Các nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ giúp gì cho nông dân Việt Nam?

Quý Hiên
Quý Hiên
19/12/2022 16:38 GMT+7

Những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp đã có mặt tại Hà Nội để thảo luận về việc giúp toàn bộ nhân loại có đủ lương thực thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc.

Hôm nay 19.12, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture đã tổ chức chuỗi tạo đàm “Khoa học và cuộc sống” với các phiên thảo luận liên quan tới 3 lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, sức khỏe.

Đây là một trong những hoạt động chính của tuần lễ khoa học trước lễ trao giải thưởng VinFuture diễn ra vào tối mai 20.12.

Toàn cảnh phiên thảo luận “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”

Thanh Lâm

Nhà khoa học có thể hỗ trợ gì cho nông dân?

Tham dự thảo luận phiên “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới” của tọa đàm là những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà khoa học đã cùng trao đổi về khả năng chống chịu bền vững của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu; về việc hỗ trợ người nông dân, những người đảm bảo lương thực thực phẩm cho toàn thế giới trong thế kỷ mới.

GS Pamela Ronald, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và khả năng chịu áp lực môi trường của sinh vật ở ĐH California, Davis, Mỹ, người được biết đến với vai trò hàng đầu trong việc phân lập gen kháng ngập (Sub1) của lúa, đã chia sẻ những thành tựu mà các nhà khoa học đạt được tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

GS Pamela Ronald trình bày tại phiên thảo luận

Thanh Lâm

GS Pamela cho biết, biến đối khí hậu đã gây ngập úng ở nhiều nơi. Riêng tại Nam Á và Đông Nam Á, ngập úng khiến nông dân thất thoát 4 triệu tấn lúa mỗi năm. Các nhà nghiên cứu tại IRRI đã tìm ra công nghệ cô lập gen kháng ngập (Sub1) giúp lúa chịu ngập tốt trong khoảng 2 tuần, trong khi giống khác chỉ chịu được 3 ngày.

Gen chống ngập Sub1 đã được nhà khoa học David Mackill đưa vào một số giống lúa, được trồng thử nghiệm ở Ấn Độ, Bangladesh. Dự án thành công, năm vừa qua 6 triệu nông dân toàn cầu đã trồng giống lúa có gen Sub1. Lúa có gen Sub1 có sản lượng cao hơn các giống lúa truyền thống hơn 45%. Giờ đây, nhiều người dân ở Đông Á không còn lo mùa màng sẽ bị mất trắng khi xảy ra ngập lụt như trước nữa.

“Điều này thêm một lần nữa mang lại niềm tin và sự hy vọng trong cộng đồng các nhà khoa học, để họ tiếp tục tìm kiếm các phát minh, sáng kiến đổi mới sáng tạo thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông nghiệp phát triển. Bởi nông nghiệp càng phát triển thì càng ít người dân phải chịu sự nghèo đói”, GS Pamela nói.

TS Van Schepler-Luu, Trưởng bộ môn Bệnh thực vật và tính kháng của cây ký chủ tại IRRI, chia sẻ việc các nhà khoa học tìm mô hình dự báo toàn cầu để biết và dự báo khả năng bùng nổ dịch bệnh trong trồng trọt. Còn GS Claudia Wagner-Riddle, ĐH Guelph Canada, nói về vai trò của đất trồng trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp. GS Josse De Baerdemaeker, KU Leuven, Bỉ, nói về nông nghiệp chính xác và thông minh giúp cho hệ thống nông nghiệp bền vững.

Thuyết phục nông dân qua minh chứng thực tế

Trong phiên thảo luận, một nhà khoa học Việt Nam cho biết, bà và các đồng nghiệp đã dùng gen Sub1 trong lúa của GS Pamela Ronald để tạo ra những giống lúa kháng ngập tốt.

Tuy nhiên, người nông dân cần nhiều loại gen giúp lúa có khả năng chịu ngập, vì có giống chịu ngập tốt nhưng năng suất thấp, để tạo được nhiều giống lúa ở điều kiện bình thường và điều kiện ngập, mà cho năng suất tốt.

