Cảm biến ảo trên điện thoại Xiaomi bị chê kém hiệu quả

19/06/2022 09:13 GMT+7

Thay vì sử dụng cảm biến thực, Xiaomi hợp tác với một hãng khác để sử dụng cảm biến ảo nhằm tiết kiệm chi phí nhưng đang gây ra sự khó chịu cho người dùng.

Cảm biến ảo (cảm biến giả lập) sử dụng trên nhiều mẫu điện thoại của Xiaomi đang có mặt trên thị trường quốc tế cũng như tại Việt Nam là sản phẩm do Elliptic Labs cung cấp. Thay vì sử dụng cảm biến hồng ngoại như truyền thống, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc quyết định sử dụng cơ chế kết hợp loa và micro để tiết kiệm chi phí cũng như cho thấy sự tiên phong của mình trong việc áp dụng công nghệ mới.

Cảm biến ảo giúp nhà sản xuất bớt chi phí cho phần cứng

xiaomi

Giải pháp này có ưu điểm giúp giải phóng màn hình, đẩy ra sát viền hơn, đồng thời đỡ chi phí cho nhà sản xuất do không cần lắp đặt thêm cảm biến phần cứng. Elliptic Lab cũng quảng cáo rằng hãng sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để cảm biến ảo có khả năng học, tăng cường khả năng nhận biết khi người dùng áp điện thoại lên tai.

Tuy nhiên, chính cơ chế sử dụng micro và loa lại gây ra nhược điểm cho giải pháp này. Cụ thể, khi sử dụng máy trong các môi trường có độ ồn cao như đường phố, ở đám đông... hay xảy ra tình trạng không hoạt động. Các tạp âm từ môi trường quá lớn khiến micro (có chức năng thu âm thanh để AI phân tích và xử lý tình huống) không thể "nhận ra" tiếng phát ra từ loa thoại để quyết định tắt màn hình khi người dùng đưa máy lên nghe cuộc gọi. Kết quả, màn hình thay vì tắt đi trong quá trình đàm thoại thì vẫn bật sáng bất thường.

Bên cạnh đó, một số trường hợp người dùng cũng báo cáo về tình trạng máy tự nhận hoặc hủy cuộc gọi đến, hay buộc phải thực hiện nhiều thao tác để có thể tắt cuộc gọi. Anh Quốc Huy (TP.HCM) - chuyên viên phần cứng di động sau một tháng sử dụng chiếc Redmi Note 11 cho biết bản thân nhận ra vấn đề của cảm biến ảo sau 3 ngày sử dụng, nhưng cho rằng AI có thể học thói quen của người dùng nên quyết định tiếp tục dùng máy.

"Tôi chịu đựng thêm khoảng 3 tuần và mọi thứ chỉ tệ hơn. Vấn đề lỗi liên quan đến cảm biến diễn ra nhiều tới mức trở thành điều bình thường trong gần một tháng tôi sử dụng Redmi Note 11", anh Huy chia sẻ.

Redmi Note 11 không phải smartphone đầu tiên của Xiaomi sử dụng cảm biến ảo mà hãng đã hợp tác và tin tưởng sản phẩm của chính Elliptic Labs từ năm 2016. Đầu năm nay, hãng công bố 4 thiết bị dùng cảm biến ảo có AI gồm Redmi Note 11, Note 11s, Note 11 Pro và Note 11 Pro 5G.

Theo TechnoPixel, trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp người dùng các thiết bị, đặc biệt là dòng máy Poco và Note của Xiaomi đã phải chịu đựng vấn đề liên quan tới cảm biến tiệm cận ảo. Hiện tượng phổ biến là điện thoại đột ngột bật sáng màn hình khi đang đàm thoại, tự xác định khuôn mặt rồi tắt âm thanh hoặc cúp máy. Một số lại gặp tình trạng điện thoại không sáng màn hình khi người dùng muốn bấm kết thúc cuộc gọi.

Redmi Note 11 series nối dài danh sách thiết bị gặp vấn đề vì sử dụng cảm biến ảo

xiaomi

Trí tuệ nhân tạo dùng trong cảm biến tiệm cận ảo thường xuyên tắt màn hình điện thoại, khóa chức năng cảm ứng khi người dùng đưa máy lên gần tai trong khi gọi điện. Theo chuyên gia, do không có phần cứng chuyên trách, khi sự cố xảy ra, phần mềm có thể cảm nhận phần tai hay má của người dùng rồi từ đó kích hoạt các tính năng không mong muốn trong quá trình gọi, ví dụ tự động cúp máy hay bấm màn hình quay số.

Xiaomi xác nhận đã biết về sự cố trên và năm ngoái hãng từng tiết lộ sẽ làm việc với nhà cung cấp khác để xử lý vấn đề, tuy nhiên tới nay chưa có sự cải thiện nào do vẫn tiếp tục bắt tay cùng Elliptic Labs.

Ngoài dòng Redmi Note 11 đầu năm nay, trước đó Xiaomi từng sử dụng công nghệ tương tự trên mẫu Mi Mix 2, Mi 10T, Mi 10T Pro, Mi 11 series và đều "làm khổ" người dùng.

Trên thị trường, một số hãng khác cũng áp dụng cảm biến ảo trên một số model tầm thấp và chưa nhà sản xuất nào đủ tự tin để trang bị công nghệ mới trên sản phẩm tầm trung hay cao cấp bởi cảm biến phần cứng vẫn là công cụ đáng tin cậy, trong khi cảm biến ảo chưa thực sự hoàn chỉnh, tiềm ẩn rủi ro gây trải nghiệm xấu cho người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.