Cách nào để Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình thoát khỏi nợ nần?

05/10/2022 08:12 GMT+7

Trong toàn bộ khoản nợ thuế lên đến 895 tỉ đồng, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình mới trả được khoảng gần 46 tỉ đồng. Ngành thể thao đang đau đầu để tính biện pháp giải quyết.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình còn có nhiều sai phạm trong việc tự ý cho thuê đất hoặc cho thuê đất nhưng tiền lại để ngoài sổ sách, dẫn đến thất thoát số tiền lên đến 777 tỉ đồng. Tính đến nay, tiền nợ xấu đã phát sinh lên thành 878 tỉ đồng, cộng với khoản nợ thuế đất 17 tỉ đồng trên mặt bằng cho Công ty Hải Yến thuê (được nêu trong bài báo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị kiện ra tòa trên Thanh Niên ngày 4.10), tổng số nợ của khu liên hợp vào khoảng 895 tỉ đồng. Theo một lãnh đạo khu liên hợp: “Hiện tại, chúng tôi đã tạm trả được khoảng 46 tỉ đồng, tiền thu được từ các hợp đồng liên doanh liên kết với 4 doanh nghiệp. Số còn lại chưa biết lấy nguồn nào để trả”.

Mặt cỏ sân Mỹ Đình từng bị Liên đoàn Bóng đá châu Á chê vì chất lượng không tốt nên khu liên hợp phải cải tạo

HOÀNG QUÂN

Gần đây, chia sẻ với Báo Thanh Niên, đại diện một cơ quan thuế tại Hà Nội đã khẳng định, đối với số tiền nợ thuế của khu liên hợp, cơ quan thuế đã triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng các quy trình cũng như quy định trong quản lý nợ - cưỡng chế nợ thuế và kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng. Các cơ quan thuế cũng đã phối hợp đến Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT để hỗ trợ việc đôn đốc khu liên hợp thực hiện nộp tiền thuế nợ; đồng thời có công văn báo cáo và xin ý kiến Tổng cục Thuế có hướng dẫn và các giải pháp đặc thù để đôn đốc thu tiền thuế nợ, phù hợp với tình hình thực tế của khu liên hợp. Cơ quan thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, đồng thời sẽ phối hợp với các sở ban ngành, cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản của khu liên hợp để đưa ra các giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ tại khu liên hợp.

Một thông tin đáng lưu tâm, ngành thể thao đã rất lo lắng sẽ xảy ra nguy cơ cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với khu liên hợp. Tuy nhiên, theo quy định của luật Quản lý thuế số 38 bổ sung, sửa đổi năm 2021, trong các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, không có biện pháp tịch thu tài sản và bán đấu giá. Nhưng tính đến thời điểm này, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT và Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vẫn chưa thể có phương án gỡ rối khoản nợ thuế khổng lồ như đề cập ở trên.

Một quan chức ngành thể thao cho hay, dự kiến trong thời gian tới, Tổng cục TDTT sẽ đề nghị với cơ quan thuế để có cuộc làm việc trực tiếp giữa các bên, nhằm có biện pháp khả thi nhất, đưa khu liên hợp thoát ra khỏi “vũng lầy” nợ nần. Nhưng cơ quan thuế cũng không tự ý quyết mà có thể phải xin ý kiến Quốc hội, Chính phủ về vấn đề nan giải này. Một biện pháp mà ngành thể thao đang hướng tới đó là mong mỏi UBND TP.Hà Nội thực hiện lại quy hoạch khu liên hợp, chuyển đổi hoặc tăng cường công năng sử dụng của một số mặt bằng tại khu liên hợp. Ngoài các công trình phục vụ tập luyện, thi đấu như sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, khu liên hợp phải có những mặt bằng cung cấp dịch vụ thương mại, giải trí để khu liên hợp có khoản thu hợp pháp, trước mắt để trả nợ thuế đất, sau đó là tăng nguồn tài chính, giúp khu liên hợp không phải sử dụng ngân sách nhà nước trong việc bảo dưỡng sân hằng năm.

“Đề án khai thác tài sản công tại khu liên hợp phải đi vào thực tiễn cuộc sống thì khu liên hợp mới giải quyết được khoản nợ mà hiện chúng tôi đang bất lực chi trả”, lãnh đạo khu liên hợp nói.

Tìm phương án cho đội tuyển Việt Nam

Đối với việc sân Mỹ Đình có được sử dụng để phục vụ đội tuyển Việt Nam thi đấu các trận trên sân nhà tại AFF Cup 2022 vào cuối năm hay không, khi khu liên hợp đang nợ thuế, dự kiến có 2 phương án để giải quyết. Thứ nhất, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT sẽ là những đơn vị đứng ra tổ chức các trận đấu (như tại SEA Games 31). Tiền thu được từ bán vé, phần lớn sẽ nộp vào ngân sách nhà nước và trích một phần cho khu liên hợp để trả tiền điện nước, tiền công cho cán bộ công nhân viên tham gia phục vụ trận đấu. Phương án thứ 2 là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn đứng ra tổ chức nhưng VFF cần được coi như 1 doanh nghiệp và ngoài khoản tiền thuê sân, VFF sẽ phải nộp tiền thuế đất cho khu liên hợp (khu liên hợp sẽ nộp lại cho cơ quan thuế). VFF cũng sẽ phải chi tiền thuế giá trị gia tăng (khoảng 10% giá trị hợp đồng thuê sân), tiền khấu hao tài sản (cũng khoảng 10% giá trị hợp đồng thuê sân).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.