TS Van Schepler-Luu (trái) và GS Claudia Wagner-Riddle

GS Pamela Ronald cho rằng, việc mang gen Sub1 vào ứng dụng ở một địa phương cần quan tâm tới thị hiếu của nông dân ở địa phương đó. Có những gen khác, ngoài chịu ngập còn cao sản và khả năng kháng bệnh tốt. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cần tìm cách để phối hợp các gen này lại với nhau để có giống lúa hội tụ nhiều ưu điểm, như vừa giàu dinh dưỡng, vi chất, vitamin…, vừa chịu ngập, có khả năng kháng bệnh.

Tại IRRI hiện có 100.000 giống cây trồng và Việt Nam là nguồn cung giống cấp dồi dào. Trong đó, các nhà khoa học có thể tìm được những loại có thể thích ứng tốt với một số điều kiện nhưng năng suất không cao, để sửa gen cao sản, khiến chúng vẫn mang những đặc điểm người dân yêu thích mà năng suất vẫn cao.

“Đây là điều mà chúng tôi và IRRI đang hợp tác nghiên cứu. Chúng tôi đã tới các cánh đồng ở Việt Nam, Bangladesh… Với dữ liệu đã có và các chuyên gia tài năng, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề”, GS Pamela cho biết.

Trước thực tế sản xuất ở Việt Nam là hộ nông dân quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu sơ sài, người nông dân quen làm việc theo lối thủ công, nên rất khó để ứng dụng khoa học công nghệ, các nhà khoa học cho rằng mọi vấn đề đều có giải pháp.

GS Josse De Baerdemaeker, KU Leuven, Bỉ, cho rằng trước hết là tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân rồi mới chỉ ra các lợi ích và thuyết phục họ sử dụng các trang thiết bị hiện đại.

“Chính phủ cần tổ chức hoạt động khuyến nông hiệu quả. Ngoài ra, khi chúng ta có cơ sở dữ liệu nông dân tỉnh thành khác đã ứng dụng trang thiết bị hiện đại đạt được thu nhập ra sao thì chúng ta mới khuyến khích người khác được. Chúng ta cần dữ liệu chính xác, trên diện tích cụ thể, người nông dân cụ thể, ở đâu, ứng dụng được lợi bao nhiêu tiền”, GS Baerdenmaeker nói.

GS Claudia Wagner-Riddle nêu quan điểm: “Người nông dân hay tư duy theo cách là trước nay vẫn làm thế và vẫn ổn, cần gì thay đổi! Vậy chúng ta cần quay lại chuyện nâng cao nhận thức, như đầu tư vào khoa học công nghệ sẽ cải thiện năng suất trong dài hạn, giúp giữ nước tốt hơn, mang lại sản lượng tốt hơn... Chúng ta cần đưa ra ví dụ cho họ, so sánh hiệu quả sản xuất của các hộ dân khác nhau, giới thiệu mô hình thành công, mời những người nông dân đã làm thành công tới chia sẻ. Còn nếu nhà khoa học chỉ nói suông thôi thì họ không tin”.

Khoa học công nghệ đóng góp khoảng 1/3 giá trị gia tăng trong nông nghiệp Việt Nam

Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH-CN, hiện nay nhiều nông sản thương hiệu Việt đã hiện diện và chinh phục được các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, được người tiêu dùng quốc tế đón nhận.

Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

“Thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được”, ông Duy bày tỏ và cho biết thêm: Bộ KH-CN hoan nghênh những sáng kiến mang tính đột phá của Quỹ VinFuture. Việc quỹ này tổ chức chuỗi các hoạt động thường xuyên, các sự kiện quy mô nhằm kết nối cộng đồng khoa học thế giới và Việt Nam, đã thúc đẩy các trao đổi học thuật ở phạm vi quốc tế, đồng thời thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại", ông Duy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.