Cách nào để sống 'yên ổn' với bạn cùng phòng ?

20/10/2022 08:00 GMT+7

Nhiều người đi học, đi làm xa quê mong muốn tìm được bạn ở chung để giảm nhẹ chi phí thuê nhà . Tuy nhiên, việc ở ghép với người lạ có thật sự dễ dàng? Không ít người bất mãn vì bạn cùng phòng quá “trời ơi đất hỡi”.

Không ít người tỏ ra bất mãn với bạn cùng phòng, đặc biệt với sinh viên (SV) năm nhất sống xa nhà thì đó là cú sốc đầu đời.

Không dễ để tìm được bạn cùng phòng hòa hợp

Thảo Phương

Vừa lên thành phố nhập học được một tháng mà đã muốn bỏ về quê, đó là nỗi lòng của Đ.A.N, SV năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vì bạn cùng phòng không có ý thức. N. kể: “Mình đang ở ký túc xá phòng 6 người, 2 tuần nay mình không ngủ được vì 2 giờ sáng bạn cùng phòng còn chơi game rồi cười đùa cả đêm. Tụi mình bức xúc lắm, nói mãi nhưng chỉ nhận được câu trả lời “tao biết rồi”, rồi đâu lại vào đấy”.

Cùng nỗi khổ là L.V.H, SV năm nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM, H. chỉ biết thở dài và bấm bụng nhịn khi bạn cùng phòng ở quá bẩn. “Mình không thể tin được tại sao lại có người ở bẩn như thế mà vẫn chịu được. Bát đũa ăn xong để bốc mùi cả tuần không chịu rửa, đồ ăn mua về ăn hết cũng chả buồn vứt. May là trong phòng chỉ có một người, chứ ai cũng như vậy chắc mình dọn đi sớm”, H. nói.

Không chỉ ở bẩn, ý thức kém mà còn có cả thói ăn cắp. Khi được hỏi về những bức xúc với bạn cùng phòng, Trần Thanh Sơn, SV năm 4, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngán ngẩm: “Để nói về tật xấu của bạn cùng phòng thì kể cả ngày cũng không hết. Mới tuần trước, mình bị bạn cùng phòng lấy cắp 200.000 đồng, mặc dù số tiền không lớn nhưng lỡ đâu có ngày nó mang điện thoại, máy tính của mình đi bán thì sao. Phòng mình đã nhờ tới sự can thiệp của trưởng nhà, sớm muộn gì bạn ấy cũng bị đuổi ra khỏi ký túc xá”.

Để sống chung với người xa lạ là điều không hề dễ dàng. Vậy có cách nào để chung sống yên ổn với bạn cùng phòng?

Sống ở ký túc xá từ năm học lớp 10, nên việc làm sao chung sống hòa hợp với bạn cùng phòng thì Lê Thị Cẩm Tú, SV năm 4, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có rất nhiều kinh nghiệm. “Theo mình để sống chung trong một tập thể, trước hết phải biết cân bằng lợi ích của nhau, mỗi người tự hạ cái tôi của mình xuống. Trong phòng có xảy ra vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ cũng nên ngồi lại giải quyết cùng nhau để từ đó thay đổi và hiểu nhau hơn. Khi đã hiểu nhau rồi thì việc ở chung rất dễ dàng”, Tú nói.

Còn với Lưu Thị Thu Hương, SV năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì trong một tập thể điều cần thiết nhất là ý thức của mỗi người và nên đưa ra nội quy ngay từ đầu: “Mình ở phòng 8 người nhưng 4 năm nay chưa từng xảy ra mâu thuẫn vì ngay từ đầu tụi mình đã đưa ra quy định chung của phòng. Quan trọng hơn hết là phải biết nói thẳng, để bạn biết lỗi mà rút kinh nghiệm”.

Nói về vấn đề này, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực SV (Trường ĐH Văn Lang), đưa ra một số nguyên tắc khi sống chung với bạn cùng phòng: “Theo tôi, để chung sống hòa hợp với người khác một cách dễ dàng cần thực hiện những nguyên tắc sau: Cần tìm một người ở cùng phù hợp với tính cách, lối sống, học vấn của bạn. Nếu không tìm được người phù hợp thì cần chấp nhận những điểm khác biệt của nhau. Cần thảo luận rõ ràng ngay từ đầu với bạn cùng phòng về thói quen, sở thích của cả hai, trao đổi rõ ràng về công việc trong phòng để tránh những hiểu lầm không đáng có. Khi có mâu thuẫn xảy ra, bạn và người cùng phòng cần tìm một không gian thích hợp để trò chuyện thẳng thắn và tìm ra giải pháp phù hợp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.