Cảm xúc của một đảng viên nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng: Từ chiến trường khói lửa đến cuộc sống đời thường

Lời tòa soạn: Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9 vừa vinh dự nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Ông gửi đến Thanh Niên những cảm xúc của mình nhân ngày trọng đại này.

Tôi tên Lưu Phước Lượng, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ 12 trực thuộc Đảng bộ P.9, Q.Phú Nhuận (TP.HCM).

Vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, đúng vào dịp Đảng và Nhà nước ta tổ chức lễ kỷ niệm 105 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.2022).

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, mưu lược và đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, nhân dân Việt Nam đã kiên cường đấu tranh ròng rã suốt mấy mươi năm để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu chiến lược đầy tính nhân văn: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đây là trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam, niềm tự hào thiêng liêng, bất diệt của đất nước và dân tộc chúng ta.

Sau ngày đất nước thống nhất, dũng cảm nhận thức lại những quan niệm giáo điều đã hằn sâu trong nhận thức, mà thực tiễn đã vượt qua để thực hiện sự nghiệp đổi mới đầy sáng tạo, bảo vệ vững chắc được Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và xây dựng đất nước đạt được những thành tựu rất quan trọng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của thời đại, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1965 khi bước vào tuổi 17 tôi vào vùng giải phóng Chánh Lưu - Nhà Đỏ thuộc H.Bến Cát (Bình Dương) gặp cha. Bấy giờ cha tôi đang là Tỉnh đội trưởng tỉnh Phước Thành thuộc Quân khu Miền Đông.

Trên đường ra chiến khu, lần đầu tôi nghe những âm thanh kỳ lạ như máy xay lúa trên bầu trời. Rồi cả một vùng rộng lớn rung chuyển với nhiều tiếng nổ dữ dội, dồn dập vang cả một góc trời, từng cột khói đen cuồn cuộn che phủ cả cánh rừng rộng lớn. Tôi thầm nghĩ “Mình mới bắt đầu lên đường tham gia quân giải phóng, chưa đánh đá gì mà nó (quân Mỹ) đã dằn mặt mình rồi”. Trận thử lửa đầu tiên đầy ấn tượng, và sau này tôi được biết, đây là lần đầu tiên Mỹ đã sử dụng các pháo đài bay B52 ném bom rải thảm trên chiến trường Miền Đông Nam bộ.

Trong chiến đấu, trận đầu tiên, tôi và đồng đội đã chạm trán với một đại đội quân Mỹ thuộc lưu đoàn dù 173 trong cuộc càn Junction City năm 1967 ở chiến trường Bắc Tây Ninh. Dẫu lực lượng không cân sức nhưng tiểu đội của chúng tôi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 lính Mỹ.

Sau trận này, tôi được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được đưa vào đối tượng phát triển Đảng của Chi bộ đơn vị. Và phải trải qua nhiều thử thách nữa đến tháng 10.1967 tôi mới được kết nạp vào Đảng.

Tại sở chỉ huy chiến dịch, mùa khô 1984-1985. Từ phải sang: Lưu Phước Lượng (thứ 1) và Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (thứ 3)

TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã trải qua rất nhiều tình huống hiểm nghèo gắn liền với những sự kiện, những chiến dịch lịch sử. Từ các trận đánh chống lại các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của quân Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ đến chiến dịch Mậu Thân 1968… những chiến dịch đánh bom rải thảm của máy bay chiến lược B52 của Mỹ rồi những quả mìn của Pol Pot trên chiến trường Campuchia… Đến bây giờ, cha tôi vẫn còn giữ giấy báo tử của tôi trong Xuân Mậu Thân 1968.

Qua 55 năm, một chặng đường phấn đấu, học tập, rèn luyện và cống hiến, hôm nay được nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng, đó là vinh dự và là niềm tự hào về sự rèn luyện, phấn đấu, là sự công nhận của Đảng đối với bản thân tôi, một đảng viên chân chính đã hoàn thành tốt bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng giao cho.

Chúng tôi, những người nhận huy hiệu của Đảng hôm nay, luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha ông những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Chúng tôi luôn tri ân cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong quân đội, cấp ủy cơ quan, chính quyền địa phương, các đồng chí đồng đội và nhân dân cùng gia đình động viên khích lệ, giúp đỡ để mỗi chúng tôi có động lực phấn đấu và trưởng thành.

