Cái giá của làm đẹp

28/10/2012 20:50 GMT+7

(TNO) Các cô gái làm nghề tiếp thị sản phẩm được gọi là “kiều nữ” ở Thái Lan, sẵn sàng trải qua những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nhằm giữ ngoại hình trẻ trung, xinh tươi phục vụ cho công việc. Nhưng cái giá họ phải trả là quá đắt, thậm chí cả mạng sống.

Ở tuổi 32, Athitiya Eiamyai đã chạm đến ngưỡng được cho là “tuổi xế chiều” của các "kiều nữ", theo tin tức từ BBC ngày 27.10.

Trong suốt mười năm qua, Athitiya luôn tươi tắn nụ cười trên môi để quảng cáo cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ xe hơi xa xỉ cho đến điện thoại di động mới ra lò.

Đối với Athitiya, mọi người thường gọi cô là Kratae, chấm dứt công việc với thu nhập trên dưới 100 USD/ngày không dễ dàng chút nào, vì cha mẹ và anh em cô đều sống dựa vào đồng lương của cô.

Vì thế, Athitiya luôn nói với các bạn thân rằng cô sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để làm đẹp, giữ gìn ngoại hình luôn xinh xắn, trẻ trung nhằm giữ được công việc tiếp thị sản phẩm mà cô gắn bó suốt 10 năm qua.

Trong năm năm cuối đời, Athitiya đã đầu tư hàng ngàn USD nhằm thay đổi diện mạo và ngoại hình của mình.

Di ảnh Athitiya Eiamyai tại đánh tang của cô - Ảnh: BBC
Di ảnh Athitiya Eiamyai tại đám tang của cô - Ảnh: BBC

Athitiya đi tắm trắng da, tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nâng cao mũi, gọt cằm và nâng ngực, nhưng cô vẫn chưa mấy hài lòng, theo BBC.

“Athitiya thường nói rằng nếu bạn muốn là "kiều nữ", bạn phải biết chịu đau đớn. Cô ấy muốn vòng ba của cô to hơn một chút để phù hợp với bộ ngực mới qua dao kéo”, BBC dẫn lời một người bạn thân của Athitiya.

Theo BBC, có nhiều phương pháp phẫu thuật nâng mông, chẳng hạn như bơm chất độn (còn gọi là filler), hay lấy mỡ vùng bụng đắp vào vùng mông.

Mặc dù Bangkok được cho là kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ, nhưng chi phí phẫu thuật nâng mông thì không rẻ, khoảng 80.000 baht (2.666 USD)/ca.

Vì thế mà một người bạn của Athitiya đã giới thiệu cô với Thanat Natveerakul, một người đàn ông trẻ với biệt danh “bác sĩ Pop”.

Natveerakul thật ra không phải là bác sĩ, cũng chẳng có nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng anh ta lại rất có tiếng tăm trong làng ladyboy (những người đàn ông phẫu thuật chuyển giới thành phụ nữ), giúp họ đạt được thân hình nữ giới.

Bác sĩ Pop đồng ý gặp Athitiya tại một căn hộ chung cư và tiến hành phẫu thuật nâng mông cho cô với giá rẻ 40.000 baht (1.333 USD).

BBC cho biết, thay vì tìm các mô mỡ ở phần mông để bơm chất độn vào, bác sĩ Pop tiêm chất độn trực tiếp vào động mạch.

Chỉ vài phút sau đó, chất độn chạy thẳng vào phổi Athitiya, khiến cô khó thở, dẫn đến não thiếu ô-xy.

Quá hoảng sợ, bác sĩ Pop đưa Athitiya đến bệnh viện cấp cứu thì cô đã bị hôn mê sâu và phải sống đời sống thực vật.

Ba tuần sau đó, vì biết chắc con gái sẽ không thể qua khỏi, cha mẹ Athitiya đã phải đồng ý rút ống thở và cô qua đời tại bệnh viện vào ngày 2.10.

Nhiều người bạn và đồng nghiệp đã khóc thương cho Athitiya.

Alisa Phaiboonnantanpong, một "kiều nữ" là bạn của Athitiya, cho biết Athitiya thật không may mắn. Cô cũng cho biết, ngày nay nhiều phụ nữ ở Thái Lan thường đến các thẩm mỹ viện hoạt động trái phép với đội ngũ bác sĩ không có giấy phép hành nghề để tiến hành những ca tiểu phẫu với giá rẻ, nhằm tiết kiệm tiền.

“Tất cả "kiều nữ" hành nghề như tôi đều qua dao kéo. Ít nhất là tiêm Botox dưới da để chống lão hóa da”, BBC dẫn lời Alisa.

Mới tuổi 25 nhưng Alisa đã nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm cả nhổ 8 cái răng để chỉnh hình “gọt cằm” cho đẹp.

Mục tiêu của Alisa là muốn dùng dao kéo biến mình thành cô gái có “vẻ đẹp Hàn Quốc”, da trắng, mặt trái xoan, và mũi cao.

“Nếu bạn không phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp hơn, khác biệt hơn so với những "kiều nữ" khác, cộng với tuổi tác ngày càng cao, bạn sẽ thất nghiệp và bị loại ngay lập tức”, Pim Saisanard, một đồng nghiệp của Athitiya chia sẻ.

Bác sĩ Pop sau đó bị bắt, nhận tội đã gây ra cái chết của Athitiya, sẽ phải hầu tòa trong thời gian tới, với khả năng lãnh án 13 năm tù giam và số tiền phạt lên đến 50.000 baht, theo BBC.

Bác sĩ Thep Vechavisit, thuộc phòng khám Đa khoa Putunam (Bangkok), cho biết số lượng bệnh nhân tìm đến ông điều trị do di chứng phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng.

Ông cho biết, một số bác sĩ “lang băm” đã dùng dầu thoa cho em bé hoặc dầu olive để làm chất độn và bơm vào người bệnh nhân.

“Tôi rất lo cho an toàn của người dân Thái Lan. Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều bác sĩ lang băm hành nghề bất hợp pháp mà không bị bắt? Nhưng có lẽ một bộ phận cảnh sát Thái tham nhũng không mấy quan tâm, họ chỉ cần được đút lót là xong. Miễn là anh có tiền, anh có thể hành nghề bác sĩ thẩm mỹ”, BBC dẫn lời bác sĩ Vechavisit.

“Do nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng, nhiều người muốn nhảy vào thị trường này kinh doanh kiếm lời”, BBC dẫn lời bác sĩ Jinda Rojanamatin, quyền Giám đốc Viện Da liễu Thái Lan.

Bác sĩ Rojanamatin nhận định rằng Bộ Y tế Thái Lan cũng lo ngại về nạn các thẩm mỹ viện cũng như nhiều bác sĩ thẩm mỹ hành nghề không phép, nhưng vẫn không đủ nhân lực để xử lý các trường hợp sai phạm, theo BBC.

Phúc Duy

>> Hội nghị khoa học quốc tế về phẫu thuật thẩm mỹ
>> Không nên phẫu thuật thẩm mỹ khi có cơ địa sẹo lồi
>> Một cô gái 20 tuổi phẫu thuật thẩm mỹ 200 lần
>> Cate Blanchett “sợ” phẫu thuật thẩm mỹ
>> Nhiều phẫu thuật thẩm mỹ trên mặt
>> Không được nhập cảnh vì phẫu thuật thẩm mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.