Các sàn thương mại điện tử 'bối rối' việc nộp thuế thay người bán

Thành Luân
Thành Luân
25/06/2021 12:00 GMT+7

Từ ngày 1.8, Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu lực. Theo đó, sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn.

Hiện các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn đang bối rối. Theo quy định mới của Thông tư này, sàn TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo lộ trình của cơ quan thuế.
Cụ thể, sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện một sàn TMĐT cho hay: “Chúng tôi đang rất bối rối, chưa biết thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý như thế nào. Thời gian còn lại ít, Thông tư thì được ban hành quá bất ngờ”.
Theo đại diện một sàn TMĐT khác, ngày 15.6 vừa qua, lẽ ra các doanh nghiệp chịu điều chỉnh của Thông tư 40 được mời đến để lấy ý kiến cho đa chiều nhưng “đến đó chúng tôi lại nghe phổ biến nội dung của Thông tư này. Việc này khiến chúng tôi trở tay không kịp”.
Tương tự, một đại diện sàn TMĐT lớn tại Việt Nam cho biết việc thực thi Thông tư 40 đòi hỏi sàn TMĐT phải đầu tư kỹ lưỡng cơ sở vật chất hạ tầng như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác đinh doanh thu của nhà bán hàng trong tháng/quý, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với loại hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế cần phải nộp, xác định số tiền còn phải trả cho nhà bán hàng sau khi đã được trừ số thuế phải nộp, điền form mẫu báo cáo số thuế đã nộp. Ngoài ra, còn cần phải có đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để kiểm tra lại bảng tính thuế cho từng nhà bán hàng, chuẩn bị tờ khai, nhập liệu bảng kê chi tiết lên phần mềm kê khai thuế và nộp thuế điện tử, chưa kể việc giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà bán hàng…
Ngoài ra, số lượng giao dịch nhiều, tuy nhiên giao dịch của các nhà bán hàng cá nhân thường có giá trị giao dịch nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Điều này có thể dẫn đến việc có những bảng kê khai chi tiết hàng ngàn dòng tương ứng cho từng nhà bán hàng, trong khi tổng số thuế thu được có thể không đáng kể. Trong khi đó, các chi phí phát sinh liên quan đến các công việc kê khai thay, nộp thuế thay sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn.
Chưa kể số lượng người bán hàng trên các sàn có độ dao động rất lớn, số lượng nhà bán hàng mới hay nhà bán hàng dịch chuyển từ sàn này qua sàn khác nhiều. Điều này cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai thay, nộp thuế thay. Thực tế, quy định này chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, do vậy, chưa có mô hình vận hành để tham khảo.
"Số lượng nhà bán hàng trên sàn, đặc biệt nhà bán hàng là cá nhân kinh doanh, thay đổi khá thường xuyên do họ dịch chuyển giữa các sàn để tận dụng các chương trình hỗ trợ của sàn, do đăng ký mới, do ít giao dịch nên tự động bỏ… Thậm chí, số cá nhân kinh doanh nhỏ và không phát sinh giao dịch thường xuyên cũng khá nhiều", đại diện của một sàn TMĐT chia sẻ.
Đồng quan điểm, một số sàn dưới dạng chuyên bán đồ công nghệ cũ cho biết, họ không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán... chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, sàn không thể kiểm soát được các doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán do đây là hình thức mua bán trao đổi qua lại.

Nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày càng gia tăng

Ảnh: AFP

Trong thông cáo mới nhất gửi tới các cơ quan báo chí của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), đại diện Vecom cho biết, 15 ngày sau khi Thông tư được ban hành, Tổng cục Thuế mới cùng Vecom tổ chức cuộc họp đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai Thông tư.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, về bản chất, một sàn TMĐT không phải là một đơn vị trả thu nhập; đây thực ra là một cái chợ công nghệ do doanh nghiệp sở hữu cung cấp để bên bán và bên mua kết nối với nhau, thực hiện được giao dịch tiện lợi với chi phí thấp nhất. Các doanh nghiệp cũng không biết ban soạn thảo Thông tư 40 khi đưa những chế định quan trọng và lớn như thế này đã kịp đánh giá tác động kinh tế - xã hội, đã lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động như quy định của luật Ban hành văn bản pháp luật hay chưa...
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, quy định trên của Thông tư 40 nhằm chống thất thu thuế nhưng cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
“Quy định trong Thông tư 40 sẽ dễ cho cơ quan quản lý thuế, nhưng gây khó cho các sàn TMĐT nên cần chỉnh sửa thêm cho hài hòa giữa vai trò quản lý thu thuế của cơ quan thuế, trách nhiệm tối cao trong kê khai nộp thuế của cá nhân kinh doanh trước pháp luật và việc hỗ trợ cơ quan thuế thông qua hoạt động kinh doanh của sàn” - ông Bùi Ngọc Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.