'Cấm' thi tuyển lớp 6 !

11/03/2015 09:00 GMT+7

'Lệnh cấm' thi tuyển vào lớp 6 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ năm 2015 nhưng đến thời điểm này phụ huynh vẫn chưa biết các trường vốn thi tuyển sẽ thay thế bằng hình thức tuyển sinh nào.

“Lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ năm 2015 nhưng đến thời điểm này phụ huynh vẫn chưa biết các trường vốn thi tuyển sẽ thay thế bằng hình thức tuyển sinh nào.

'Cấm' thi tuyển lớp 6 !Trường Hà Nội - Amsterdam đang sốt ruột chờ phương án tuyển sinh lớp 6 năm nay - Ảnh: Ngọc Thắng
Tháng 11.2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, bộ nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh (HS) đầu năm học, không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6.
Nhà trường kêu khó, phụ huynh hoang mang
Chỉ thị của bộ trưởng nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học. Tại cuộc họp giao ban lãnh đạo sở GD-ĐT 5 thành phố lớn cuối năm 2014, trước băn khoăn về cách thức tuyển sinh với những trường THCS lâu nay vẫn được phép thi tuyển vào lớp 6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lần nữa khẳng định: “Về nguyên tắc không được thi để lấy trình độ văn hóa để chọn vào lớp 6 vì đây là cấp học phổ cập. Nếu tổ chức bài thi, luyện thi thì dẫn đến một loạt hệ quả và không đúng với chủ trương phổ cập. Nếu thi hay kiểm tra văn hóa để tuyển vào thì chính chúng ta gây nên tình trạng dạy thêm học thêm chứ không phải các cháu và cha mẹ các cháu”.
Tại Hà Nội, cho đến thời điểm này những trường vốn trước nay tổ chức thi gắt gao 2 môn văn, toán để tuyển vào lớp 6 là khối THCS của Trường Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy) hoặc THCS Nguyễn Tất Thành thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn chưa công bố được phương thức tuyển sinh từ năm 2015, để không vi phạm chỉ thị của bộ trưởng.
Trong khi đó, phụ huynh có con vào lớp 6 và nhắm vào những trường trên thì như đang ngồi trên đống lửa. Chị Lương có con học lớp 5 Trường tiểu học Kim Liên, Q.Đống Đa cho biết: “Dù Bộ cấm không thi nhưng cũng không đưa ra phương án tuyển sinh nào thay thế. Mục đích để không bắt các cháu phải học thêm nhưng chúng tôi cũng không thể mạo hiểm cho con mình bỏ các lớp ôn luyện khi chưa biết chính xác là có thi hay không”.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy tình trạng dạy thêm học thêm ở những lớp được cho là luyện thi vào các trường đặc thù của Hà Nội vẫn không có biểu hiện giảm nóng. Có phụ huynh quá sốt ruột đã gọi điện hoặc tìm gặp thẳng hiệu trưởng, thậm chí lãnh đạo Sở GD-ĐT để hỏi về phương thức tuyển sinh năm nay nhưng đều nhận được câu trả lời “chưa có, phải đợi”.
Lãnh đạo Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết các năm trước mọi quy định liên quan đến tuyển sinh khối 6 của trường ra sao đều do Sở quy định và hướng dẫn. Năm nay, không chỉ phụ huynh mà nhà trường cũng rất hồi hộp chờ đợi.
Các năm trước, dù mỗi năm Trường Hà Nội - Amsterdam chỉ tuyển khoảng 200 HS lớp 6 nhưng số lượng dự thi thường lên tới 4.000. Vì vậy, chính ban giám hiệu cũng chưa hình dung ra phương án tuyển sinh nào thay thế cho việc thi 2 môn văn, toán. "HS giỏi ở tiểu học quá nhiều, nếu tuyển theo học bạ cũng rất khó", một vị lãnh đạo trường này cho biết.
Tương tự, ông Dương Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, cũng chia sẻ: “Đến thời điểm này việc tuyển sinh vào lớp 6 vẫn đang là vấn đề khó”. Theo ông Tiến, năm 2014 có 2.020 HS lớp 5 đủ điều kiện dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là 200. "Năm nay chưa biết làm cách nào, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy sẽ tổ chức hội nghị để bàn kỹ về vấn đề này nhưng có lẽ chúng tôi cũng phải nghe ngóng xem Sở cho phép Trường Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh ra sao", ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng nếu buộc không thi tuyển thì phải đưa ra được các tiêu chí thay thế, ví dụ khoanh vùng hộ khẩu, đánh giá chỉ số IQ, EQ; xét hồ sơ học tập cấp tiểu học… Ngoài ra, nếu được UBND thành phố công nhận là trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao với mức học phí cao (tối đa 3,2 triệu đồng/HS/tháng) thì cũng sẽ là một tiêu chí để phụ huynh cân nhắc lựa chọn và giảm áp lực tuyển sinh.
