Cách Trung Quốc thống nhất thẻ xanh Covid-19

04/10/2021 15:56 GMT+7

Nhờ sức mạnh công nghệ, Trung Quốc triển khai mã QR thông qua các siêu ứng dụng rồi dần thống nhất tiêu chuẩn mã chung để người dân di chuyển giữa các tỉnh thành thuận lợi hơn.

Kể từ tháng 2.2020, chính quyền Trung Quốc thử nghiệm dự án Mã sức khỏe Alipay (Alipay Health Code) ở thành phố Hàng Châu nhằm truy vết tiếp xúc, với sự giúp đỡ của Ant Financial - công ty chị em của tập đoàn Alibaba. Đăng nhập thông qua ứng dụng ví điện tử Alipay, người dân sẽ điền thông tin cá nhân vào biểu mẫu, bao gồm họ tên, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, khai báo lịch sử đi lại, lịch sử tiếp xúc cùng triệu chứng sức khỏe.

Người dân Trung Quốc nhận mã QR qua các ứng dụng như Alipay, WeChat

Chụp màn hình

Sau đó, họ sẽ nhận được mã QR có màu xanh lá, vàng hoặc đỏ. Màu xanh lá nghĩa là an toàn, màu vàng dành cho người tiếp xúc gần với ca nhiễm, đang cách ly tại nhà hoặc chưa hết thời hạn cách ly theo quy định, màu đỏ là những ca nghi nhiễm, có biểu hiện triệu chứng.

Song song đó, "gã khổng lồ" Tencent cũng đã làm việc với các nhà chức trách để xây dựng hệ thống mã sức khỏe của riêng họ, thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat hiện thu hút hơn 1 tỉ người dùng hằng tháng. Còn ví điện tử Alipay cũng có khoảng 900 triệu người dùng trên khắp Trung Quốc.

Xuất trình "thẻ xanh", người dân có thể bước vào những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, công viên, ga tàu... Theo Thời báo Hoàn cầu, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 14 tổ chức tại Thiểm Tây (Trung Quốc) từ ngày 15 - 27.9 vừa qua cũng đã áp dụng hình thức quét mã QR trên smartphone để theo dõi số lượng lớn du khách lẫn vận động viên tham dự sự kiện. Đợt thử nghiệm ở Đại hội Thể thao tại Thiểm Tây được xem là dịp để ban tổ chức rút ra bài học kinh nghiệm chuẩn bị cho Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.

Đối với các du khách nước ngoài không thể tiếp cận Alipay hay WeChat, họ có thể đăng ký lấy mã QR trên website mà Trung Quốc cung cấp. Sau khi hoàn thành khai báo thông tin, mã QR của họ sẽ được cập nhật trong vòng 12 giờ.

Vai trò của các 'siêu ứng dụng'

Có thể thấy, Trung Quốc triển khai thành công hệ thống xác minh bằng mã QR nhờ khéo léo tận dụng các siêu ứng dụng có sẵn với lượng người dùng khổng lồ nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả. Thuật ngữ siêu ứng dụng (super app) ám chỉ những ứng dụng tích hợp nhiều tiện ích khác nhau, hỗ trợ người dùng nhắn tin, thanh toán, gọi xe, gọi đồ ăn, đặt vé máy bay, mua sắm, tra cứu thông tin...

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mô hình siêu ứng dụng vốn đã rất phổ biến ở quốc gia tỉ dân, thậm chí được các quốc gia phương Tây học tập theo. Trong thời gian đầu giãn cách, tính năng thanh toán không tiếp xúc và dịch vụ đặt hàng online của những siêu ứng dụng này nhanh chóng phát huy hiệu quả tối đa, dần dần, chúng được tích hợp thêm tính năng theo dõi hành trình di chuyển, xác minh tình trạng y tế.

Nhân viên an ninh kiểm tra thẻ xanh của người dân

CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, siêu ứng dụng như vậy không phải không có mặt trái. Ngoài nỗi lo bị thu thập dữ liệu, việc các công ty đằng sau những siêu ứng dụng âm thầm đối đầu nhau đang tạo ra nhiều tác động xấu.

Reuters trích lời Liu Xu - nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, nhận định rằng việc quét mã sức khỏe thông qua Alipay và WeChat cho thấy người dùng ngày càng phụ thuộc vào các siêu ứng dụng. Liu Xu cho biết: "Tencent và Alibaba tạo ra hai hệ sinh thái không thể kết nối với nhau, điều này không tốt cho người dùng, chưa kể họ buộc các công ty internet khác phải chọn phe".

Một ví dụ dễ thấy là nhiều người không thể chia sẻ mã sức khỏe DingTalk của Alibaba trên ứng dụng nhắn tin WeChat hồi tháng 3.2020, gặp khó khăn khi di chuyển giữa các tỉnh. Đến tháng 9 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc phải vào cuộc, yêu cầu các công ty internet trong nước ngừng chặn liên kết của nhau trên các trang web.

'Thẻ xanh' xuyên quốc gia?

Ban đầu, mỗi khu vực ở Trung Quốc có hệ thống mã QR khác nhau, đòi hỏi người dân hay du khách muốn di chuyển phải đăng ký lại từ đầu. Theo Nhật báo Pháp luật, một người dân ở Hồ Bắc đến tỉnh Quý Châu để làm việc sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, dù đã nhận được thẻ xanh tại Hồ Bắc, nhưng Quý Châu không công nhận mã QR của anh và buộc anh phải trải qua 14 ngày cách ly.

Để giải quyết tình trạng dữ liệu không nhất quán giữa các cấp địa phương, Trung Quốc hướng đến xây dựng "mã sức khỏe quốc gia". Tháng 12.2020, các cơ quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố chính sách tạo ra một mã QR đồng bộ, được tất cả chính quyền địa phương chấp nhận để thuận lợi cho việc di chuyển giữa các tỉnh thành, đồng thời yêu cầu liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng.

Tại trạm thu phí trên đường cao tốc ở phía bắc tỉnh Giang Tô, một drone (máy bay không người lái) cầm tấm biển có mã QR, giúp tài xế khai báo lịch sử di chuyển nhanh chóng để đi qua tỉnh khác

Chụp màn hình

Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi tạo ra mã sức khỏe quốc tế từ năm ngoái, đi kèm cơ chế công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia.

Song Guoyou - Phó giám đốc Trung tâm các ngành học về nước Mỹ tại Đại học Phúc Đán cho rằng việc công nhận mã QR của nhau sẽ giảm bớt khó khăn khi đi du lịch hoặc di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng thương mại.

Cheng Maiyue - Giám đốc của Viện Ô Trấn, một tổ chức tư vấn trong ngành internet cho biết ý tưởng này hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, yêu cầu các hệ thống mã sức khỏe của các nước kết nối với nhau. Tuy nhiên, những lo ngại về quyền riêng tư là một thách thức lớn, không phải quốc gia nào cũng sẽ đồng ý tham gia, vậy nên ý tưởng của ông Tập Cận Bình khó lòng thành hiện thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.