Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 1

Hoàng Kim
Hoàng Kim
14/07/2023 07:18 GMT+7

Đoàn Sài Gòn 1 là đoàn cải lương tập thể đầu tiên của TP.HCM, và từ đó sinh sôi phát triển ra thêm nhiều đoàn mới nữa.

Ông Năm Triều - Trưởng ty Văn hóa TP.HCM và nhóm ông Tư Trương, Sáu Chiến có công đề xướng thành lập đoàn hát này, nhưng ban đầu không đặt tên, chỉ tập hợp anh em nghệ sĩ lại rồi dựng tuồng hát.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 1 - Ảnh 1.

NSND Diệp Lang và NSND Bạch Tuyết vở Đời cô Lựu

H.K

Vở đầu tiên là Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang, đã viết và dựng trước năm 1975, có nội dung đả phá chế độ phong kiến; và ông Trần Hữu Trang đi theo cách mạng, nên khi đó dựng lại cũng rất phù hợp. Dàn nghệ sĩ gồm Phùng Há vai cô Lựu, Út Trà Ôn vai Võ Minh Thành, Hoàng Giang vai Hội đồng Thăng, Thanh Nga vai Kim Anh, Nam Hùng vai chồng Kim Anh, Hoàng Ấn vai Võ Minh Luân, Ba Vân vai ông hàng xóm nuôi dưỡng Minh Luân, Trường Xuân vai thợ bạc… Đến năm 1984, khán giả được xem bản thu hình phát sóng rộng rãi trên HTV thì đã thay ê kíp mới gồm: Bạch Tuyết (cô Lựu), Thanh Sang (Võ Minh Thành), Diệp Lang (Hội đồng Thăng), Lệ Thủy (Kim Anh), Thanh Tòng (chồng Kim Anh), Minh Vương (Võ Minh Luân), Ngọc Giàu (bà Hai Hương và cô Bảy cán vá), Bảo Quốc (thợ bạc)… Vở với ê kíp mới này cũng làm khán giả mê mẩn.

Đời cô Lựu vừa công diễn, khán giả đông không tưởng tượng. Diễn liên tiếp mấy suất mà vẫn chưa biết gọi đây là đoàn gì. Ông Năm Triều nói: "Phải đặt tên cho đoàn thôi. Hay mình gọi nó là Sài Gòn 1?". Mọi người nhất trí. Thế là trương bảng hiệu Đoàn cải lương tập thể Sài Gòn 1. Hai chữ "tập thể" ban đầu hết sức lạ, nhưng nghe vài lần cũng… quen quen. Bởi với cách mạng thì tập thể vô cùng quan trọng, cái gì cũng có thể là tập thể, của tập thể, nghe rất dễ chịu, rất chia sẻ, hòa đồng. Mà thật sự như vậy, ông Nguyễn Văn Giỏi, Trưởng ban phụ trách tiền đài - hậu đài - ngoại vụ cho Sài Gòn 1, nói: "Thời đó cực khổ thiệt, nhưng vui lắm, vì không ai toan tính, so đo. Tất nhiên cũng có tâm tư chút chút, vì đã là con người thì làm sao tránh khỏi tâm tư, nhưng nó không quan trọng bằng cái không khí làm việc mới trong một xã hội mới, ai cũng thấy hào hứng, say mê. Nghệ sĩ lãnh lương rất thấp, có thể nói thấp hơn cả trăm lần so với thời "bầu bì" ký công-tra vài chục cây vàng với họ, nhưng lạ là họ vẫn yêu nghề, làm nghề nghiêm túc. Họ chia nhau vai diễn không câu nệ chánh phụ, san sẻ từng cây son, hộp phấn, trang phục… Thời đó bắt đầu đi vào bao cấp, vật chất thiếu thốn, nên sự chia sẻ đó càng thêm quý, chứng tỏ cái tình đồng nghiệp, tình sân khấu".

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 1 - Ảnh 2.

NSƯT Thanh Kim Huệ và NSND Thanh Điền trong vở Ngao Sò Ốc Hến

H.K

Vở Đời cô Lựu diễn chỉ gần chục suất thì doanh thu dồn lại đủ để thành lập một đoàn mới. Đó cũng là ý kiến độc đáo của nhóm ông Năm Triều. Cuối năm 1976, đoàn Sài Gòn 2 khai trương với vở Lỡ bước sang ngang của soạn giả Thu An. Ở đây xin đặc biệt nói về phương thức hoạt động của mô hình cải lương tập thể TP.HCM thành lập hồi ấy. Không được cấp ngân sách, cũng không ai bỏ vốn ra như tư nhân, mọi người dùng cách tự lấy nó nuôi nó. Lấy doanh thu của Sài Gòn 1 để thành lập Sài Gòn 2. Sau đó lấy doanh thu của Sài Gòn 2 để cho Sài Gòn 1 dựng tuồng mới. Rồi doanh thu của tuồng mới này sẽ chi lại cho Sài Gòn 2 dựng tuồng mới khác. Đồng thời, dành dụm doanh thu của Sài Gòn 2 để thành lập Sài Gòn 3. Cả ba đoàn này loanh quanh nuôi nhau, chi viện cho nhau, mà người điều động vốn liếng tập trung vào một đầu mối là Sở VH-TT. Còn lực lượng nghệ sĩ cũng được Sở điều động đến các đoàn chứ không nhất thiết ở một chỗ. Mà Sở đã điều động thì không ai dám "cãi". Ngược lại, ai cũng chấp hành vui vẻ, vì đoàn nào cũng gặp bạn bè quen, cũng từng diễn chung với nhau rồi.

Sài Gòn 1 tiếp tục hoạt động khi đã có Sài Gòn 2. Những vở nổi tiếng như Bình Tây đại nguyên soái, Sân khấu về khuya, Ngao Sò Ốc Hến (soạn giả Năm Châu), Người ven đô (soạn giả Minh Khoa)… ra đời thời điểm đó. Thành phần nghệ sĩ có thêm Mỹ Châu, Phượng Liên, Thành Được, Thanh Thanh Hoa… được mời về. Một chi tiết nhỏ, đầu năm 1976, bà bầu Thơ đã khôi phục bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga với tuồng Tấm lòng của biển, Bên cầu dệt lụa rất ăn khách, nhưng khi Sài Gòn 1 thành lập, Sở VH-TT vẫn mời nghệ sĩ Thanh Nga tham gia. Đến năm 1977, Thanh Nga mới rời hẳn Sài Gòn 1 trở lại đoàn nhà mình để đóng vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh.

Không thể không nhắc đến dấu ấn của Người ven đô với vai diễn xuất sắc của NSND Ba Vân trong vai ông Tám Khỏe. Một vở diễn đậm chất cách mạng, thật sự rất khác với gu thưởng thức trước kia của khán giả Sài Gòn, nhưng vẫn chinh phục được trái tim người xem.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.