Các nước ứng phó ra sao với 'cơn sốt' giá dầu?

12/03/2022 06:31 GMT+7

Để giảm gánh nặng cho người dân trước “cơn sốt” của giá xăng dầu, chính phủ nhiều nước đã áp dụng các giải pháp chưa từng có tiền lệ.

Nhật, Mỹ, Trung Quốc... đều ra tay

Hồi cuối tháng 1, Chính phủ Nhật Bản quyết định thực hiện chương trình trợ giá cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này sau khi giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen (khoảng hơn 33.000 đồng)/lít lần đầu tiên sau hơn 13 năm. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản sử dụng biện pháp này. Thời gian trợ cấp sẽ kéo dài từ ngày 27.1 đến cuối tháng 3.2022, với mức trợ giá là 3,4 yen/lít. Sau đó, Nhật Bản tiếp tục nâng mức trợ cấp lên 3,7 yen/lít rồi 5 yen/lít.

Giá cả đầu vào liên tục tăng khiến doanh nghiệp đau đầu trong việc duy trì nhân công cũng như kế hoạch sản xuất

Ngọc Dương

Tuy nhiên, trước đà tăng sốc của giá xăng tuần cuối tháng 2 nên đầu tháng 3, chính phủ nước này lên kế hoạch nâng mức trợ giá cho các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu trong nước từ 5 yen/lít hiện nay lên 25 yen/lít nhằm duy trì giá bán lẻ xăng dầu ở mức khoảng 172 yen/lít. Mức trợ giá mới dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 10.3. Các chuyên gia trong nước cũng đề cập đến khả năng Nhật Bản tái kích hoạt điều khoản giảm thuế, điều kiện là giá xăng dầu vượt quá 160 yen/lít trong 3 tháng liên tiếp. Nếu điều khoản này kích hoạt, mỗi lít xăng sẽ được miễn thuế 25,1 yen khấu trừ trực tiếp vào giá bán lẻ.

Hàn Quốc vẫn đang tích cực tìm kiếm đối sách, như gia hạn quy định giảm thuế xăng dầu, hay mở kho dự trữ dầu khi xảy ra tình trạng bất ổn về cung cầu.

Tại Mỹ, đầu tháng 3, Bộ Năng lượng cam kết giải phóng 30 triệu thùng dầu thô từ Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược Mỹ (SPR) để đảm bảo nguồn cung cấp đủ dầu mỏ nhằm đáp trả việc Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine. Việc phát hành SPR này là một phần của nỗ lực phối hợp giữa 31 thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Các nước thành viên IEA khác đã đồng ý giải phóng thêm 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp của họ, nâng tổng lượng giải phóng lên 60 triệu thùng.

Trong khi đó, vào giữa tháng 1, Hãng Reuters (Anh) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc sẽ mở kho dự trữ dầu mỏ quốc gia bắt đầu vào ngày 1.2 trong khuôn khổ kế hoạch phối hợp với Mỹ và nhiều quốc gia tiêu thụ “vàng đen” lớn khác nhằm giảm giá dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên ông Lin Boqiang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng tại Đại học Hạ Môn, thành viên của ủy ban tham vấn chuyên gia thuộc Ủy ban Năng lượng quốc gia, cho rằng nguồn dự trữ hiện tại của Trung Quốc không đủ lớn nên khó có khả năng giải phóng kho dự trữ dầu để đối phó biến động ngắn hạn; và cho đến nay Trung Quốc chưa có động thái cho thấy sẽ mở kho dầu.

Khó đoán giá hàng hóa

Theo thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa VN (MXV), chỉ tính riêng từ đầu tháng 2 tới nay, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 27% và giao dịch quanh mức 115 USD/thùng. Thậm chí, có những thời điểm giá dầu thô đã lên sát mốc 140 USD/thùng, tương đương mức tăng hơn 60% chỉ trong vòng 5 tuần.

Dầu thô là tâm điểm chú ý của thị trường, nhưng mặt hàng tăng giá mạnh nhất thế giới trong thời gian qua là lúa mì. Đây là loại ngũ cốc mà Nga và Ukraine lần lượt là nước xuất khẩu lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, chiếm hơn 30% tổng nguồn cung xuất khẩu toàn cầu. Nên dễ hiểu khi giá lúa mì liên tục tăng kịch trần trên Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), có thời điểm tăng gần gấp đôi lên mức 475 USD/tấn. Ngoài ra, các mặt hàng mà Nga có thế mạnh xuất khẩu như khí đốt và kim loại màu cũng đồng loạt tăng mạnh liên tục. Trong đó đáng kể nhất là niken với mức tăng hơn 250% chỉ trong hai ngày 7 và 8.3.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV, cho biết sau chu kỳ tăng giá mạnh do ảnh hưởng từ các thông tin địa chính trị, giá hàng hóa đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Một phần do các thông tin không còn mới và giá đã tăng có phần “thái quá”, khiến giá bắt buộc phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Một phần do thị trường cần thêm thời gian để đánh giá chính xác mức độ tác động của các biện pháp cấm vận giữa Nga, Mỹ và EU trong dài hạn. Chính biến số này sẽ khiến xu hướng của giá hàng hóa trở nên khó đoán hơn trong thời gian tới. Bởi một mặt, nguồn cung các loại hàng hóa đều bị sụt giảm sẽ khiến giá hàng hóa vẫn neo ở các mức cao. Trong khi các quốc gia sẽ có xu hướng tích trữ tồn kho hàng hóa, đặc biệt là năng lượng và nông sản, dẫn đến nhu cầu tăng đột biến. Nhưng ngược lại, Mỹ sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa, trước sức ép lạm phát đang lớn hơn bao giờ hết khi CPI tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất từ năm 1982 tới nay.

“Các biện pháp Mỹ có thể sử dụng để kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa là giải phóng tồn kho dự trữ dầu, tác động để OPEC tăng sản lượng khai thác và kiềm chế giá dầu, tăng sản lượng ngũ cốc để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính lý thuyết, chưa thể tạo ra một cú sập đối với giá hàng hóa nên giá sẽ vẫn neo ở các vùng giá cao trong ít nhất 1 - 2 tháng tới”, ông Quỳnh phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.