Cách học sinh cân bằng giữa 'bão' áp lực

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/02/2024 07:16 GMT+7

Giữa bộn bề căng thẳng áp lực đến từ học tập, cuộc sống, đặc biệt là với học sinh cuối cấp, các bạn đã làm gì để tìm thấy cân bằng, tiếp tục theo đuổi mục tiêu?

Không chọn cách gục ngã, buông tay, nhiều học sinh (HS) xuất sắc tại TP.HCM có những cách đương đầu vì "không có áp lực thì không có kim cương".

GIẢI TRÍ NHẸ NHÀNG, CHƠI MÔN THỂ THAO YÊU THÍCH

Nguyễn Thị Bích Ngọc, HS lớp 12 chuyên văn 2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, người mới đây giành giải ba HS giỏi quốc gia môn văn, chia sẻ vốn là một người cầu toàn, không dám chỉ dành thời gian ôn thi môn văn đội tuyển quốc gia mà bỏ qua các môn học khác, nhiều khi Ngọc rất căng thẳng, stress để cân bằng mọi thứ. Đặc biệt năm nay em cũng phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào ĐH.

Cách học sinh cân bằng giữa 'bão' áp lực- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 cân bằng giữa học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Có những lúc em rất lo lắng, hay mỗi đêm chỉ được ngủ vài tiếng, có những lúc áp lực quá em cũng đã khóc. Nhưng may mắn là em có những người bạn thân và ba mẹ, em gái, để tâm sự cùng mọi người nên vượt qua được stress", nữ sinh luôn có điểm trung bình các môn trên 9, môn văn lớp 10 và lớp 11 đạt 9,7, tâm sự. Đồng thời, Ngọc cho rằng những cách giải trí nhẹ nhàng, trong khoảng thời gian hợp lý là cách để các bạn HS đang căng thẳng vượt qua được những "núi" bài tập, đề cương, thời hạn chót (deadline) cần hoàn thành. Như Ngọc là chọn xem những tập phim mình yêu thích.

Là một HS năng động, không chỉ sở hữu thành tích học tập xuất sắc mà còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, Tống Nguyễn Thanh Vân, lớp 8 Trường THCS An Phú Đông, Q.12, TP.HCM, chia sẻ bạn không sợ hãi áp lực, "bởi có áp lực mới có kim cương".

Cách giữ cân bằng của Thanh Vân là sắp xếp thời gian hợp lý, chơi những môn thể thao mình yêu thích. Vân là HS xuất sắc nhiều năm liền, hạng nhất khối 7 về học tập; giải nhì hội thi Đại sứ văn hóa đọc cấp quận, tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp TP, thi chỉ huy Đội giỏi cấp quận, thi Tên lửa nước cấp TP… Vân không học thêm tràn lan mà chỉ học thêm môn tiếng Anh và bóng chuyền. "Em từng có lúc luôn cảm thấy bản thân không đủ thời gian làm bài tập, nhưng nghĩ lại, em thấy rằng mình đã không biết tranh thủ thời gian", nữ sinh tham gia dự án "dùng nước muối tạo ra nguồn điện", đoạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp TP năm học 2022 - 2023, cho hay.

"Ngày nào em cũng sẽ xem những bài tập cho hôm sau. Nếu bài tập nhiều, em sẽ tranh thủ học xong sớm, cố gắng làm bài nhanh chóng rồi mới dành thời gian cho việc giải trí. Cá nhân em thấy không nên đi học thêm một cách vô tội vạ, điều này khiến mình mất thời gian, tiền bạc, không mang lại nhiều lợi ích. Thay vào đó, hãy học kỹ năng sống, những môn mình thật sự yếu, hoặc là học nâng cao - chứ không phải chỉ học theo chương trình trên trường", Vân nói.

Cách học sinh cân bằng giữa 'bão' áp lực- Ảnh 2.
Cách học sinh cân bằng giữa 'bão' áp lực- Ảnh 3.

Nguyễn Thị Bích Ngọc (trái) và Tống Nguyễn Thanh Vân chia sẻ cách để giữ cân bằng trong học tập

NVCC


CHỮA BỆNH "LUÔN THẤY KHÔNG ĐỦ THỜI GIAN"

Trần Mai Anh, HS lớp 11A5, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đại diện nhóm FoAD - giành giải nhì cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp 2023 bằng dự án "Toxic Productivity - cùng học sinh THPT vượt qua năng suất độc hại bằng sổ tay học tập kết hợp thử thách giới hạn bản thân" có nhiều lý giải cho tình trạng HS "luôn thấy không đủ thời gian".

