Cai máy thở, tự bước đi sau 4 tháng chiến đấu di chứng hậu Covid-19

Lê Cầm
Lê Cầm
14/04/2022 04:00 GMT+7

Giây phút có thể bỏ máy thở ô xy để tự hít thở khí trời, đi những bước đầu tiên sau nhiều tháng ngồi xe đẩy, chị Thanh Bình, 47 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM vỡ òa hạnh phúc.

Chị Bình phát hiện mình mắc Covid-19 vào ngày 7.9.2021. Ban đầu chị và chồng có triệu chứng hắt hơi nên mua thuốc cảm để uống. Tuy nhiên, triệu chứng của chồng chị cải thiện, còn chị ngày càng nặng hơn, 6 ngày sau chị bắt đầu đau đầu, choáng, ngất, đo SpO2 dưới 80. Gia đình chị Bình liên hệ y tế phường, đưa chị vào bệnh viện dã chiến tại huyện Bình Chánh để điều trị.


2 tháng vượt qua hậu Covid-19: 'Tăng đề kháng, tập luyện đã giúp tôi hồi phục'

Điều trị tại 3 bệnh viện, từng phải nói lời trăn trối với gia đình

"Có những thời điểm SpO2 tụt dưới 30, việc thở vô cùng khó khăn", chị Bình nhớ lại.

Khi vào bệnh viện dã chiến chị được cho thở ô xy qua mặt nạ, thở máy... nhưng SpO2 vẫn giảm, tình trạng không cải thiện. Sau gần 20 ngày điều trị, bệnh viện phải trả mặt bằng nên chị được chuyển đến bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G (Q.6, TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân đi khám hậu Covid-19

minh họa: DUY TÍNH

Tuy nhiên, sau hơn 15 ngày theo dõi, tình hình của chị vẫn không cải thiện, thậm chí tệ hơn. "Giây phút bác sĩ kết nối với gia đình để nói những lời trăn trối sau cùng, cảm giác lúc đó không biết diễn tả sao, cả gia đình khóc òa. Tôi cảm nhận cổ mình thắt lại, lúc đó thở rất yếu thoi thóp dù vẫn còn nhận biết xung quanh", chị Bình nghẹn ngào kể lại giây phút đối mặt tử thần.

Nhưng rồi được trời thương, may mắn mỉm cười ở phút cuối chị bắt đầu thở mạnh hơn, điều dưỡng gọi bác sĩ, kết nối máy thở cho chị để tiếp tục điều trị. Ba ngày sau, bệnh viện lại phải trả mặt bằng, chị được chuyển sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để tiếp tục điều trị.

Rất may tình hình khả quan, sau hơn hai mươi ngày tiếp tục chiến đấu, chị nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 22.11.2021 chị được cho xuất viện về nhà sau hơn 2 tháng điều trị.

Tiếp tục chiến đấu với nhiều triệu chứng hậu Covid-19

Sau khi được xuất viện về nhà, chưa hết vui mừng thì chị Bình phải làm quen với cuộc sống trên xe đẩy, hai chân chị bị teo nên không thể đi lại được và phải dùng máy tạo ô xy để thở. Tuy nhiên lúc này chị vẫn ăn uống ngon miệng, chưa xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19.

"4 tuần sau khi khỏi bệnh, các triệu chứng hậu Covid-19 ập đến thật kinh khủng. Tôi phải đối mặt với quá nhiều di chứng Covid-19 từ rụng tóc, hở chân răng, bong gãy móng chân, móng tay, ù tai, mờ mắt, đau xương khớp, tiêu chảy, mất mùi vị, trào ngược dạ dày, tê tay chân, tê môi và đầu lưỡi, mất vị giác...", chị Bình kể.

Cuối tháng 12.2021, chị đến Phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để điều trị.

"Trải nghiệm khi bị Covid-19 hay hậu Covid-19 đối với tôi đều kinh hoàng như nhau. Tôi cảm thấy mình bất lực, stress, khi đi vệ sinh cũng phải nhờ chồng bế, uống nước phải nhờ người rót, mọi việc ăn uống đều phải có người giúp đỡ", chị Bình tâm sự.

