Các toà báo rất khó khăn trong việc quản lý fanpages

22/09/2016 17:26 GMT+7

Tại buổi toạ đàm về phát huy tính năng tương tác của báo điện tử với mạng xã hội do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức chiều 22.9, Vụ báo chí cho rằng các tòa báo rất khó khăn trong việc quản lý fanpages.

Hơn 30 cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý truyền thông mạng, các nhà cung cấp kỹ thuật xử lý thông tin...đã tham gia buổi tọa đàm tại Hà Nội 
Theo đánh giá của Vụ báo chí-Ban Tuyên giáo T.Ư, cả nước hiện đang có 105 tờ báo điện tử, 248 trang thông tin điện tử được cấp phép đang hoạt động. Càng ngày xu hướng sử dụng mạng xã hội facebook để tăng cường tương tác với bạn đọc càng trở nên phổ biến với báo điện tử. Trang facebook của các báo điện tử mở ra đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, tạo sự lan toả thông tin mạnh mẽ góp phần nắm bắt tâm trạng xã hội, nhu cầu bạn đọc, phản hồi của dư luận với các nội dung báo chí truyền tải. Đồng thời những tính năng mới của facebook như live steam...đã tạo thêm quyền năng tạo thành sức mạnh đa phương tiện cho báo chí truyền thống.
Tuy nhiên cơ chế kiểm soát hậu kiểm comment của bạn đọc, sự thay đổi thuật toán liên tục của facebook là việc rất khó khăn với các toà báo trong việc quản lý fanpages. Trong khi một ngày fanpages của các báo thường nhận từ vài ngàn đến 50 ngàn comment gửi về, nếu như hạn chế comment, chặn comment là đi ngược lại xu thế của mạng xã hội và xu thế của người tham gia mạng xã hội. Các cơ quan báo chí đã tích cực thực hiện giải pháp tiền kiểm và hậu kiểm; thực hiện các giải pháp kỹ thuật chặn từ khoá, chặn commment bằng hình ảnh...thậm chí nhiều tờ báo đã phải đóng comment, đóng fanpages vì không kiểm soát được.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Vietnam Plus cho rằng, trách nhiệm của các tòa báo là hậu kiểm các comment xấu, độc có hại cho chính quyền, tuy nhiên các toà báo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước không nên coi đó là chứng cứ cho rằng báo chí không ủng hộ chính quyền, hay thiếu trách nhiệm, ý thức chính trị.
Ông Vương Vũ Thắng Tổng giám đốc VCCorp đưa ra nhiều khuyến nghị cần thiết để tránh báo chí chính thống ngày càng thua thiệt với mạng xã hội. Ông Thắng cho rằng, cần đầu tư công cụ, nhân lực "kiến tạo để gây ảnh hưởng", " làm tốt hơn để chiến thắng" bằng kĩ thuật xử lý comment xấu, nhưng khích lệ comment định hướng tốt và tạo dấu ấn đặc thù cho từng tờ báo. Nhà nước cần có hỗ trợ tài chính và kĩ thuật để các báo tiếp tục tương tác hiệu quả với mạng xã hội phục vụ nhu cầu định hướng thông tin cho xã hội.
Đại diện của Viettel tham gia toạ đàm cũng đã giới thiệu công cụ để quản lý tương tác, phân loại ý kiến xấu tốt, quét thông tin...để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.