Các nhà khoa học hàng đầu thế giới bàn về 'cơ hội cho VN'

Quý Hiên
Quý Hiên
20/12/2023 07:06 GMT+7

Chiều qua 19.12, phiên tọa đàm cuối cùng với chủ đề 'Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức' do Quỹ VinFuture tổ chức tại Hà Nội đã khép lại chuỗi tọa đàm 'Khoa học vì cuộc sống'.

Mở "chiếc hộp đen" AI

Tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học cho rằng tiến bộ trong nghiên cứu AI (trí tuệ nhân tạo) đã mở ra triển vọng đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế. Các công ty và tổ chức nghiên cứu có thể tận dụng sức mạnh tính toán của AI để tăng cường năng suất và giảm thời gian nghiên cứu. Nhờ đó, chi phí sản xuất được tiết giảm, khả năng đổi mới được tăng cường, giúp tạo ra môi trường làm việc thú vị và cạnh tranh, tiết kiệm công sức của con người trong những phần việc truyền thống.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới bàn về 'cơ hội cho VN' - Ảnh 1.

Hội thảo về trí tuệ nhân tạo diễn ra ngày 19.12

T.N

Tuy nhiên, AI đã đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an ninh và sự bình đẳng trong tiếp cận, đặc biệt khi khả năng của AI ngày càng lớn. Các thách thức có thể đến từ việc sức mạnh của AI bị sử dụng vào mục đích xấu; AI đưa ra quyết định thiếu toàn diện trong những tình huống khó xử về mặt đạo đức; hoặc quyền kiểm soát năng lực khổng lồ của AI nằm trong tay một nhóm thiểu số...

"AI chỉ được đào tạo và xây dựng bằng dữ liệu. Nếu dữ liệu bạn thu thập bị sai lệch, điều đó sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng và quyết định cũng sẽ bị sai lệch", TS Xuedong Huang, Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Zoom (Mỹ), thành viên hội đồng Giải thưởng VinFuture, khuyến cáo và cho biết thêm bản thân mô hình AI cũng không hoàn hảo. Vì vậy, cần thực sự phát triển một lớp sàng lọc để đảm bảo rằng nội dung đầu ra từ AI đáp ứng các tiêu chuẩn cộng đồng.

Các nhà khoa học cũng thảo luận về chính sách phát triển AI tại các nước đang phát triển, đặc biệt là VN, trong bối cảnh AI đang là cuộc đua mới của các quốc gia. Theo TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI, thách thức với các nước như VN là không cạnh tranh được về nguồn lực với các tập đoàn đa quốc gia, những nơi có nhiều tài nguyên tính toán. Tuy nhiên, cá nhân ông hy vọng mô hình nhỏ vẫn có đất sống dù điều kiện và nguồn lực hạn chế.

Còn theo GS Leslie Gabriel Valiant, chuyên gia về khoa học máy tính và toán ứng dụng của ĐH Harvard, thành viên hội đồng Giải thưởng VinFuture, việc xây dựng tập dữ liệu tốt là tiền đề quan trọng và không dễ thực hiện, nhưng một số nước đang phát triển nguồn lực hạn chế có thể sử dụng những gì đang có và dễ kiếm để đáp ứng nhu cầu. "AI là cơ hội để tạo bình đẳng cho tất cả. Có thể ứng dụng AI trong giảng dạy, đào tạo máy móc theo nhu cầu con người. Tất cả có thể tham gia cuộc chơi này", GS Leslie Gabriel Valiant nói.

Phát triển ngành bán dẫn cần đầu tư cho đại học

Trước đó, ngày 18.12, trong phần thảo luận của phiên "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại", các chuyên gia hàng đầu thế giới về bán dẫn cũng đã gợi mở câu trả lời cho câu hỏi "Cơ hội nào cho VN" khi thảo luận về sự phát triển hiện nay của ngành công nghiệp đòi hỏi sự đầu tư đắt đỏ này.

GS Teck-Seng Low, Phó chủ tịch cấp cao tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), cho biết bài học của Singapore trong việc phát triển ngành bán dẫn là có nguồn lực tài chính lớn để đầu tư vào con người và hợp tác với các trường ĐH hàng đầu thế giới về nghiên cứu lĩnh vực này. Với VN hay bất kỳ nước nào, con đường phát triển ngành bán dẫn vẫn phải bắt đầu từ những phòng lab được đầu tư từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, VN có thể khởi động với chi phí ban đầu hợp lý khi hợp tác với mô hình khởi nghiệp. Trong kỷ nguyên mới này, các nước đi sau và chưa có tiềm lực tài chính dồi dào vẫn có thể bước vào ngành công nghiệp bán dẫn với các cơ hội đầu tư nhỏ nhưng hiệu quả.

"Hằng năm, Singapore chi 5 tỉ USD cho nghiên cứu, nhưng số tiền này sẽ trở nên vô ích nếu chúng tôi không có nhân lực tài năng để phát triển. Vì vậy, chiến lược thu hút nhân lực giỏi trong lĩnh vực bán dẫn là yếu tố tiên quyết khi các bạn muốn bắt tay thực sự vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ này", GS Teck-Seng Low cho biết.

GS Vivian Yam (ĐH Hồng Kông), thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nêu ý kiến: "Có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ. Chính phủ có thể đầu tư vào các trường ĐH, điều này quan trọng. Hai nguồn vốn ban đầu rất quan trọng, gồm vốn vật chất và vốn con người".

GS Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Santa Barbara, Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, cùng quan điểm: "Các trường ĐH cần đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho bán dẫn. VN đang thiếu nguồn nhân lực cao này. Cần tạo điều kiện cho các em vừa học vừa thực hành tại doanh nghiệp. VN là quốc gia đang phát triển thì cần cơ sở hạ tầng dùng chung, đây là phương thức quan trọng để thúc đẩy thu hút nhà đầu tư".

Ngoài 2 phiên về bán dẫn và AI, chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" còn có 2 phiên "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn" và "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh". Chuỗi tọa đàm là hoạt động trong Tuần lễ VinFuture, một sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu.

Hôm nay 20.12, Tuần lễ VinFuture tiếp tục với chuỗi đối thoại "Khám phá tương lai VinFuture". Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho VN, với sự tham gia của 9 viện nghiên cứu, trường ĐH lớn nhất VN và các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tối nay 20.12, lễ trao giải VinFuture 2023, tâm điểm được mong chờ nhất của Tuần lễ VinFuture, diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Đây là sự kiện vinh danh những nhà phát minh của những công trình đột phá, "chung sức toàn cầu" góp phần kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, được bình chọn từ gần 1.400 dự án nghiên cứu tới từ hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.