sơn Tùng (ĐH Calgary, Canada) vẫn đối diện với khó khăn khi nghe giảng trên lớp. Theo nam sinh viên, đây là rào cản DHS thường gặp khoảng thời gian đầu, nhưng chỉ cần 2-3 tuần là có thể thích nghi. “Các bạn có thể tập xem phim không phụ đề để quen dần. Năng lực tự học cũng rất quan trọng vì ở ĐH sẽ không có thầy cô hướng dẫn”, Tùng nói.

Giao tiếp còn đặc biệt khó khăn với những DHS tại các nước không dùng phổ biến tiếng Anh. Chẳng hạn, Võ Ngọc Anh Thư (ĐH Hanyang, Hàn Quốc) tuy đã có hơn 1 năm học tiếng Hàn, đáp ứng yêu cầu đầu vào ngoại ngữ của trường nhưng ở những buổi học đầu tiên, cô vẫn “sốc” vì không thể nghe hiểu lời giáo sư nói. “Suốt nhiều tuần liền tôi khóc liên tục”, nữ sinh viên tâm sự.

Để “không hoảng loạn” trước khi học chuyên ngành, Thư chủ động nhắn tin cho bạn bản xứ cùng lớp để làm quen, sau đó xin được giúp đỡ nếu gặp phần khó hiểu. “Các bạn rất nhiệt tình trao đổi những điều tôi thắc mắc. Nếu đôi bên đều không rõ, tôi sẽ trực tiếp gửi email hỏi giáo sư, nhờ đó nhận được nhiều lời khuyên bổ ích”, cô cho hay.

Anh Thư từng gặp sốc khi không nghe hiểu bài giảng trên lớp dù đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đầu vào của trường

ANH THƯ

Đặng Thụy Diễm Anh (ĐH Erasmus, Rotterdam, Hà Lan) cũng nhận định DHS học tập tại một số nước châu Âu ít nói tiếng Anh như Pháp, Ý hay Tây Ban Nha sẽ gặp nhiều khó khăn khi trao đổi với người bản xứ.

“Tôi chọn theo hướng nghiên cứu nên phải tự học, tự đọc và tư duy bằng tiếng Anh. Cách ‘sống sót’ là mỗi tuần đều lên lịch chi tiết những bài cần học, những tiết cần đến và những cuộc họp nhóm cần tham gia”, cô chia sẻ về kế hoạch học tập.

Đừng để đau đầu vì tài chính

Theo Diễm Anh, ở một số khu vực có mức sống đắt đỏ như châu Âu, một bữa ăn ngoài có thể tốn đến 400.000 đồng. Vì thế, những DHS như cô thường rỉ tai nhau mẹo mua nguyên liệu rẻ, nhiều và ngon để tự nấu ăn, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, nữ sinh viên phải chi hết 5/7 tài chính cho tiền trọ.

Sơn Tùng cũng nhận định tài chính luôn là vấn đề khiến DHS đau đầu, “kể cả khi gia đình có điều kiện”. Nếu như có khoản chu cấp định kỳ, nam sinh viên khuyên nên lên kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng, đảm bảo trước cho nhu cầu nhà ở, thực phẩm, cước điện thoại. “Phần còn lại, một nửa dùng cho giải trí, một nửa để tiết kiệm”, anh nói, đồng thời cho hay DHS có thể làm thêm nhưng hãy ưu tiên việc học lên trên hết.

Tuy nhiên, cũng có những DHS đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều nhất trong khả năng thay vì tiết kiệm như Vũ Nguyễn Vân Anh (ĐH Amsterdam, Hà Lan). “Tôi hay đùa với bạn bè là tôi sống như du khách Hà Lan, vì đã đi gần hết những nơi du khách thường đến mà các bạn bản xứ cũng chưa tới bao giờ. Năm vừa rồi tôi đã ngang qua hơn 10 thành phố trọng điểm ở Hà Lan và khoảng 7 nước châu Âu”, nữ sinh kể.

