Các tỉnh miền Tây nỗ lực khống chế dịch bệnh

23/10/2021 06:23 GMT+7

Trong tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 ở các tỉnh miền Tây Nam bộ tiếp tục tăng mạnh, nhất là tại Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Nguy cơ phát sinh ổ dịch tại các doanh nghiệp sản xuất lớn

Ngày 22.10, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX.Giá Rai (Bạc Liêu), cho biết liên quan ổ dịch xảy ra tại Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi (khóm 2, P.1, TX.Giá Rai), từ khi phát hiện chiều 19.10 đến nay đã ghi nhận có đến 149 ca dương tính Covid-19. Ổ dịch này lây lan nhanh, có nhiều ca dương tính trong cộng đồng trên địa bàn TX.Giá Rai và các huyện: Phước Long, Đông Hải.

Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi bị phong tỏa

Trần Thanh Phong

Do công ty có hơn 700 công nhân, chủ yếu làm công nhật, nên yếu tố dịch tễ vô cùng phức tạp. Liên quan ổ dịch này, qua sàng lọc, địa phương phát hiện thêm nhiều ca dương tính tại Công ty TNHH MTV thủy sản Châu Bá Thảo (thuộc P.Láng Tròn, TX.Giá Rai). Địa phương đang tập trung khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng; đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại các doanh nghiệp, công ty thủy sản trên địa bàn, gồm: Công ty Minh Hiếu, Công ty Rainbo, Công ty thủy sản Bạc Liêu, Công ty Châu Bá Thảo...

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương kiên quyết không để xảy ra trường hợp tương tự như ổ dịch tại Công ty TNHH thủy sản Tấn Khởi.

Trước đó, ngày 5.10, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng cũng phát hiện ổ dịch lớn tại Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (ấp Hà Bô, xã Tài Văn, H.Trần Đề). Mặc dù tỉnh nhanh chóng phong tỏa cả xã, nhưng ổ dịch này đã lây lan ra cộng đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh, với hơn 1.000 ca mắc.

Covid-19 sáng 23.10: 881.522 ca nhiễm, 803.326 ca khỏi | TP.HCM hỗ trợ đợt 3 đến tháng 11

Số ca nhiễm mới tăng mỗi ngày

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho hay số ca mắc Covid-19 tại An Giang đang tăng nhanh từng ngày. Tính từ 15.4 đến trưa 22.10, toàn tỉnh có 8.531 ca nhiễm, trong đó đang điều trị gần 2.000 ca, tử vong 114 ca. Riêng ngày 21.10, An Giang ghi nhận đến 221 ca mắc mới, 4 ca tử vong.

Tỉnh Sóc Trăng đang mở chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Đáng chú ý, ngày 20.10, dịch Covid-19 đã lan vào Bệnh viện (BV) đa khoa Trung tâm An Giang (TP.Long Xuyên). Qua truy vết, xét nghiệm, tính đến trưa 22.10, liên quan đến ổ dịch này đã có 122 ca mắc, trong đó tại BV là 83 ca và 39 ca là người bệnh và người theo nuôi bệnh đã xuất viện trở về địa phương.

Từ ngày 1.10 đến nay, tỉnh Cà Mau có hơn 30.000 người từ các tỉnh trở về địa phương; trong đó có 763 người mắc Covid-19. Hiện tỉnh Cà Mau ghi nhận 1.389 ca nhiễm Covid-19, chủ yếu từ người trở về quê và được cách ly tập trung, tăng hơn 1.000 ca so với thời điểm đầu tháng 10.

Theo bác sĩ Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, từ ngày 1.10 đến hôm qua (22.10), số ca nhiễm Covid-19 mới liên tục tăng trở lại, với hơn 500 ca được ghi nhận. Trong đó, tỷ lệ nhiễm từ dòng người về quê là nhiều nhất (hơn 80%, tức 400 người), số còn lại qua sàng lọc cộng đồng và trong các khu cách ly tập trung. Hiện trên địa bàn đang xuất hiện các ổ dịch mới tại 2 xã Hưng Mỹ, Song Lộc (H.Châu Thành) và xã Long Vĩnh (H.Duyên Hải), đang được ngành y tế địa phương khẩn trương truy vết dịch tễ, test cộng đồng...

Cần hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế

Chiều 22.10, ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho rằng số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, từ 15 - 21.10 tỉnh ghi nhận 1.161 ca mắc mới, bình quân mỗi ngày hơn 165 ca. Do vậy, tỉnh đang tức tốc trưng dụng, triển khai thêm 3 BV dã chiến với tổng số khoảng 1.000 giường bệnh.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết hiện có trên 20 y, bác sĩ thuộc BV Trưng Vương, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và Hội Thầy thuốc trẻ của TP.HCM đến An Giang hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngành y tế An Giang đề nghị Bộ Y tế tăng cường thêm y, bác sĩ về tỉnh để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, thông tin hiện có 915 ca bệnh Covid-19 đang điều trị, trong khi đó Cà Mau đã chuẩn bị 1.740 giường và đang cấp tốc bổ sung thêm 250 giường ở BV Lao và bệnh phổi. Tại các nơi điều trị, tỉnh cũng bố trí nhân lực đủ để điều trị theo giường bệnh. Tuy nhiên, để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống ở cấp độ cao hơn, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị cấp cứu để điều trị bệnh nhân nặng; đồng thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bản tin Covid-19 ngày 22.10: Cả nước 3.985 ca nhiễm mới | TP.HCM sắp cho phép ăn uống tại chỗ

Lên kế hoạch phân bổ vắc xin

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm được 71 triệu mũi vắc xin Covid-19, trong đó đã có khoảng 30,2 triệu người tiêm 1 liều vắc xin và 19,6 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là gần 70% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là hơn 27% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Trong tuần gần đây nhất (từ 14 - 20.10), cả nước đã triển khai tiêm được 9,7 triệu liều vắc xin (tăng 2,9 triệu liều so với tuần trước đó), chủ yếu tiêm tại một số địa phương như: An Giang 380.000 liều, Ninh Bình 360.000 liều, Vĩnh Long 350.000 liều, Bình Dương 340.000 liều, TP.Cần Thơ (313.000 liều), Tiền Giang 303.000 liều, Phú Thọ 295.000 liều...

Ngày 22.10, Bộ Y tế cho biết cơ quan chuyên môn đang lên kế hoạch phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó tăng cường cho các tỉnh phía nam và các tỉnh, thành có dịch diễn biến phức tạp. Bộ Y tế đã phân bổ 69 đợt vắc xin với tổng số 95,2 triệu liều (đến ngày 18.10). Bộ Y tế dự kiến trong 2 tháng cuối năm nay VN có khoảng 65 triệu liều vắc xin Covid-19 về thêm.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.