Các nước áp dụng xét nghiệm PCR như thế nào?

07/09/2021 06:30 GMT+7

Phương pháp xét nghiệm PCR được cho là "tiêu chuẩn vàng" trong việc chẩn đoán Covid-19 nhưng nhiều nơi không còn sử dụng nó trong mọi trường hợp.

Hiện nay, hai kỹ thuật chính để xác định người có đang nhiễm virus gây Covid-19 hay không là xét nghiệm khuếch đại axít nucleic (NAAT) và xét nghiệm kháng nguyên (antigen test). Có nhiều loại xét nghiệm NAAT nhưng phương pháp thường dùng nhất là Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược thời gian thực (realtime RT-PCR, hay được gọi tắt là PCR). Phương pháp PCR được cho là "tiêu chuẩn vàng" trong việc chẩn đoán Covid-19 vì cho kết quả chính xác.

Có cần thiết phải luôn sử dụng PCR?

PCR là phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 thông qua phát hiện vật liệu di truyền của nó. Đây là phương pháp có độ chính xác cao hơn xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Tuy nhiên, để làm xét nghiệm PCR đòi hỏi các hệ thống máy móc chuyên dụng và thực hiện tại phòng thí nghiệm và kỹ thuật viên được đào tạo và khó triển khai trên quy mô lớn. Xét nghiệm này cũng đòi hỏi chi phí cao và thời gian cho kết quả phải đến vài giờ. Cộng thời gian thu gom và vận chuyển mẫu xét nghiệm dẫn đến đôi khi phải mất vài ngày mới có kết quả PCR.
Bên cạnh đó, điểm lưu ý của loại xét nghiệm này là có độ nhạy cao, dẫn đến đôi khi vẫn cho kết quả dương tính dù bệnh nhân không còn nhiều virus trong cơ thể, không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.

Mỹ thiếu hụt bộ xét nghiệm Covid-19 khi số ca nhiễm tăng cao trước ngày khai giảng

Theo phân tích của Giáo sư Marty Makary tại Đại học Johns Hopkins và Giáo sư Monica Gandhi tại Đại học California ở San Francisco (Mỹ), việc xét nghiệm người đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng có thể kéo dài đại dịch vô tận và gây lãng phí vì xét nghiệm PCR có thể phát hiện chỉ một hoặc vài phân tử virus.
Do chi phí xét nghiệm PCR quá tốn kém, chính quyền bang New South Wales của Úc hồi tháng 7 đã công bố kế hoạch xét nghiệm nhanh cho học sinh cuối cấp quay lại trường học. Kế hoạch sau đó bị hủy vì xuất hiện đợt bùng phát mới và có sự phản đối của các đơn vị thực hiện xét nghiệm PCR.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc lựa chọn phương pháp xét nghiệm Covid-19 phải dựa trên bối cảnh, gồm sự phổ biến của virus trong quần thể được xét nghiệm và tình trạng (dấu hiệu, triệu chứng...) của người được xét nghiệm.
Xét nghiệm PCR chỉ sử dụng khi cần xác định lại tính chính xác của xét nghiệm nhanh, chỉ được thực hiện nếu có triệu chứng hoặc nếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Người Mỹ nếu xét nghiệm dương tính, nhưng không có triệu chứng thì phải tự cách ly tại nhà, sau 10 ngày nếu vẫn không có triệu chứng thì có thể ra ngoài bình thường nhưng được khuyến cáo giữ các biện pháp phòng ngừa.

Một người được làm xét nghiệm PCR trước một buổi hòa nhạc tại Santiago, Chile

Reuters

Nếu biểu hiện triệu chứng sau khi xét nghiệm dương tính, người đó phải tự cách ly và chỉ được ra khỏi nhà sau 10 ngày từ khi triệu chứng xuất hiện với 2 điều kiện nữa là 24 giờ không bị sốt mà không dùng thuốc hạ sốt và các triệu chứng khác cải thiện. CDC lưu ý là khuyến cáo này không áp dụng cho người bị Covid-19 nặng hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Người Mỹ có thể tự lấy mẫu tại nhà và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm được cấp phép để làm xét nghiệm PCR. Kết quả sẽ có trong một vài ngày.

Xét nghiệm nhanh hiệu quả đến đâu?

WHO hồi tháng 6 đưa ra khuyến cáo mới trong chiến lược xét nghiệm, nêu rằng xét nghiệm PCR vẫn là tiêu chuẩn trong việc chẩn đoán, nhưng các loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh chất lượng cao, có độ nhạy 80% trở lên và độ đặc hiệu 97% trở lên so với xét nghiệm PCR cũng có thể được sử dụng để mở rộng quy mô số người xét nghiệm.
Với sự phát triển của y học, nhiều nước đã nghiên cứu thành công những bộ xét nghiệm nhanh cho kết quả chính xác có thể so sánh với PCR nhưng chi phí rẻ hơn nhiều và dễ sử dụng. Chi phí cho mỗi lần xét nghiệm PCR được CDC ước tính là 75 - 100 USD trong khi chi phí của bộ xét nghiệm nhanh chỉ từ 5 - 50 USD.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhanh tại ga tàu ở Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 3

Reuters

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng xét nghiệm nhanh chỉ hiệu quả đối với người có triệu chứng vì khi đó tải lượng virus trong cơ thể nếu có sẽ cao hơn, đạt đến ngưỡng bộ xét nghiệm có thể phát hiện. Các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà thường có 2 mẫu thử để có thể xét nghiệm cách nhau vài ngày. Như người trưởng thành không có triệu chứng, kết quả xét nghiệm nhanh lần đầu có thể là âm tính giả và CDC khuyến cáo nên tiếp tục xét nghiệm sau đó vài ngày.
Tại Anh, cơ quan y tế khuyến cáo mỗi người nên xét nghiệm nhanh 2 lần mỗi tuần và các bộ xét nghiệm này được cấp miễn phí. Tại Mỹ, có 3 bộ xét nghiệm nhanh tại nhà được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép, có loại bán với giá 20 USD, cho kết quả từ 10 - 15 phút, theo NBC News. Thái Lan sắp tới cũng bắt buộc nhân viên một số ngành phải xét nghiệm nhanh mỗi tuần.
Xét nghiệm kháng nguyên nhanh được cho là công cụ hữu ích trong việc sàng lọc thường xuyên, trên quy mô lớn, đặc biệt khi các nước mở cửa trở lại và yêu cầu xét nghiệm định kỳ tại công sở, trường học. Philippines năm ngoái cho xét nghiệm kháng nguyên nhanh để thay thế cho PCR trong việc chẩn đoán Covid-19 trong tuần đầu tiên ở người có triệu chứng. Tuy nhiên, người âm tính vẫn phải xét nghiệm lại bằng PCR. Ý cũng dùng xét nghiệm này tại một số sân bay lớn đối với người từ một số nước nguy cơ cao và nếu âm tính không cần xét nghiệm lại bằng PCR. 
Tuy xét nghiệm kháng nguyên nhanh đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng tùy theo tình hình dịch, một vài nơi vẫn ưu tiên PCR khi cần khẳng định chắc chắn, để cấp phép nhập cảnh. Tại Singapore, từ tháng 10, người làm trong các lĩnh vực nguy cơ cao sẽ phải xét nghiệm nhanh hằng tuần và nếu dương tính sẽ cách ly và xét nghiệm lại bằng PCR. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.