Các KCN phía bắc thiếu hụt lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
25/02/2022 06:46 GMT+7

Sau tết, nhiều KCN tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đang thiếu hụt hàng nghìn lao động (LĐ). Dịch Covid-19 gia tăng với nhiều ca F0 trong cộng đồng khiến các doanh nghiệp tuyển dụng rất khó khăn.

Thưởng tiền, xây nhà thu hút LĐ

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bắc Giang, 2 tháng đầu năm, tỉnh này thu hút được 303,3 triệu USD vốn đầu tư, bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cấp mới 4 dự án với số vốn đăng ký đạt 222 tỉ đồng và 5 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 102,7 triệu USD. Có 170 doanh nghiệp được thành lập mới. Ông Huế cho hay: “Do nhiều doanh nghiệp (DN) thành lập mới và mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng quý 1/2022 trên địa bàn tỉnh khoảng 35.000 người. Đơn cử, Công ty TNHH Công nghệ Lens VN tuyển 3.000 công nhân; Công ty CP Vinhome tuyển 9.000 công nhân, tập trung vào ngành điện tử, xây dựng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vô cùng khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca F0 có chiều hướng gia tăng, nguồn tuyển dụng sau tết khan hiếm”.

NLĐ chờ DN phỏng vấn tại Trung tâm DVVL Bắc Giang sáng 24.2

V.Huế

Mặc dù số LĐ quay trở lại làm việc sau tết đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối, song với nhu cầu mở rộng sản xuất và tuyển nguồn dự phòng, Công ty TNHH Crystal Martin (KCN Quang Châu, Bắc Giang) vẫn đang cần tuyển gần 1.000 LĐ, tuổi từ 18 trở lên. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty TNHH Crystal Martin, chia sẻ: “Từ tuần này, số ca F0 tại các DN trong KCN bắt đầu tăng lên, riêng công ty tôi có khoảng 100 F0, chưa kể F1. Số LĐ đến tuyển dụng cũng sụt giảm đáng kể. Nếu tuần trước mỗi ngày có 30 người đến tuyển dụng thì ngày 23.2 chỉ có 10 người. NLĐ vẫn còn tâm lý e ngại, lo sợ khi đi làm, nhất là tại các KCN tập trung đông người; nhiều đơn vị, DN không thể xuống tận các địa phương để tuyển dụng LĐ…”.

Cuối năm 2021, để tuyển dụng được LĐ, công ty này cũng đã có chính sách thưởng 3 triệu đồng cho mỗi công nhân nếu tìm được LĐ mới làm việc tại công ty từ 3 tháng trở lên. Để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất các đơn hàng, sau tết, lãnh đạo công ty cũng đang bàn tính giải pháp tuyển dụng LĐ dự phòng thay cho những LĐ là F1, F0 đang nghỉ cách ly.

Chủ tịch Công đoàn một DN ở KCN Điềm Thụy (Thái Nguyên) cũng cho hay, nhiều công nhân trở thành F0, F1, trong khi đơn hàng cần gấp nên công ty đang cần tuyển 400 LĐ vào làm việc. Ngoài đăng tải các thông tin tuyển dụng trên website của công ty, mạng xã hội, tờ rơi,… DN này còn thưởng 200.000 cho công nhân của công ty nếu tìm kiếm được LĐ mới. Dù vậy, đến nay vẫn chưa tuyển đủ.

Tương tự, tại Bắc Ninh, ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý LĐ (Ban Quản lý KCN Bắc Ninh), cho hay tỷ lệ LĐ quay trở lại làm việc sau tết gần 98%, cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, do nhiều DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên có nhu cầu tuyển dụng LĐ mới với số lượng thiếu hụt khoảng 5.000 - 6.000 LĐ. “Hiện nay, nhiều địa phương cũng mở ra các KCN, thu hút LĐ trong tỉnh nên nhiều LĐ không có ý định đi làm ăn xa. Để thu hút LĐ ngoại tỉnh đến Bắc Ninh làm việc, chính quyền địa phương hỗ trợ bố trí nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện cho con em công nhân đi học, tạo môi trường sống tốt… DN chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng đơn đặt hàng với các trường nghề để đào tạo số LĐ có tay nghề kỹ thuật”, ông Sơn thông tin.

Tăng kết nối tuyển dụng giữa các địa phương

Trước nhu cầu tuyển dụng LĐ tại các KCN phía bắc tăng cao, ngày 24.2, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối 6 tỉnh, thành, gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, và Bắc Giang. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, cho hay: “Phiên giao dịch này có quy mô lớn nhất từ sau tết với sự tham gia của 90 đơn vị, DN với chỉ tiêu tuyển dụng lên tới gần 20.000 người. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là LĐ làm việc tại các KCN của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương,… với mức lương từ 5 - 20 triệu đồng/tháng”.

Dự báo của các địa phương cho thấy tình hình thiếu hụt LĐ vẫn còn tiếp tục gia tăng trong quý 1/2022. Ông Thành cho biết Trung tâm DVVL Hà Nội đang tính đến việc tổ chức phiên giao dịch việc làm online tiếp theo vào tháng 3. Đây là cơ hội thuận lợi cho DN bị thiếu hụt LĐ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuyển chọn được các ứng viên phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh dần từng bước phục hồi các hoạt động cũng như sự phát triển kinh tế Hà Nội và các tỉnh lân cận. “Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc tổ chức hình thức kết nối việc làm online sẽ giúp LĐ có nhiều thông tin về thị trường LĐ, kết nối cho NLĐ bị mất việc làm, thay đổi việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 sớm tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng của bản thân, tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp linh hoạt trong tình hình mới được đưa ra, hy vọng sẽ có những có những chuyển biến tích cực”, ông Thành chia sẻ.

Từ kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực LĐ, việc làm, ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý LĐ (Ban Quản lý KCN Bắc Ninh), cho rằng: “Việc thiếu hụt LĐ một mặt nào đó cho thấy dấu hiệu tích cực, tình hình sản xuất kinh doanh nhiều khởi sắc, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới, mở rộng quy mô sau dịch Covid-19… Bên cạnh đó, việc thiếu hụt LĐ xét về khía cạnh nào đó cũng phần nào tác động đến thay đổi chính sách tại các DN. Muốn giữ chân LĐ, DN buộc phải quan tâm đến cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho NLĐ, nâng lương cho NLĐ…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.