Cam, bưởi Bắc Tân Uyên tìm đường xuất ngoại

Đỗ Trường
Đỗ Trường
15/06/2018 10:57 GMT+7

Với diện tích trồng cây ăn trái có múi đạt trên 2.000 ha, trong đó có trên 100 ha đạt chuẩn VietGap nhưng sản phẩm của người nông dân H.Bắc Tân Uyên (Bình Dương) vẫn loanh quanh ở trong nước, chưa tìm được hướng xuất ngoại.

[VIDEO] Cam, bưởi Bắc Tân Uyên tìm đường xuất ngoại
“Sợ” không đáp ứng được thị trường
Ngày 13.6, UBND H.Bắc Tân Uyên (Bình Dương) tổ chức hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm bàn thảo các giải pháp để đưa các sản phẩm trái cây (cam, bưởi, quýt) của vùng này xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Tại buổi hội thảo, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên), cho biết hiện nay trang trại của ông đang trồng hàng trăm hécta cam, bưởi, quýt với sản lượng trung bình đạt khoảng 40 tấn trái các loại/ha/năm. Ngoài việc tiêu thụ ở thị trường trong nước, vừa qua ông Chiến còn thông qua một công ty trung gian đã bán giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh qua thị trường Pháp.
Theo ông Chiến, sau khi phía đối tác bên Pháp nhận được sản phẩm và đã đề nghị ký hợp đồng mua 160 tấn bưởi da xanh/tháng. Tuy nhiên, ông Chiến không dám ký hợp đồng vì sợ không đáp ứng được về số lượng sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. “Tôi có biết liên hệ với các đối tác nước ngoài như thế nào đâu, nên phải thông qua một công ty trung gian. Khi nghe người ta đề nghị vậy tôi sợ không đáp ứng nổi nên không dám trực tiếp ký hợp đồng với phía đối tác nước ngoài. Hiện giờ tôi chỉ bán cho các công ty rồi người ta xuất đi đâu là việc của họ”, ông Chiến bộc bạch.
Cũng như ông Chiến, ông Lâm Thành Thương, chủ trang trại Lâm Thành Thương với hơn 100 ha cam, bưởi, quýt đang trồng tại xã Hiếu Liêm, cho biết hiện nay trang trại của ông cũng đang bán cho các thương lái và không biết đã được xuất khẩu sang những nước nào. Ông Thương cho hay hiện nay các sản phẩm của trang trại chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và bán cho thương lái qua đường tiểu ngạch ra nước ngoài. Hiện ông Thương đang tự tổ chức các điểm bán sản phẩm của trang trại tại Hà Nội và TP.HCM.
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế UBND H.Bắc Tân Uyên, cho biết đang từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hạ tầng để hỗ trợ người nông dân tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Vùng chuyên canh trái cây sạch
H.Bắc Tân Uyên nằm ở phía đông bắc của tỉnh Bình Dương với địa hình thuận lợi khi có 2 dòng sông lớn là sông Bé và sông Đồng Nai chảy qua, tạo nên nguồn đất phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào cho cây trồng. Từ những thuận lợi về địa lý, ở các xã như Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ (H.Bắc Tân Uyên) đã hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy vùng đất này phù hợp để phát triển các loại cây trái có múi, UBND tỉnh Bình Dương đã lập quy hoạch khu vực các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn H.Bắc Tân Uyên đã trồng được 2.091 ha cây ăn trái có múi, trong đó có trên 100 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và đã có gần 62 ha đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGap.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế UBND H.Bắc Tân Uyên cho biết trên địa bàn hiện có gần 260 ha cam đang cho thu hoạch sản phẩm với sản lượng bình quân đạt trên 50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập từ 1-1,2 tỉ đồng/ha/năm. Đối với cây bưởi, Bắc Tân Uyên hiện có trên 115 ha trồng bưởi cho thu hoạch bình quân gần 20 tấn/ha/năm và cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha. Đối với cây quýt đường, Bắc Tân Uyên hiện có 42 ha đang cho thu hoạch, sản phẩm đạt từ 40-50 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập gần 800 triệu đồng/năm. Đến nay, thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu tập thể ở nhiều trang trại, vườn cây được trồng theo mô hình VietGap ở Bắc Tân Uyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.