Vân Anh tại vườn hoa Keukenhof (Amsterdam, Hà Lan), một trong hàng chục địa điểm du lịch cô đã ghé thăm trong những năm du học

vân anh

Vân Anh cũng lưu ý DHS cần tìm hiểu văn hoá ẩm thực của nước sở tại để điều chỉnh thói quen ăn uống phù hợp. “Ở Hà Lan, người dân ăn bánh mì, đồ lạnh là chủ yếu chứ không thích một ngày ba bữa nóng sốt như Việt Nam. Vậy nên, buổi sáng muốn đi ăn thì nhà hàng 12 giờ trưa mới mở, hay đồ ăn sáng như phở thì bên đây lại là bữa tối”, cô chia sẻ và cho hay bản thân thường tự nấu ăn để đáp ứng khẩu vị.

Tìm thấy “kho báu” nhờ tìm hiểu chính sách

Anh Thư bật mí “một điều ít được biết” là Bộ Du lịch Hàn Quốc luôn mở chương trình trải nghiệm đài thọ toàn bộ chi phí du lịch, khách sạn 4 sao cho người nước ngoài sống tại Hàn. “Đổi lại, chỉ cần viết phản hồi giúp họ cải thiện dịch vụ du lịch. Thế nên, tôi thường đăng ký tham gia để có những chuyến đi miễn phí”, cô kể.

Thành phố Rotterdam, nơi Diễm Anh sinh sống, cũng có nhiều hoạt động văn hoá miễn phí mỗi tuần một ngày như xem hòa nhạc, đi bảo tàng,... cũng như một số sự kiện giao lưu diễn giả “xịn sò” miễn phí khác. “Đó là những ‘kho báu’ nếu DHS chịu khó tìm hiểu là có và những hoạt động như thế này giúp tôi hiểu thêm về đất nước mình du học, không chỉ bó gọn trong cuộc sống học đường”, nữ sinh nhìn nhận.

Hãy học mẹo thoát thân

Vừa qua, thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nơi Anh Thư theo học, đã chứng kiến thảm nạn Itaewon với 156 người thiệt mạng, 172 người bị thương, khiến nữ sinh nhận ra bản thân đang thiếu hiểu biết về mẹo thoát thân khi gặp sự cố, hay cách sơ cứu tại chỗ cho mình và người khác nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Việc dành thời gian để học những kỹ năng này, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là điều vô cùng cần thiết”, cô cho hay.

Nữ sinh cũng lưu ý DHS nên biết cách liên hệ với cảnh sát trong trường hợp không thể gọi điện thoại để báo tin. Ở Hàn Quốc, người dân sẽ gọi cảnh sát và nhấn một phím bất kì 2 lần hoặc gửi tin nhắn “cứu tôi với”. “Cảnh sát sẽ hiểu bạn đang ở trong tình huống không thể nghe máy và gửi đường link. Khi nhấp vào, camera điện thoại và hệ thống định vị được tự động kết nối với cảnh sát để họ có thể ứng cứu kịp thời”, Thư chia sẻ.

Dành thời gian tham gia các hoạt động văn hoá miễn phí là cách Diễm Anh hiểu thêm về đất nước đang du học

NVCC

Diễm Anh thì nhận định DHS phải tìm hiểu rõ các khu vực nơi mình sinh sống, như ở đâu thường tập trung biểu tình, vùng nào là điểm du lịch để không vướng vào những rủi ro không đáng có, hay bị cuốn vào đám đông dù không mong muốn. “Ở những dịp lễ lớn của nước sở tại, bạn cũng cần cân nhắc thời gian ra đường phù hợp”, cô nói.

Chú ý thời tiết ở những nước có khí hậu khác hẳn Việt Nam để giữ gìn sức khỏe là lời khuyên của Sơn Tùng. “Canada khá lạnh nên đã có nhiều trường hợp ra đi vì đột quỵ. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn bè của tôi cũng rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi đến đây du học. Hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân”, anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.