Cách tự bảo vệ trong môi trường không khí ô nhiễm

Liên Châu
Liên Châu
27/09/2019 14:27 GMT+7

Mắt và tai mũi họng chịu ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên khi tiếp xúc khói bụi. Một vài biện pháp đơn giản có thể giúp giảm các nguy cơ đối với sức khỏe khi phải sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm.

Đối tượng nào nhạy cảm nhất với không khí ?

Tại Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư (Hà Nội) đang có sự gia tăng đáng kể số ca bệnh liên quan đến chất lượng không khí cũng như ô nhiễm môi trường. Theo PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư: Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ mắc bệnh có yếu tố khí hậu, môi trường tăng khoảng 20 - 30%. “Thời tiết chuyển mùa khô hanh và ô nhiễm môi trường không khí hiện nay khiến bệnh lý về xoang mũi càng nhiều. Đây là vấn đề nan giải cho chuyên ngành tai mũi họng kể cả nội khoa và ngoại khoa”, TS Cảnh đánh giá.
Bà Nguyễn Thị H. (ở H.Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị viêm xoang, không khí ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến hít thở, cảm giác như bị thiếu khí, khó chịu lắm. Dịch xoang chảy xuống họng nhiều, ngạt mũi, ho đờm”. Còn bệnh nhân Nguyễn Công T. (ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “1 - 2 tuần gần đây tôi thường xuyên trong tình trạng nghẹt mũi khó thở, khó ngủ. Tôi bị mãn tính, mỗi khi thời tiết thất thường, đi lại nhiều, tiếp xúc khói bụi nhiều thì bệnh lại nặng thêm”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới tại VN, mức độ ô nhiễm môi trường của VN tăng lên do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự phát triển của phương tiện giao thông cơ giới diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra ô nhiễm không khí đô thị. Ô nhiễm trong khu vực đô thị chủ yếu do các hạt rắn lơ lửng, khí dioxit lưu huỳnh (SO2), dioxit nitơ (NO2), oxit carbon (CO), xăng, chì và tiếng ồn.

Thời tiết chuyển mùa khô hanh và ô nhiễm môi trường không khí hiện nay khiến bệnh lý về xoang mũi càng nhiều. Đây là vấn đề nan giải cho chuyên ngành tai mũi họng kể cả nội khoa và ngoại khoa

PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh (Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư)

Các mối lo ngại về sức khỏe đối với tác động từ ô nhiễm ảnh hưởng tới quá trình hô hấp và hệ thống hô hấp, làm hỏng các mô phổi, tăng nguy cơ ung thư. Người già, trẻ em và người có bệnh phổi mãn tính, người bị cúm hoặc hen, là những người đặc biệt nhạy cảm đối với ảnh hưởng của các hạt bụi rắn trong không khí.

Những cách tự bảo vệ

PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh khuyến cáo: Người dân cần đeo khẩu trang chất lượng tốt và hằng ngày vệ sinh mũi họng bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sát khuẩn mũi họng theo hướng dẫn của bác sĩ.
TS-BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội), lưu ý: Hanh khô và khói bụi cũng ảnh hưởng đến mắt. Nếu bị bụi vào mắt, có thể chớp mắt trong ly nước sạch hoặc sử dụng nước muối nhỏ mắt để làm sạch và đẩy trôi bụi ra khỏi mắt. Trường hợp không thể tự lấy bụi, dị vật ra khỏi mắt thì cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và được sát khuẩn. Không được day dụi mắt dễ gây bội nhiễm. Khi ra ngoài, cần bảo hộ mắt bằng cách: đội mũ có vành che chắn, đeo kính râm chống tia UV và chống bụi. Tại nhà, nên mát xa mắt nhẹ nhàng nhưng lưu ý bàn tay đã rửa sạch. Có thể mát xa mắt bằng đắp khăn mặt ấm lên vùng mắt, nhưng rất cần kiểm tra nhiệt độ ấm phù hợp để tránh gây bỏng mi mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.