Chị Bình chia sẻ về các di chứng hậu Covid-19 gặp phải sau 4 tuần hồi phục

Lê Cầm

Kiên trì tập thở, vật lý trị liệu, uống thuốc và bồi bổ

Trong thời gian điều trị hậu Covid-19, chị được tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Trưởng Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM động viên về tinh thần và theo sát quá trình điều trị.

Nhiều bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại bệnh viện

ĐÌNH TUYỂN

"Bác sĩ nói bệnh này mà stress là còn nặng hơn, khó hồi phục nên tôi cố gắng giữ tinh thần tốt, chấp nhận những gì đang diễn ra để cố gắng điều trị. May mắn có chồng chu đáo và con cái bên cạnh, động viên giúp đỡ, tôi đã cố gắng tuân thủ các hướng dẫn, tập thở và vật lý trị liệu để mau hồi phục", chị Bình chia sẻ.

Do lịch tập vật lý trị liệu không phù hợp với lịch đưa đón của gia đình nên chị tự tập theo các bài tập trên mạng như nằm đạp xe đạp, duỗi chân, gập vai, xoay các khớp vai, tay chân...

"Kể cả lúc còn thở qua bình ô xy tôi vẫn đều đặn tập thở mỗi ngày, các bài tập được hướng dẫn trên mạng rất chi tiết như thở chúm môi, thở cơ hoành.... Đến nay tôi đã cai bình thở ô xy được 3 tuần", chị Bình cho hay.

Ngoài uống thuốc đầy đủ, tập thở, vật lý trị liệu, chị Bình bổ sung thêm sữa, yến sào, sâm để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể trong thời gian ăn uống kém.

"Hôm 12.4, trong lần đi tái khám, tôi đã có thể tự đi được mà không cần dùng xe đẩy và tự thở khí trời. Sức khỏe cải thiện rất nhiều, tôi rất vui mừng vì những cố gắng của mình đã có kết quả. Trước khi bệnh tôi 48 kg, khi điều trị bệnh về còn 34 kg, nhưng giờ đã lên lại được 49 kg", chị Bình chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Trưởng Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tại thời điểm bệnh nhân Bình đến khám, phổi xơ hóa nặng, các di chứng Covid-19 nhiều, phải đi xe lăn.

Rất may mắn, sau nhiều lần tái khám, chị đã cai được ô xy, tự đi, X-quang phổi cải thiện rất nhiều. Trường hợp của chị Bình là một trong số khoảng 10 ca điều trị tại bệnh viện đã cai được ô xy và cải thiện chức năng hô hấp, đi lại.

Với người bệnh hậu Covid-19, sau khi thăm khám, tùy mức độ mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc kháng viêm, chống xơ, hướng dẫn tập thở và vật lý trị liệu để hồi phục các chức năng.

Theo bác sĩ Vinh, diễn tiến bệnh Covid-19 chia 3 giai đoạn. Giai đoạn cấp tính là kể từ khi có triệu chứng, test nhanh dương tính, thường dài khoảng 4 tuần. Trong giai đoạn cấp tính, nhiều khả năng các triệu chứng sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên nếu người bệnh cảm thấy các triệu chứng nặng lên như ho nhiều ra máu, khó thở nhiều, sốt không hạ... thì nên đi khám.

Từ 4 tuần đến 12 tuần là giai đoạn Covid-19 vẫn tiến triển, xét nghiệm âm tính nhưng bệnh chưa khỏi hoàn toàn. Sau 12 tuần được xem là giai đoạn hậu Covid-19. Như vậy, hội chứng Covid-19 kéo dài bao gồm cả giai đoạn tiến triển và hậu Covid-19, tức từ 4 tuần đến 12 tuần trở lên.

Do đó, khi người bệnh âm tính Covid-19 sau 4 tuần có các triệu chứng bất thường như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, đau cơ khớp, giảm sự tập trung, mất ngủ, trầm cảm thì cần thăm khám để bác sĩ có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt, người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, từng nhập viện điều trị Covid-19, người có nhiều bệnh nền cần thăm khám để tầm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.