Cân bằng tâm lý trong đại dịch: Để những ngày cách ly... qua mau

14/08/2020 08:00 GMT+7

Không chỉ các y bác sĩ động viên tinh thần người dân chống dịch, mà cả các bệnh nhân Covid -19 cũng không ngừng gửi lời động viên, trấn an cộng đồng.

Anh M.A.Đ là bệnh nhân 687. Từ khi nhiễm bệnh và được đưa vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng), mỗi ngày anh đều tập thể dục, tăng cường thể lực chiến đấu với bệnh và “cập nhật” tình hình sức khỏe để động viên người thân, cộng đồng bên ngoài - những người mà theo bệnh nhân 687 là “không thể hình dung được Covid-19” là gì.
Những dòng nhật ký Covid-19 gần nhất, bệnh nhân 687 chia sẻ sau gần 1 tuần điều trị thể hiện: “Giữ vững tinh thần lạc quan là liều thuốc cực kỳ quan trọng đối với các bệnh nhân như chúng tôi lúc này. Và niềm tin của tất cả mọi người trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này là nội lực để giúp đẩy lùi đại dịch nhanh chóng”.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 14.8: Thêm 6 ca mắc mới ở Hải Dương, Quảng Nam

Tại TP.HCM, PV Thanh Niên cũng ghi lại được những chia sẻ của chính “người trong cuộc”. L.V.T (18 tuổi, ngụ Đà Nẵng) là du học sinh từ Singapore về sân bay Cần Thơ ngày 30.6 và được cách ly tại Vĩnh Long. T. cho biết, trên chuyến bay về Cần Thơ để cùng cách ly, có nhiều bạn học cùng trường, cùng lớp... Ở khu cách ly, T. được trang bị đồ dùng cá nhân, như: xà phòng, khăn tắm, phòng ốc sạch sẽ... Cán bộ rất thân thiện; khi cần gì thì chỉ việc nhờ và cán bộ mua đưa vào.
“Ban ngày thì học online, học xong thì tập thể thao. Ban đêm thì tán gẫu với bạn bè, qua đó làm quen thêm nhiều bạn mới ở khu cách ly. Điều quan trọng nhất trong 14 ngày cách ly là dành thời gian cho bản thân. Tôi đã đạt được mục tiêu là giảm cân bằng cách ăn ít cơm lại và đã thành công - điều mà trước đây tôi chưa làm được”, T. chia sẻ thêm.

Bản tin Covid-19 ngày 13.8: Lây nhiễm cộng đồng vẫn rất phức tạp

Còn chị N.H.C.T (Tây Ninh), cho PV Thanh Niên biết từng bị kẹt ở Thái Lan hơn 2 tháng và cũng trải qua 2 tuần cách ly tập trung khi về đến Việt Nam. “Giai đoạn bị kẹt nơi xứ lạ quê người là thời gian rất dễ stress. Nhịp sống lặp đi lặp lại trong vô định, không bị ai giam cầm nhưng lại mất tự do. Tâm trạng hoang mang không biết ngày nào mới có chuyến bay trở về nhà, tiền bạc cạn kiệt dần, những kế hoạch dở dang... làm tôi cũng đôi lúc xuống tinh thần”, chị C.T nhớ lại. Nhưng theo chị, 2 tuần cách ly tập trung ở Việt Nam thoải mái, dễ chịu hơn nhiều. “Dĩ nhiên, khu cách ly thì không thể tiện nghi như khách sạn. Nhưng đổi lại, đó là sự yên tâm khi được chăm sóc, kiểm tra sức khỏe, được phục vụ từng bữa ăn. Tận dụng những thời gian rảnh rỗi ở đó, tôi và mọi người tự xây dựng cho mình thói quen tập thể dục mỗi ngày - một điều mà cuộc sống bận rộn bình thường hiếm khi làm được. Hai tuần cách ly, trôi qua rất nhanh và bổ ích. Thậm chí ngày về, đoàn chúng tôi còn tổ chức tiệc nhẹ chia tay trong lưu luyến...”, chị C.T tâm sự.
Theo chị C.T, khi tinh thần thoải mái, những khó khăn nhỏ nhặt khác về tiện nghi vật chất chỉ là chuyện quá nhỏ. Những người cực nhọc và vất vả nhất ở khu cách ly, không phải là người được cách ly, mà là những cán bộ nhân viên, dân quân tự vệ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.