Cách nhận biết sớm bệnh viêm khớp dạng thấp

06/12/2019 04:30 GMT+7

Viêm khớp dạng thấp hiện là bệnh thường gặp ở nữ giới từ 30-60 tuổi, ở nam giới thường khởi phát muộn hơn. Bệnh gây ra những cơn đau, sưng, nóng khớp, nếu không điều trị sớm có thể biến dạng, phá hủy khớp,... và tàn phế.

Chủ quan không khám, biến chứng lâu dài

Ghi nhận tại Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), có khoảng 20% người bệnh viêm khớp dạng thấp đến khám và đang có xu hướng gia tăng. Nhiều ca diễn tiến nặng do điều trị sai.
Bà L.N.P (57 tuổi, ngụ Sóc Trăng), 6 năm trước, bị sưng đau khớp bàn tay và khớp cổ tay hai bên. Tình trạng đau kéo dài nhưng bà P. không đến bệnh viện khám mà tự mua thuốc nam về uống. Lúc đầu, bà P. thấy giảm sưng đau khớp rõ rệt. Bà đã uống thuốc này suốt 2 năm và sau đó các khớp hai tay bị sưng, đau nhiều, biến dạng nhẹ khớp bàn tay hai bên.
Đến khi cơn đau và biến dạng khớp tiến triển càng nặng hơn, bà mới đến BV ĐHYD khám, trong tình trạng sưng đau các khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp liên đốt gần hai tay, khớp gối, khớp cổ chân hai bên. Bà được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, biến chứng dính khớp cổ tay. Bệnh nhân phải được điều trị truyền thuốc mới thuyên giảm.
Tiến sĩ - bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV ĐHYD, cho biết: Nhiều người bệnh khi bị sưng khớp thường chủ quan, không đến cơ sở y tế khám sớm hoặc không khám đúng chuyên khoa nội cơ xương khớp. Bên cạnh đó, có một số bệnh nhân đã được điều trị đúng, tình trạng bệnh cải thiện thì lại tự ý ngưng thuốc dẫn đến bệnh bùng phát trở lại nghiêm trọng hơn.
“Đặc biệt nguy hiểm hơn, người bệnh thường tự mua thuốc uống, hoặc uống các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, trong đó thường có chứa thành phần corticoid. Khi dùng các thuốc này, thời gian đầu, bệnh nhân được giảm đau và giảm sưng khớp khá nhanh. Tuy nhiên dùng kéo dài, người bệnh không còn đáp ứng với thuốc, bắt đầu xuất hiện biến chứng biến dạng khớp và tác dụng phụ của thuốc như da mỏng, bầm máu ở da, tay chân teo, bụng to, dễ loãng xương sớm…”, bác sĩ Ngọc lưu ý.
Bác sĩ Ngọc cảnh báo, không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp khiến hầu hết các trường hợp viêm khớp dạng cấp biến chứng: đau nhức, biến dạng khớp, phá hủy khớp, gân, dây chằng... dẫn đến mất khả năng lao động hoặc tàn phế. Ngoài ra, có thể suy tim, thậm chí… tử vong.

Nhận biết sớm bệnh

Theo bác sĩ Ngọc, viêm khớp dạng thấp là bệnh ảnh hưởng chủ yếu lên khớp với các biểu hiện sưng, nóng, đau khớp. Ngoài ra, bệnh có thể tác động đến các cơ quan khác của cơ thể như phổi, hệ tạo máu, tim mạch.
Dấu hiệu bệnh viêm khớp dạng thấp là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ; khớp đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động.
“Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp. Bệnh có thể bắt đầu ở một khớp và không đối xứng, chẳng hạn như khớp gối, song đa số các trường hợp trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ phát triển thành viêm nhiều khớp với tính chất đối xứng. Thông thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân”, bác sĩ Ngọc giải thích cụ thể.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể có các dấu hiệu của viêm các bao gân duỗi như: sưng nề cổ tay phía mu tay; viêm các bao gân gấp có thể gây ngón tay cò súng; tê, đau, hoặc rối loạn vận động phía xương quay của bàn tay;…
Vì vậy, bác sĩ khuyên bệnh nhân có dấu hiệu cần đến bệnh viện sớm và khám chuyên khoa nội cơ xương khớp, tuân thủ điều trị và theo dõi bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tổ chức tư vấn miễn phí về bệnh lý viêm khớp dạng thấp, vào lúc 7 giờ 30 phút chủ nhật, ngày 8.12, tại 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Bệnh viện tặng phiếu khám cho 100 người đăng ký sớm nhất qua số điện thoại: 028 3952 5449.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.