Camera hay niềm tin?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/12/2022 04:05 GMT+7

Tôi mở camera trực tuyến trong lớp học mầm non của con, màn hình thấy rất rõ các bé đang thay đồ chuẩn bị đi ngủ trưa.

Các bé trai và bé gái được ngăn cách nhau bởi một lớp rèm, nhưng trước mắt bất kỳ phụ huynh nào trong lớp thì những hình ảnh của các bé cả trai và gái không được che chắn.

Tôi giật mình. Tôi là mẹ của con mình, chỉ tìm hình ảnh của con và chỉ xem con có vui vẻ, khỏe khoắn, ngủ ngoan... Nhưng ai có thể kiểm soát được cho tôi khi rất nhiều người khác (có thể cả là hacker) xâm nhập vào dữ liệu camera trực tuyến những lớp học như thế này. Biết đâu đó, họ quay lại hình ảnh con tôi cũng như nhiều bé khác, đăng lên mạng xã hội, các website “đen” với những mục đích xấu?

Nhiều năm trở lại đây, rất nhiều trường mầm non gắn thêm camera trực tuyến trong lớp, cho phép phụ huynh từ bất cứ đâu có thể mở điện thoại và xem con em mình từ sáng đến chiều. Nhà trường tự hào quảng bá dịch vụ đủ đầy, còn phụ huynh xem đây là tiêu chí hàng đầu để chọn trường cho con, với niềm tin “lớp có camera, đừng hòng cô dám làm gì con tôi” - hẳn nhiên lúc nào đó trong đó từng có tôi. Nhưng cũng từ đây có những phụ huynh ngồi “canh”, “soi” camera từ sáng đến chiều để bắt lỗi giáo viên, gọi điện cho cô phải làm thế này, thế kia, từ những cái nhỏ nhặt nhất khiến các cô giáo chỉ biết than trời vì quá áp lực.

Một chủ trường mầm non nói thẳng: “Giáo viên nói thật đều ngán camera, vì nhân vô thập toàn, con người không ai hoàn hảo, cái nghề vốn đã quá vất vả như giáo viên mầm non lại bị “giám sát”, “điều khiển từ xa” qua camera từ sáng tới chiều thì chịu không thấu”.

“Nếu một nhân viên trong công ty mỗi ngày đều được sếp quan sát camera, sau đó gọi điện nhắc nhở liên tục về hành động trong lúc làm việc, thì tôi cam đoan chỉ một tuần sau nhân viên đó sẽ làm đơn xin nghỉ việc”, một bạn đọc bình luận.

Nhưng quan trọng hơn, chiếc camera trực tuyến đang vi phạm quyền riêng tư của cả trẻ em và cô giáo, ngay trong môi trường giáo dục - nơi mà giá trị của mỗi con người phải được bảo vệ và tôn trọng.

Camera nên là một công cụ để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường, chứ không phải là “chiếc đũa thần” hô biến môi trường giáo dục trở nên hoàn hảo. Điều quan trọng nhất vẫn là con người, là niềm tin vào giáo dục và môi trường giáo dục. Bởi hơn hết, chính trái tim của thầy cô giáo - người có đầy đủ lòng yêu thương, trí tuệ khi được đặt lòng tin, được trao quyền - mới đem lại yêu thương và môi trường giáo dục hạnh phúc đích thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.