Cải thiện thu nhập cho giáo viên

17/08/2023 04:12 GMT+7

Câu chuyện thu nhập của một giáo viên dạy "môn phụ" tại TP.HCM sau đây có thể khiến nhiều người ngạc nhiên trong bối cảnh giáo viên các nơi đều cho biết lương thấp, không sống được bằng lương.

Từ đầu năm 2023, TP.HCM bắt đầu áp dụng chính sách thu nhập tăng thêm cho viên chức giáo viên (GV) tại TP.HCM. Tùy vào bậc học, thâm niên công tác, GV sẽ nhận thu nhập tăng thêm ở mức tối đa với hệ số 1,8, tăng thêm gấp 2 lần lương. Nhờ chính sách này mà một GV dạy môn giáo dục công dân cấp THCS khẳng định với phóng viên Thanh Niên không còn phân tâm lo lắng cuộc sống mà tập trung toàn tâm, toàn ý với nghề, với trường. GV này mô tả thu nhập như sau: "Với thâm niên 15 năm đi dạy, hiện nay thu nhập của tôi bao gồm lương hơn 5 triệu đồng và 40% đứng lớp mới vào khoảng 7,9 triệu đồng/tháng. Nay với hệ số thu nhập tăng mức tối đa, quý 1/2023 tôi nhận khoảng 32 triệu đồng, tính ra mỗi tháng khoản hỗ trợ này cao hơn cả lương".

Tất nhiên, chính sách thu nhập tăng thêm của TP.HCM không áp dụng cào bằng với tất cả GV. Các trường thống nhất tiêu chí, quy trình đánh giá để đảm bảo những GV nhận được phụ cấp tăng thêm là xứng đáng với đóng góp của mình và là động lực để làm tốt hơn nhiệm vụ. Thậm chí, có hiệu trưởng còn khẳng định nếu hằng ngày GV chỉ lên lớp, "dạy xong đi về" gọi là hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được hưởng phụ cấp tăng thêm.

Với phần lớn GV tại TP.HCM nguồn phụ cấp này đã giúp họ đỡ lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền, tập trung hơn cho nhiệm vụ "trồng người".

Ở một số tỉnh thành cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhà giáo nhằm giữ chân GV trong giai đoạn khó khăn này.

Từ tháng 7.2022, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về chính sách thu hút GV giảng dạy các môn học mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những GV được tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hưởng 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm.

Lương GV là câu chuyện được đề cập đến bao nhiêu năm nay vẫn chưa dứt, đến mức nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gần đây cũng phải lên tiếng rằng lương thấp thế này GV không thể theo nghề. Mặc dù từ tháng 7 năm nay lương cơ bản tăng thêm 20,8% và GV cũng nhận được các khoản phụ cấp nhưng với phần lớn GV không làm thêm, không dạy thêm thì thu nhập đó cũng ở mức động viên là chính.

Lương GV thấp trong khi công việc ngày càng áp lực, phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Chính vì thế đây là một trong những tâm tư của nhà giáo gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong cuộc gặp gỡ vào ngày 15.8. Đáp lại những bức xúc về vấn đề lương của GV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu tiền lương GV phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. "Mong muốn của chúng ta là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan".

Như vậy, trong khi tiếp tục chờ đợi để có những thay đổi về chính sách tiền lương, để GV có thể sống được bằng thu nhập (chưa phải bằng lương) của nghề mà không phải xuôi ngược dạy thêm thì các địa phương cần những chính sách, chế độ đãi ngộ kịp thời.

Trong vòng 3 năm qua, tổng số GV nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000 người với nhiều lý do, trong đó lương thấp chỉ là một yếu tố. Tuy nhiên, nếu thu nhập được cải thiện xứng đáng với công sức thì trước khi quyết định rời bỏ bục giảng trong hoàn cảnh cả nước đang thiếu GV trầm trọng, nhất là các môn học mới; tiến trình đổi mới giáo dục còn nhiều trở ngại… thì chắc hẳn các GV cũng phải cân nhắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.