Nhân đây, chúng tôi cũng như các tầng lớp nhân dân đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp vì sự đồng tâm, đoàn kết, kiên cường của nhân dân thành phố nói chung, và quận nhà cũng như P.9 nói riêng trong giai đoạn phòng chống dịch Covid 19, giữ vững được ổn định xã hội, chăm lo cho đời sống người dân. Dịch bệnh tuy đã được kiểm soát, nhưng chúng ta không được chủ quan, đồng hành cùng Đảng, chính quyền và nhân dân quận nhà phấn đấu thực hiện thật tốt mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa phương.

Được nhận huy hiệu của Đảng, trong dịp lễ kỷ niệm 105 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, nhắc nhở chúng ta những thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp giá trị ý nghĩa vô cùng lớn lao của ngày lịch sử này bằng ý thức và hành động cụ thể: Phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu, góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW về xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay để mãi xứng đáng là đảng viên đủ tư cách của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là đảng viên đã trải qua nhiều cương vị công tác, ở đó với hệ thống tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ cùng nhiều quy chế, quy định cụ thể, với nhiều mối quan hệ, tôi ý thức rằng trong thời điểm đó, bản thân tôi, có được môi trường lành mạnh để tự phấn đấu và rèn luyện, không tự dễ dãi đối với bản thân mình để giữ gìn tư cách đảng viên.

Tại sở chỉ huy Sư đoàn 196 - Campuchia, Bátđomboong mùa khô 1983-1984. Từ trái sang: Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (thứ 1), Lưu Phước Lượng (thứ 3), cán bộ Sư đoàn 196 của bạn (thứ 4, từ trái sang)

TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Còn hiện nay, khi đã nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, mối quan hệ với Đảng, chỉ có một kênh duy nhất thường xuyên đó là chi bộ khu phố. Ở đó, chúng ta đều có thể cảm nhận (do nhiều nguyên nhân): sự lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng (chi bộ) không vững mạnh như tổ chức Đảng thời chúng ta đang công tác. Đây là một hiện tượng đã được báo chí và nhiều chuyên gia xây dựng Đảng cũng như nhiều đảng viên tâm huyết đề cập (một hiện tượng, một đề tài có thể sẽ được bàn thảo vào một dịp khác).

Vì vậy, yếu tố tự giác rèn luyện của từng đảng viên lúc này theo tôi nghĩ, có ý nghĩa quyết định hàng đầu trong giữ gìn tư cách của người đảng viên chúng ta.

Một vấn đề nữa là phải luôn giữ vững niềm tin vào Đảng và chế độ, sự nghiệp đổi mới của đất nước và dân tộc. Giảm sút niềm tin, mất niềm tin, chúng ta sẽ rơi vào con đường suy thoái về tư tưởng - chính trị - đạo đức - lối sống, trước hết là đạo đức, lối sống bạn đồng hành của chủ nghĩa cá nhân và lối sống ích kỷ.

Diễn biến này, nhất định sẽ dẫn đến sự thoái hóa, quay lưng lại với đất nước và dân tộc.

Các “đại án” và các vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã và đang diễn ra với nhiều cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, dù được quản lý, quy hoạch, sàng lọc kỹ lưỡng và có một quá trình rèn luyện lâu dài. Song họ đã lừa dối tổ chức gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì đồng tiền, trước những mất mát đau thương liên quan đến sinh mệnh của hàng vạn đồng bào ta như đại dịch Covid 19 vừa qua. Không còn lý giải nào xác đáng hơn nữa, đây là biểu hiện của lối sống ích kỷ phi nhân tính.

Câu hỏi được người dân nêu ra: Tại sao họ (những người sai phạm) không sợ? Họ có thiếu cái gì đâu? Câu trả lời chỉ có thể là: lòng tham không đáy của con người không được ức chế. Họ ham cả tiền và hám cả quyền lực, trong một môi trường không được giám sát và kiểm soát quyền lực chặt chẽ dẫn đến thoái hoá.

Có đồng chí nói rằng, đã nghỉ hưu rồi, đâu còn quyền lực để tha hóa và sai lầm.

Đúng, nhưng chúng ta không chỉ thể hiện vai trò gương mẫu mà còn phải có trách nhiệm với con cái, gia đình, người thân thậm chí những bạn bè thân thiết và quần chúng xung quanh ta. Tôi nghĩ đó là thái độ đúng đắn của đảng viên đã nghỉ hưu trong thời điểm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.