Xung quanh việc tuyển sinh của khối 6 Trường Hà Nội - Amsterdam, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thông tin ngắn gọn: “Sở đã có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT và đang chờ Bộ trả lời”.
Liệu có ngoại lệ ?
Lệnh cấm của bộ trưởng được hiểu là có hiệu lực toàn ngành, thế nhưng một số trường ngoài công lập thì lại đứng ngoài cuộc.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường dân lập Lương Thế Vinh, khẳng định: “Nếu cấm các trường dân lập tổ chức thi tuyển, như trường tôi, thì sẽ không phù hợp vì nhu cầu HS đăng ký vào trường năm nào cũng gấp 3 - 4 lần số định tuyển. Trường dân lập được tuyển HS toàn thành phố, thậm chí của tỉnh khác, vì vậy không có cách nào khác ngoài việc thi tuyển để hạn chế số lượng HS vào trường”.
Những trường dân lập khác như Đoàn Thị Điểm, Marie Curie cũng có cùng quan điểm trên.
Trong khi đó các trường THCS công lập dù tuyển sinh theo phương thức xét tuyển lớp 6 những HS có hộ khẩu đúng tuyến trên địa bàn trường đóng nhưng sau đó vẫn tổ chức thi tuyển để xếp lớp. Lãnh đạo Trường THCS Giảng Võ, một trường vốn được biết đến là có kỳ kiểm tra xếp lớp căng thẳng không kém so với thi tuyển đầu vào, đã trả lời báo chí rằng: “Quy định cấm thi không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh lớp 6 sắp tới vì nhà trường không tổ chức thi mà chỉ kiểm tra chất lượng đầu năm nhằm xếp HS vào các lớp có cùng trình độ để học hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của Sở là các trường THCS không được tổ chức thi xếp lớp. Đối với lớp đầu cấp, khi HS nhập học sẽ phát đơn xếp lớp theo nhu cầu. Nếu nhu cầu vượt quá sự đáp ứng thì xét đến các tiêu chí khác chứ không tổ chức bất cứ kỳ thi nào. Bất cứ việc tổ chức thi cử, kiểm tra nào đó cũng có thể là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, căng thẳng”.
Sẽ xin cơ chế đặc thù ?
Những năm gần đây, HS vào lớp 6 tại TP.HCM phân tuyến theo trường tiểu học hoặc địa bàn cư trú. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều trưởng phòng giáo dục các quận nội thành, do thực tế công việc của phụ huynh, do một số trường THCS tạo được uy tín, đồng thời quận huyện nào cũng mong muốn xây dựng trường chất lượng cao nên áp lực tuyển sinh cao. Vì vậy, các phòng giáo dục buộc khống chế sĩ số, kéo theo việc phải có điều kiện tuyển sinh.
Năm nay các trường tiểu học ở TP.HCM thực hiện theo Thông tư 30, Bộ quy định đề kiểm tra học kỳ do giáo viên các khối tự ra. Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục lo ngại mức độ khó dễ của đề kiểm tra học kỳ 2 từng trường sẽ khác nhau dẫn đến việc phòng sẽ không có cơ sở phân định điều kiện xét tuyển. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục Q.5, thông tin: “Nếu đề kiểm tra do từng trường ra thì phòng sẽ không sử dụng kết quả điểm mà xét HS vào lớp 6 theo trường tiểu học và địa bàn cư trú”. Còn lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.1 và Q.4 cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn của Sở sau đó mới xây dựng kế hoạch.
Mối quan tâm của phụ huynh, HS tại TP.HCM tập trung vào việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sắp tới. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT cho biết hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh của lớp 6 trường này khoảng 320 HS nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi khoảng 4.000. Do vậy để đảm bảo công bằng và khách quan thì hình thức thi tuyển vẫn là ưu việt nhất. Sở GD-ĐT sẽ đề xuất với UBND TP và Bộ GD-ĐT xin cơ chế đặc thù khi thực hiện việc tuyển sinh ở trường này. Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù chưa có thông tin chính thức về việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa nhưng số HS theo các lớp luyện thi vào đây vẫn không hề giảm.
B.Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.