Cách gì để học sinh tiểu học không bị tác động xấu khi học trực tuyến?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
01/09/2021 16:39 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc cho học sinh tiểu học tiếp cận với máy tính, điện thoại và mạng internet quá sớm là điều không nên, tuy vậy trong bối cảnh buộc phải học trực tuyến trong mùa dịch chúng ta cần khắc phục ra sao.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, ngày đầu năm học đã đến, tất cả học sinh tiểu học trở lên đều phải tham gia học trực tuyến. Ngoài những lợi ích của công nghệ mang lại, thì với lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 lần đầu được tiếp cận với những thiết bị điện tử, không gian mạng cũng tạo nên nhiều điểm xấu khi trẻ tiếp cận quá sớm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1 TP.HCM, cho biết trước tiên cần xác định rõ khi cho học sinh tiểu học tiếp cận với công nghệ theo mục đích gì. Bởi ở độ tuổi này học sinh phát triển mạnh về tâm lý tâm thần, ngôn ngữ, tư duy và mối quan hệ xã hội.
Theo đó, về mặt ngôn ngữ trẻ nhỏ cần sự tương tác, nhìn khẩu hình, nghe tiếng nói người đối diện mới phát triển tốt. Khi cha mẹ cho con tiếp cận sớm với điện thoại hoặc máy tính mà không có sự quan tâm, để con tự do khám phá theo kiểu một chiều thực sự ảnh hưởng sâu sắc đến mặt tâm lý và tâm thần của trẻ. Bên cạnh đó việc trẻ con sử dụng điện thoại dễ dẫn đến tình trạng mỏi mắt hoặc hình thể ngồi không đúng chuẩn khi trẻ sử dụng đồ công nghệ.
Bác sĩ Khuyên cho rằng vì dịch bệnh ở thời điểm này không còn cách nào khác phải để trẻ học qua hình thức trực tuyến. Việc học trực tuyến với đối tượng học sinh tiểu học là cực kỳ phức tạp, bởi trẻ là đối tượng đang khám phá thế giới xung quanh. Do đó, chúng ta cần lưu ý hơn về sự tiếp cận công nghệ của trẻ. Ở lứa tuổi này, trẻ thường rất hiếu động, thiếu tập trung khi ở nhà. Cha mẹ và thầy cô phải là người phân bổ cho trẻ thời gian ngồi trước màn hình điện thoại hoặc máy tính một cách hợp lý nhất.

Cha mẹ phải luôn theo sát con khi học trực tuyến ở nhà

Độc Lập

Khi trẻ học trực tuyến, thời gian ngồi học ở lớp nên được giãn ra và cho trẻ nghỉ ngơi sau khoảng 15 phút học. Điều này vừa giúp trẻ dễ tập trung bài học và không ảnh hưởng đến đôi mắt. Điều quan trọng nhất là cha mẹ tuyệt đối phải luôn theo sát, nắm bắt tình hình khi trẻ sử dụng mạng internet.
“Lứa tuổi này cần những phương pháp dạy khác hơn lúc cầm phấn viết lên bảng ở trường. Chúng ta cần nhiều hình ảnh sinh động, vui vẻ, vừa cung cấp kiến thức nhưng vừa phải xen vào nội dung chương trình hoạt hình vui nhộn. Chúng ta phải thực hiện một cách khoa học để học sinh tiểu học mới đạt mục đích trau dồi kiến thức mà không ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Khuyên nhấn mạnh.
Mùa giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý không chỉ của người lớn mà ngay cả lứa tuổi học sinh. Dù không đến trường nhưng cha mẹ nên tập thói quen cho con mỗi ngày. Cụ thể như cho trẻ ăn ngủ đúng giờ, dậy sớm tập thể dục sau đó trẻ sẽ lên lớp. Như vậy giống như một ngày đến trước như bình thường của học sinh. Ngoài ra, bàn học tập của trẻ làm sao gần giống với lớp học nhất. Mỗi buổi học nên cho trẻ mặc đồng phục để trẻ có cảm giác quen dần với lớp học...
“Cha mẹ nên tạo sự tương tác với con bằng cách tạo ra những trò chơi mang tính thi đua, phù hợp với lứa tuổi. Sau đó có phần thưởng sẽ làm cho trẻ cảm thấy không nhàm chán trong những ngày ở nhà giãn cách. Có như vậy học sinh tiểu học không bị tù túng hay bị nghiện điện thoại khi được tiếp cận sớm”, bác sĩ Khuyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.