Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây

Vũ Thơ
Vũ Thơ
31/05/2023 18:34 GMT+7

Đảo Song Tử Tây là điểm dừng chân đầu tiên của con tàu KN 390 đưa đoàn công tác số 10 năm 2023 đến thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Nhà giàn DK1 và đoàn đã có những cảm xúc đặc biệt tại đây.

Vừa qua, đoàn công tác số 10 do Bộ Tư lệnh Hải quân và T.Ư Đoàn tổ chức đã đến thăm và làm việc tại đảo Song Tử Tây trong quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Dẫn đầu đoàn công tác có Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 10; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Phó trưởng đoàn công tác số 10, Trưởng đoàn hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương"; bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó trưởng đoàn công tác.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 1.

Lãnh đạo đoàn công tác trao quà cho các thiếu nhi tại đảo Song Tử Tây

DƯƠNG HƯNG

Nét riêng của đảo

Đặt chân tới đảo, hầu hết các đại biểu đều có cảm xúc rất đặc biệt bởi đây là hòn đảo cao nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có những công trình, di tích, di sản đặc biệt. Đó là bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông.

Đó là cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam với ý nghĩa như "cột mốc xanh" về chủ quyền biển đảo. 

Đó là trạm quan trắc khí tượng hải văn Song Tử Tây - một trong 2 trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 2.

Trạm khí tượng Hải Vân trên đảo Song Tử Tây

VŨ THƠ

Đó là tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây sừng sững hướng ra Biển Đông. Đó là ngọn Hải đăng được ví như "mắt thần" đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra biển khai thác, đánh bắt hải sản...

"Ngay khi đặt chân tới đảo, cá nhân tôi và rất nhiều đại biểu cảm thấy đặc biệt ấn tượng với màu xanh tươi mát của cây cỏ, hòa quyện với biển, trời tạo thành những dấu ấn rất khác biệt, riêng có của đảo", anh Nguyễn Tường Lâm bày tỏ.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Tường Lâm và lãnh đạo đoàn công tác thăm hỏi chiến sĩ tại đảo Song Tử Tây

VŨ THƠ

Đây cũng là đảo có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu thuyền của ngư dân. Đặc biệt là đảo có nhiều người dân sinh sống, có tiếng cười của trẻ nhỏ, tiếng học bài vang ra từ lớp học với đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5.

Đón chúng tôi, ngoài lính đảo còn có cả những người phụ nữ với những nụ cười rạng rỡ. Họ là cư dân đã cùng gia đình ra gắn bó với đảo để gìn giữ biển, trời quê hương.

Chia sẻ cảm xúc của mình, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, hơn 200 đại biểu cảm thấy vô cùng may mắn được có mặt trong chuyến hành trình đến với quần đảo Trường Sa năm nay, và ý nghĩa hơn nữa khi điểm đặt chân đầu tiên chính là đảo Song Tử Tây.

Anh Lâm cho biết, trong quá trình thăm, làm việc cũng như được nghe thông tin, báo cáo của chỉ huy đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đoàn công tác rất vui mừng vì tại nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, vững niềm tin, ý chí hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại buổi làm việc với quân và dân trên đảo Song Tử Tây

HÀ LÊ

"Gặp, trao đổi, chia sẻ với các đồng chí, chúng tôi càng thêm hiểu về những khó khăn, thiếu thốn, vất vả mà các đồng chí đã vượt qua bằng ý chí, quyết tâm và lòng yêu nước; càng thêm trân quý các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo; càng thêm niềm tin chắc chắn chúng ta sẽ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước", anh Lâm nói.

Cớ gì không cố gắng như Trường Sa?

Đoàn công tác đã đi thăm hỏi và tặng quà chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Nhiều món quà trong chương trình "Trường Sa xanh" mang ra từ đất liền đã được trao tận tay quân, dân trên đảo như: ti vi, tủ lạnh, quạt điện, máy lọc nước, cây xanh, lương thực, thực phẩm… Mỗi phần quà đều chứa đựng những tình cảm của người dân, nhằm tri ân với những người đã không quản ngại gian khổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 5.

Các đại biểu đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ đứng gác ở đảo

VŨ THƠ

Anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, từ thông điệp "Mang ra tình cảm, mang về niềm tin" của chuyến hành trình đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, cho đến chuyến hành trình năm 2023 với thông điệp "Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh", T.Ư Đoàn mong muốn các đại biểu sẽ có những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, nhiệm vụ của chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bám biển thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, góp phần "Xanh hóa Trường Sa" và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Rất nhiều thành viên đoàn công tác sau 2 tiếng tham quan tại đảo đã không khỏi bùi ngùi, xúc động lúc chia tay. 

Chị Phạm Thị Ngọc Thủy (công tác tại Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ), thành viên đoàn công tác số 10, chia sẻ tại đây chị đã được gặp lại bạn mình và những người đồng hương quê mình. Họ là chiến sĩ, họ là người dân. Họ đã chia sẻ những cảm xúc khi sinh sống ở đảo và hỏi thăm về đất liền.

Cảm xúc rất đặc biệt ở đảo Song Tử Tây - Ảnh 6.

Chị Phạm Thị Ngọc Thủy (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm với các phụ nữ trên đảo Song Tử Tây

VŨ THƠ

"Hai tiếng đồng hồ trôi qua nhanh quá nhanh, tạm biệt Song Tử Tây, tạm biệt bạn, tạm biệt các hộ dân trên đảo để lên xuồng về lại tàu mà lòng mình vừa tự hào, vừa bâng khuâng. Ở nơi đảo nhỏ dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bạn mình và các đồng đội vẫn ngày đêm vững tay súng canh gác biển, trời; các hộ dân vẫn luôn nỗ lực tăng gia sản xuất để Song Tử Tây ngày một phát triển...

Mình tự hỏi, nơi đất liền với nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống, cớ gì mà mình không cùng cố gắng, nỗ lực như với Song Tử Tây, với Trường Sa", chị Thủy bày tỏ.

Chương trình "Trường Sa xanh" do T.Ư Đoàn phát động trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 đã nhận được sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng Thương mại CP Kiên Long (KienlongBank), Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vina E&C, Công ty CP Tập đoàn DKNEC.

Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 có sự đồng hành của Petrovietnam. Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp nhà nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đội ngũ gần 60.000 thành viên của Petrovietnam với năng lực chuyên môn cao cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo không ngừng đã xây dựng cho đất nước một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi khép kín các hoạt động từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.