Cấm giảng viên yêu sinh viên ?

10/04/2015 06:20 GMT+7

Điều tưởng chừng vô lý lại đang được ghi thành nội quy tại Trường CĐ Nghề Việt Mỹ: Nếu có chuyện giảng viên yêu sinh viên thì dù tình yêu đẹp hay chuyện đổi tình lấy điểm, thầy cô đều buộc phải nghỉ việc.

Điều tưởng chừng vô lý lại đang được ghi thành nội quy tại Trường CĐ Nghề Việt Mỹ: Nếu có chuyện giảng viên yêu sinh viên thì dù tình yêu đẹp hay chuyện đổi tình lấy điểm, thầy cô đều buộc phải nghỉ việc.
Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định cấm giảng viên có quan hệ tình cảm với sinh viên (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Làm theo trường ĐH nước ngoài !
TS Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, là người quyết định đưa quy định này vào nội quy dành cho giảng viên (GV) trong trường. Ông Kiệt cho biết: “Đây là quy tắc ứng xử mà bắt buộc mọi GV phải tuân theo. Việc này sẽ có lợi cho sinh viên (SV) rất nhiều, đó là tạo môi trường an toàn và công bằng cho tất cả các em. Sẽ không có sự thiên vị, ưu ái dẫn đến việc nâng điểm số chỉ vì GV này có tình cảm với SV kia”.
Cũng theo ông Kiệt, ở phương Tây, việc GV và SV không được có mối quan hệ tình cảm với nhau đã trở thành triết lý quan trọng và phổ biến của họ. “Trường ĐH Harvard mới đây cũng đưa ra quy định thầy trò không được phép có mối quan hệ tình cảm và ân ái với nhau. Những mối quan hệ trên mức bạn bè giữa SV và GV là một điều cấm kỵ”, ông Kiệt lấy ví dụ.
Cụ thể hơn, quy định nêu rõ giáo viên hạn chế ăn trưa, ăn tối, hẹn hò với người học. Khi cán bộ tiếp SV tại phòng làm việc không được phép đóng cửa. Để giám sát việc này, nhà trường dựa vào những phản ánh của SV và GV cũng như hệ thống giám sát công cộng.
Trái pháp luật
Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Về pháp lý, quy định này trái pháp luật. Về tâm lý, không nhất thiết phải tạo ra một áp lực căng thẳng như vậy. Vì GV và SV đều đã trên 18 tuổi, có quyền tự do yêu đương nếu như hai bên đều đang độc thân. Nếu có nảy sinh tình cảm giữa họ thì cũng là điều hết sức bình thường, không có ảnh hưởng gì ghê gớm đến môi trường học tập. Tôi cho rằng nội quy này hết sức phi lý”.
Tại VN, đến thời điểm hiện tại cũng chưa có trường ĐH nào đề ra nội quy này. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nêu quan điểm: “Khi đã ở cương vị một GV thì bao giờ cũng ý thức được về quy tắc đạo đức. Việc yêu nhau nếu có thì cũng rất hiếm, và không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến xung quanh. Không nên vì một vài trường hợp nào đó mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều GV. Theo tôi, chỉ cần khuyến cáo, nhắc nhở trong các buổi họp chứ không nên đưa vào nội quy như vậy”.
Theo ông Nguyễn Hà Tiên, GV Trường ĐH Tài chính - Marketing, từ trước tới giờ, VN luôn có định kiến về mối quan hệ giữa thầy và trò, nghĩa là GV thì không nên có quan hệ tình cảm với SV. Tuy nhiên, ông Tiên cho rằng chuyện tình cảm thì không thể cấm. “Thường các nữ SV lúc đầu ngưỡng mộ thầy rồi tình cảm ấy từ từ lớn thành tình yêu. Thực tế đã có rất nhiều mối tình đẹp giữa GV trẻ với SV. Họ động viên, khích lệ nhau học tập và sau khi SV tốt nghiệp, họ đã kết hôn. Việc cấm này là hơi thừa và vi phạm pháp luật. Nếu người thầy đã không có đạo đức, đã có ý đồ xấu thì họ vẫn có cách để tạo nên sự bất công và thiếu an toàn cho SV chứ đâu cần phải dùng tình cảm yêu đương”, ông Tiên nhận định.
Không thể cấm yêu nhau
Em thấy quy định này không hợp lý. Có thể cấm GV với SV hoặc SV với SV thể hiện tình cảm thái quá trên lớp học, nơi sân trường để môi trường học tập lành mạnh, chứ không thể cấm họ yêu nhau. Còn việc sợ ưu ái, gây bất công cho SV khác thì tại sao nhà trường không siết chặt việc chấm thi. Chẳng hạn luôn có thêm một thầy cô giám sát, kiểm tra lại các bài thi đã chấm để xem chính xác hay chưa. Xưa nay việc ưu ái điểm thi nhiều khi do SV hối lộ GV chứ chưa chắc là do GV có tình cảm với SV.
Vũ Hoàng
(SV năm cuối ngành báo chí, Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II)
Nếu là chữ duyên, sao có thể cấm đoán
Thường thì chỉ có SV nữ tụi em thấy có cảm tình với các thầy giáo trẻ, chứ em thấy các thầy cô cư xử rất đúng mực, thậm chí nếu biết bạn nào thể hiện tình cảm thái quá thì thầy còn khuyên răn tụi em lo học. Chuyện đổi tình lấy điểm thì nên ngăn chặn, nhưng nếu thầy trẻ lại chưa có vợ, hai bên có tình cảm thực sự với nhau thì đó là chữ duyên rồi, sao lại có thể cấm đoán? Chuyện ưu ái nếu có thì thầy sẽ bị những SV còn lại ở trong lớp chê cười, rất mất hình ảnh.
Cẩm Thúy
(SV năm 3 Trường ĐH Sài Gòn)
Đủ lớn để biết nên làm gì phù hợp
Nhà trường không nên ngăn cấm, mà chỉ nên nêu ra những tác động xấu (nếu có) của việc thầy yêu trò. Vì đến tuổi này thì ai cũng đủ lớn để biết mình làm gì cho phù hợp, không gây ảnh hưởng đến người khác.
Nguyễn Lan
(SV ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Nhằm ngăn chặn tiêu cực
Trong xã hội, một số ngành nghề cũng có những quy định riêng nhằm ngăn chặn tiêu cực. Ví dụ các chuyên gia tâm lý khi làm việc cũng có nguyên tắc trong hành nghề, đó là trong 2 năm không được có quan hệ tình cảm với thân chủ. Hoặc trong một số công sở, họ cũng cấm đồng nghiệp yêu nhau. Theo tôi, quy định của trường này đưa ra nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, ngăn chặn hành vi xấu như gạ tình SV... Tuy nhiên, GV chỉ không nên có tình cảm yêu đương với SV đang theo học lớp mình để tránh chuyện ưu ái điểm số...
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An
(Phó giám đốc Trung tâm Ý Tưởng Việt)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.