Cam kết hoàn tất sửa chữa tàu vỏ thép trong tháng 8

01/07/2017 06:17 GMT+7

Chiều 30.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các công ty đóng tàu đã làm việc với 19 chủ tàu vỏ thép kém chất lượng để thống nhất thời gian, phương án khắc phục cụ thể đối với từng con tàu.

* Toàn bộ chi phí sửa chữa do công ty đóng tàu chịu
Chiều 30.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đã làm việc với 19 chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP bị kém chất lượng để thống nhất thời gian, phương án khắc phục cụ thể đối với từng con tàu.
Lãnh đạo 2 công ty đóng tàu đã thảo luận cụ thể với từng ngư dân để thống nhất về các chi tiết sửa chữa tàu, thời gian sửa chữa… Trong đó, Công ty Nam Triệu làm việc với 14 ngư dân có tàu đóng tại đơn vị này. Về phần vỏ tàu, các bên thống nhất kéo tàu lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) để sơn lại theo đúng quy trình.
Công ty cũng thống nhất thay 11 máy chính không đồng bộ trên các tàu bằng máy thủy Mitsubishi chính hãng, kiểm tra lại các máy phát điện nếu không đúng hợp đồng thì sẽ thay máy mới, khắc phục hầm bảo quản, máy dò cá… theo đúng hợp đồng đã ký. Công ty Nam Triệu chịu 100% chi phí khắc phục tàu và đồng ý trả lại chi phí thiết kế tàu đã thu của ngư dân. Thời gian Công ty Nam Triệu cam kết sửa chữa tàu cho ngư dân làm 2 đợt, đợt 1 hoàn thành trong tháng 7 và đợt 2 sẽ hoàn thành trong tháng 8.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã làm việc với 5 chủ tàu có tàu đóng tại đơn vị này. Công ty và các ngư dân đồng ý khi đưa tàu lên đà sẽ kiểm tra lại toàn bộ thép của vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt chủng loại thép cấp A thì giữ lại, nếu không thì phải thay thế lại thép Hàn Quốc đạt cấp A, làm sạch và sơn lại toàn bộ các vỏ tàu theo đúng quy trình. Công ty này cũng cam kết sửa chữa làm mới lại hầm bảo quản, thay mới hệ thống điện khai thác cho các tàu theo đúng hợp đồng…

tin liên quan

Chủ tàu vỏ thép mong được ra khơi
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định trị giá từ 15 đến 20 tỉ đồng nhưng phải nằm bờ suốt nửa năm qua, nhiều chủ tàu không có tiền trả nợ ngân hàng.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đồng ý chịu chi phí cải hoán tàu vỏ thép từ nghề lưới vây sang nghề chụp mành cho phù hợp với điều kiện đánh bắt. Chủ tàu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất đưa tàu về H.Hoài Nhơn (Bình Định) hoặc Đà Nẵng để sửa chữa, thời gian sửa chữa trong tháng 7 và 8, công ty đóng tàu chịu mọi chi phí sửa chữa.
Trước đó, chiều 29.6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT báo cáo kết quả đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Ông Châu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Định điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong việc thực hiện hợp đồng đóng tàu với ngư dân. Ông Châu cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng các tàu cá sau khi đã được các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu có tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ.
Thanh Hóa kiểm tra vấn đề Báo Thanh Niên nêu về tàu vỏ thép
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng 15 trong tổng số 23 tàu vỏ thép ở Thanh Hóa (đóng theo Nghị định 67) xảy ra hư hỏng, trục trặc khiến ngư dân lao đao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn kiểm tra nội dung Báo Thanh Niên nêu.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa (thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa), cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương để tiếp tục kiểm tra những hư hỏng mới phát sinh của tàu vỏ thép; yêu cầu các doanh nghiệp đóng tàu có trách nhiệm cùng ngư dân sửa chữa tàu bị hư hỏng.
Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.