Cách du học sinh Việt vượt qua 'khủng hoảng' trong những ngày đầu bỡ ngỡ

29/10/2021 19:15 GMT+7

Không ít du học sinh Việt gặp khó khăn khi đối mặt với cú sốc văn hóa trong thời gian đầu mới sang một đất nước khác và cố gắng tìm cách thay đổi để thích nghi.

Đến một quốc gia khác sinh sống và học tập là điều không dễ dàng với nhiều du học sinh Việt bởi các bạn sẽ đứng trước muôn vàn khó khăn, rào cản như: ngôn ngữ, thời tiết, ăn uống, sinh hoạt và phương pháp học tập...

Luyện Phương Linh đã sang Nga 2 tuần sinh sống và học tập

NVCC

Cú sốc văn hóa

Mới sang Nga được hai tuần, Luyện Phương Linh, du học sinh ĐH Kinh tế quốc dân Plekhanov, bắt đầu cuộc sống mới và không thể tránh khỏi cú sốc văn hóa.

Linh nhớ lại ngày đầu, buồn cười nhất là câu chuyện lưu thông trên đường. "Ở Nga, người đi bộ sẽ được nhường đường, nhưng tôi ngơ ngác đứng im chẳng dám sang đường vì thói quen chờ xe qua hết mới qua đường ở Việt Nam", nữ sinh viên kể.

Ký túc xá mà Linh ở có nhiều bạn từ các quốc gia khác như Mexico và Philippines. “Ban đầu, tôi còn e dè ngượng ngùng nhưng đã cố vượt qua bằng cách cởi mở hơn với các bạn rồi dần dần mọi người trở nên thân thiết hơn”, Linh chia sẻ.

Một số du học sinh mới sang Nga nghĩ rằng người Nga trông lạnh lùng. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc, Linh đã hiểu được nguyên nhân xuất phát từ tính cảnh giác với người lạ của họ. “Do đó, mỗi ngày đến trường gặp bác bảo vệ, cô lao công trong ký túc xá, tôi đều chào hỏi và chỉ vài lần như thế thì các bác sẽ nhớ và nở nụ cười với mình”, Linh bày tỏ.

Một lần, nữ du học sinh đi xe buýt nhưng thẻ Troika (thanh toán giao thông công cộng) hết tiền, chưa kịp phản ứng thì có một bạn người Nga đã quẹt thẻ thanh toán giúp cô. Lúc đó, Linh thật sự vui, hạnh phúc nơi xứ người và gửi lời cảm ơn rồi cô bắt chuyện với bạn.

Khác với Phương Linh, du học sinh Đào Thanh Tuấn sang Nga cách đây 9 tháng và đang học tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov. Lần đầu đến Nga vào mùa đông năm 2020, Tuấn cũng không khỏi bất ngờ với hình ảnh cung đường phủ đầy tuyết trắng xóa.

Dù đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng từ trước nhưng Tuấn vẫn phải đối mặt “cú sốc thời tiết” ở Nga. Nam du học sinh bộc bạch: “Mùa đông ở Nga rất lạnh, có khi -40 độ C. Các bạn không nên mang nhiều đồ ấm từ Việt Nam vì đồ được bán ở Nga vẫn ấm hơn, phù hợp với thời tiết nước này hơn”.

Đào Thanh Tuấn

NVCC

Ngoài ra, nét văn hóa ẩm thực của Nga khác với Việt Nam bởi điều kiện tự nhiên khác nhau. Nếu mâm cơm của người Việt luôn có cơm và rau xanh trên bàn thì ở Nga lại ít.

Thanh Tuấn cho biết người Nga họ chuộng ăn bánh mì và bơ, ăn nhiều thịt, uống trà và hầu như mỗi bữa ăn đều có bánh kẹo ngọt. Anh cho rằng người Nga ăn khá ít rau, thường chỉ có rau trong các món salad và súp, do giá rau củ đắt hơn so với ở Việt Nam. Nam sinh viên nói: “Lời khuyên cho các bạn khi sang Nga là nên mang theo thực phẩm bổ sung chất xơ và các loại vitamin bổ sung những dưỡng chất cần thiết thay cho rau củ”.

Rào cản ngôn ngữ

Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ là vấn đề không tránh khỏi với nhiều du học sinh. Một số du học sinh phải trải qua 1 năm dự bị học tiếng Nga chủ yếu cải thiện về ngữ pháp, từ vựng và cấu trúc câu cơ bản, theo Nguyễn Văn Hùng (học viên cao học,Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Voronhez).

Dù sang Nga đã 5 năm và xuất phát từ sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ có vốn tiếng Nga 3 năm ở Việt Nam nhưng Vũ Đình Hùng, du học sinh Trường ĐH Sư phạm Herzen, thi thoảng vẫn dùng tiếng Nga một cách “trời ơi đất hỡi”.

Hùng chia sẻ: “Lúc mới sang Nga, tôi bị á khẩu khoảng một tháng và nghĩ rằng vốn tiếng Nga bao năm đèn sách của mình gần như rụng hết. Tuy nhiên, sau một thời gian nghe người bản địa nói, kết bạn với sinh viên Nga và dùng tiếng Nga nhiều hơn, tôi đã có thể cải thiện và giao tiếp tốt dù đôi khi vẫn còn mắc lỗi ngữ pháp”.

Gần 5 năm, Vũ Đình Hùng thi thoảng vẫn dùng tiếng Nga một cách “trời ơi đất hỡi”

nvcc

Bên cạnh yếu tố ngôn ngữ, du học sinh Việt cũng phải nỗ lực thích nghi với phương pháp dạy và học ĐH ở Nga.

“Giáo dục ở Nga đang có sự thay đổi nhưng vẫn khá chú trọng lý thuyết hàn lâm, có thể nói khoảng 2/3 là lượng tiết học lý thuyết, còn lại là 1/3 số tiết dành cho học thực hành. Thời gian gần đây, việc học đang áp dụng các biện pháp đổi mới như dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp lý thuyết với thực hành”, sinh viên cao học Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Về việc thi cử, du học sinh Vũ Đình Hùng chia sẻ: “Cuối kỳ sẽ có bài thi vấn đáp 1-1 với giáo viên hoặc bốc thăm câu hỏi trả lời ngay tại chỗ. Thi với hình thức này việc ôn thi sẽ mệt lắm! Đến cả các bạn Nga còn thấy khó nữa. Cho nên, chúng mình sẽ cố gắng học trên lớp, lấy điểm thành phần, điểm đánh giá quá trình để được nhận điểm “avtomat” (điểm cuối kỳ) và không cần thi vấn đáp”.

Tương tự, Đào Thanh Tuấn bộc bạch: “Năm đầu đại học khá khô khan và lý thuyết hàn lâm, vì có nhiều môn đại cương với chuyên ngành của mình phải học sử khá nhiều. Hơn nữa, giáo dục Nga vẫn có các buổi thực hành và buổi học nhóm trên lớp gọi là “seminar”, những giờ đấy thầy cô sẽ giảng lại bài đã giảng trên giảng đường, làm bài tập và kiểm tra miệng sẽ giúp sinh viên cải thiện tốt hơn”.

“Các bạn dự định du học nên chuẩn bị mọi thứ thật tốt, thích nghi được sự thay đổi đột ngột của cuộc sống để chúng ta có thể kịp thời thích ứng, không bị thất vọng về cuộc sống du học, tránh trường hợp chán nản, muốn bỏ cuộc”, Hùng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.