Cải cách không cần tiền

23/03/2016 05:16 GMT+7

Hôm nay 23.3, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Hôm nay 23.3, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Trong báo cáo của Chính phủ, chúng ta có thể tạm yên lòng với kết quả 5 năm 2011 - 2015 khá sáng sủa. Nhưng đánh giá quá vắn tắt về việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 lại có thể khiến chúng ta lo lắng. Trong khi đó, 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường (định hướng XHCN), phát triển nguồn nhân lực và đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị (trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch), tiếp tục được ĐH Đảng XII xác định là đột phá chiến lược cho giai đoạn 2016 - 2020. Làm gì để đột phá chiến lược trở thành đột phá chính sách, tạo động lực thực sự trong phát triển kinh tế?
5 năm tiếp theo, với Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thiết lập, với Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trước mắt, sẽ không dễ dàng như 5 năm qua, đã qua rồi thời kỳ chúng ta có thể đóng cửa “tự đánh giá”. TPP đụng chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế thị trường và thể chế nhà nước. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp nhà nước, TPP đòi hỏi phải đối xử công bằng, công khai, minh bạch. Nếu bị phát hiện, vụ việc có thể được đưa ra tòa án để xem xét và phán quyết. Đây là cơ hội cho cải cách, nhưng đồng thời là thách thức cực kỳ lớn.
Trong những khâu đột phá ấy, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trong một lần trả lời báo chí nhấn mạnh đến giá trị của đổi mới “mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của VN”. Điều mà ông khẳng định là: “Không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỉ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, vị trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao”.
Tóm lại, đột phá gì thì cuối cùng cũng quay lại câu chuyện về bộ máy, con người. Đổi mới thể chế hệ thống chính trị, thể chế hành chính, chung quy là việc quyết tâm chính trị để cấu trúc lại bộ máy cho phù hợp. Vì vậy, đổi mới thể chế luôn khó, nó đụng đến công việc, cách làm quen thuộc trước đây, thậm chí tước bỏ đi những quyền lợi, lợi ích mà ở mỗi cán bộ có thể có, đổi lại, chúng ta có sự minh bạch của bộ máy, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, theo chuẩn mực chung thế giới.
Điều đó giải thích, tại sao cải cách thể chế đang quá chậm và gây nhiều tiêu cực. Đã đến lúc QH cần thực hiện quyền hiến định về lĩnh vực này. QH nên xem xét ra nghị quyết về cải cách thể chế, quyết nghị thực hiện các nguyên tắc cơ bản của bộ máy như trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, mỗi vị trí đều phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Việc bổ nhiệm những chức danh chủ chốt phải có chương trình hành động, phải được thông qua giám định và xét duyệt công khai tại QH hoặc hội đồng nhân dân các cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.