Cách những người 'trồng chữ' dưới chân núi Ngọc Linh dụ học sinh đến trường

06/11/2021 07:05 GMT+7

Bỏ lại phố thị, những người thầy cõng ba lô leo lên dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum) dạy chữ. Chuyện nghề của họ cũng đầy những gian truân, vất vả.

Quên cả chuyện lập gia đình

19 giờ, sau bữa cơm tối, thầy Trần An Ninh cầm chiếc điện thoại tìm chỗ cao để dò sóng gọi về nhà. Mấy ngày vừa rồi mưa như trút nước, chẳng biết quê nhà có thiệt hại gì không. Do mưa bão, sóng điện thoại chập chờn. Tiếng mẹ già cứ tắc tịt trong loa. Sau vài câu hỏi thăm, người mẹ lại nhắc con lấy vợ. Thầy Ninh chẳng biết trả lời thế nào, đành tìm chuyện khác nói lảng đi. Cũng vì dịch bệnh nên dễ đến hơn 2 năm nay thầy chẳng về quê.

Thầy Ninh có 16 năm công tác tại huyện vùng cao Đăk Glei (Kon Tum). 8 năm trước, thầy chuyển công tác từ xã biên giới Đăk Man về Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Mường Hoong, H.Đăk Glei.

Thầy Ninh có một bên mắt đã hỏng, di chứng của vụ tai nạn khi thầy đang trên đường trở về trường vào năm 2006. Vụ tai nạn cướp đi con mắt phải của thầy. Sau biến cố, thầy Ninh suy sụp hẳn. Thầy mặc cảm, sống thu mình lại. Bước qua biến cố, thầy quyết định ở lại gieo chữ cho vùng cao xa ngái này.

Suốt ngày lên bản làng vận động học sinh (HS) ra lớp khiến thầy quên luôn chuyện lập gia đình. Thầy Ninh bảo rằng mình cũng từng có vài mối tình nhưng vì khoảng cách nên chẳng thể đến được với nhau.

Thầy Linh đã 10 năm bám bản gieo chữ cho các em học sinh

Vận động học sinh ra lớp trong bữa cơm

Thầy Ninh được phân công lên giảng dạy tại xã biên giới Đăk Man. Những ngày đầu đến vùng đất mới, nỗi khó khăn dâng đầy trong mắt thầy giáo trẻ.

“Trước đây mình ở đồng bằng thuận lợi. Đến khi lên nhận công tác trên miền núi mới thấy vất vả. Trên này toàn đường đất, dốc đứng, làm gì có phương tiện đi lại. Từ trung tâm huyện lên điểm trường đều phải cuốc bộ. Ngày nắng thì đỡ, chứ ngày mưa vất vả lắm”, thầy Ninh nhớ lại.

Thời gian đầu về Đăk Glei, cái lạnh ở đây khiến thầy Ninh ốm triền miên. Thêm vào đó, đường sá khó khăn, thực phẩm tươi sống như thịt, cá luôn là những thứ xa xỉ. Có thời gian, thầy Ninh cùng nhiều giáo viên (GV) khác phải ăn cá khô ròng rã cả tháng trời.

Thầy Ninh tâm sự, ở cái vùng núi quanh năm mây phủ này, phụ huynh rất ít quan tâm đến chuyện học tập của con em. Vào những ngày đầu năm học hoặc ngày mùa, các em thường theo cha mẹ lên nương rẫy rồi ở lại. Để đảm bảo sĩ số, các thầy cô phải ngược núi đi vận động các em ra lớp. Thế nhưng, HS cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”, hôm nay đi học nhưng ngày mai lại nghỉ. Đối với chúng, cái chữ không thú vị bằng những tổ chim trên rừng, con cá dưới suối.

Mong muốn các em biết đọc, biết viết để sau này có tương lai tốt đẹp hơn, thầy Ninh cùng GV trong trường vào tận làng tuyên truyền, vận động. Ban ngày là thời gian phụ huynh HS đi nương rẫy, đến tối mịt mới về nhà. Do đó, cứ chập choạng tối GV trong trường rủ nhau vào làng. Những con đường đất dốc đứng, vào mùa mưa trơn như bôi mỡ khiến GV không ít lần trượt ngã. Cũng trên hành trình vận động HS ra lớp ấy, thầy Ninh đã gặp không ít tình huống “dở khóc dở cười”.

Giáo viên cắm bản đến tận nhà vận động học sinh ra lớp

đức nhật

Có lần các GV đến nhà học trò vào đúng bữa cơm. Thấy thầy giáo, phụ huynh liền kéo vào giữa nhà rồi đem rượu ra mời. Không thể chối từ, thầy giáo đành phải tiếp rượu phụ huynh. Trong cuộc rượu, thầy giáo nói hoài nói mãi về con chữ, về cách thoát nghèo. Mải vận động phụ huynh, thầy giáo say lúc nào không biết, vậy là đành ngủ lại nhà trò, chờ sáng rõ xuống núi về trường. Thế rồi cũng sáng hôm ấy, chính em học trò cá biệt hay nghỉ học đã quay về với lớp.

Thầy Ninh còn nghĩ ra cách mua bánh kẹo để dụ HS đi học. Không chỉ vậy, thầy còn thành lập các hội nhóm múa lân, bóng đá, thể thao để giữ chân học trò.

Bỏ phố thị, những người thầy leo lên dãy Ngọc Linh dạy chữ

ĐỨC NHẬT

Chưa từng đón sinh nhật cùng con

10 năm bám bản gieo chữ là cũng từng ấy thời gian thầy Lê Văn Linh, GV Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Mường Hoong, xa gia đình.

Nhà thầy Linh ở H.Kon Rẫy (Kon Tum), cách trường khoảng 160 km. Cũng vì nhà xa, may mắn lắm, khoảng 1 tháng thầy mới về nhà 1 lần. Còn vào mùa mưa, đường sạt lở thì có khi phải vài tháng thầy mới được về.

Vợ thầy Linh cũng là GV cắm bản. Mấy năm trước, vợ chồng thầy mỗi người công tác một nơi. Hai đứa con đành gửi cho ông bà ngoại chăm nuôi. Mỗi khi gọi điện về, nghe con quấy khóc, thầy chẳng kìm lòng được.

“Năm nay vợ mình được chuyển về gần nhà công tác rồi. Có mẹ bên cạnh, hai đứa nhỏ cũng bớt tủi thân đi nhiều”, thầy Linh chia sẻ.

Thầy Linh tâm sự, là GV cắm bản nên những dịp lễ đặc biệt, thầy không thể có mặt để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc cùng gia đình. Những hôm con đau ốm, thầy cũng không kịp về chăm sóc. Nhiều hôm gọi điện về chúc mừng sinh nhật con, nghe con hờn dỗi mà buồn.

“Mình có 2 người con, đứa đầu 7 tuổi, còn con út vừa tròn 6 tuổi. Tuy nhiên, ngần ấy lần sinh nhật của các con, mình đều không có mặt”, thầy Linh nói.

Cô Y Hải, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Đăk Glei, cho biết xã Mường Hoong và Ngọc Linh là 2 khu vực xa và khó khăn nhất của địa phương. Đa số GV giảng dạy tại các trường ở 2 xã này đều xa gia đình. Năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có những GV cả năm rồi chưa thể về thăm nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.