"Nhiều HS, đặc biệt bậc THPT luôn rơi vào trạng thái quá tải, stress, luôn cảm thấy "không đủ"; hoặc các bạn làm việc chưa có kế hoạch, dẫn đến gián đoạn, trì hoãn công việc như một vòng lặp thời gian. Hoặc HS đã dành quá nhiều thời gian giải trí và làm sao nhãng quá trình học tập, ôn bài. Nguyên nhân đặc biệt nhưng lại ít ai nghĩ tới, đó là nhiều bạn dành quá nhiều thời gian cho những hoạt động không cần thiết, không quan trọng. Hậu quả khiến các bạn không có sự tiến triển trong học tập, chất lượng cuộc sống giảm đi đáng kể", Mai Anh nói.

Nữ sinh lớp 11 cho biết chính 5 thành viên của FoAD - những bạn sở hữu nhiều thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa nổi bật, cũng đã từng là nạn nhân trong việc mất cân bằng giữa cuộc sống và học tập, quá tải với bài tập về nhà…

Đâu là cách mọi người đã cân bằng trở lại? Mai Anh cho hay: "Chúng em đã phân bổ thời gian giải trí một cách hợp lý và hiệu quả. Mọi người lên kế hoạch công việc cần làm trong khoảng thời gian nhất định, mục tiêu thực tế và có thể thực hiện. Đồng thời, phải lên danh sách việc cần làm theo thứ tự ưu tiên và quan trọng. Đặc biệt, em và các bạn luôn giữ một trạng thái tích cực và luôn nói với bản thân rằng "mình có thể làm được". Tin vào bản thân giúp các bạn thoát khỏi cảm giác "over" - quá tải mọi thứ".

CHIA SẺ NHỮNG ÁP LỰC ĐANG GẶP

Thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên hóa học Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM, cho hay từ ngày về công tác tại trường, thầy đã ghi nhận rất nhiều HS đạt thành tích đáng kể trong học tập, tham gia nhiều sân chơi do nhà trường tổ chức. Đáng chú ý trong bậc THPT, không ít học trò đã phải đối diện với giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Thầy Nam từng hỏi nhiều em "bí quyết nào để em cân bằng mọi thứ?". "Thật bất ngờ, câu trả lời tôi nhận được đều là "đối diện". Học trò thành công là người biết đối diện với việc áp lực, vấn đề cần giải quyết và luôn đặt ra những mục tiêu mà bản thân làm được. Ngoài ra, các em còn phân bổ thời gian của mình hợp lý giữa học, chơi, tham gia công việc khác. Đồng thời, tôi nhận ra những HS nhiều thành tích đó cũng là những bạn hay chia sẻ với gia đình, bạn thân về những việc học tập trên trường, về niềm vui và cả những khó khăn các em đang đối mặt. Sự sẻ chia là một chất xúc tác vô cùng quan trọng của cuộc sống", thạc sĩ Lê Văn Nam chia sẻ.

Hãy giữ cho mình một niềm tin

PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học và biomass, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ với PV Thanh Niên, trong phòng thí nghiệm do ông phụ trách, có nhiều sinh viên học hành rất hiệu quả, điểm số cao, nhưng vẫn ung dung tận hưởng tuổi trẻ với những giấc mơ thử thách chính mình. Các bạn vượt qua áp lực học hành, thi cử, dấn thân vào nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp, hay những đam mê nghệ thuật…

Tuy vậy, ông cũng thấy có một bộ phận người trẻ không tìm thấy mục tiêu cho con đường mình đi nên dễ mất phương hướng. Từ đó các em thiếu nỗ lực đúng cách, để rồi bị tụt lại phía sau so với bạn bè của mình. Dần dần, các em sinh ra chán nản, buông xuôi, trượt dài...

"Là một người đi trước và từng trải qua những khó khăn, chông gai, cả những nỗi căng thẳng mà các HS-SV đối mặt, tôi mong rằng chúng ta hãy luôn giữ vững niềm tin. Đó là giá trị thực thì sẽ luôn được khẳng định. Giá trị thực của chúng ta là sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, và tự tin là khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua. Tất cả chúng ta đều đang đi trên hành trình cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng kiên định với con đường mình chọn thì niềm tin đó là sức mạnh để đưa ta đến đích nhanh hơn", PGS-TS Nguyễn Đình Quân chia sẻ.

"Không có áp lực thì không có gì cả"

Trần Mai Anh, lớp 11, Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết: "Nhiều bạn trẻ đã quen với câu nói truyền cảm hứng "Không có áp lực thì cũng không có kim cương". Nhưng em thấy rằng không có áp lực thì không có gì cả. Thành tựu học tập "giậm chân tại chỗ" mà không thể phát triển hơn. Nhưng đối diện với áp lực không phải là điều dễ dàng đối với các bạn HS cuối cấp, HS bậc THPT. Vì vậy nên các bạn cần có tính kiên trì, đối diện trước mọi khó khăn và đừng giữ riêng những áp lực đó chỉ cho mình, hãy chia sẻ để được lắng nghe".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.