Các hãng xe máy tìm đến thị trường ngách, cửa hàng không chính hãng gặp khó

Trần Hoàng
Trần Hoàng
18/01/2024 14:14 GMT+7

Sức mua xe máy sụt giảm, nhiều hãng xe như Honda, Yamaha tìm đến các thị trường ngách với những phân khúc vốn từng được xem như "đất sống" của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xe không chính hãng khiến những đơn vị này gặp khó khăn.

Trong bối cảnh doanh số bán xe máy tại Việt Nam ngày càng sụt giảm, những động thái mới nhằm mở rộng tệp khách hàng, níu giữ thị phần của các "ông lớn" trên thị trường như Honda, Yamaha… đang đẩy các doanh nghiệp nhỏ vốn là các cửa hàng không chính hãng chuyên kinh doanh xe máy nhập khẩu ngày càng lâm vào thế khó.

Thị trường xe máy Việt Nam năm 2022 có gì nổi bật?

Thị trường ngách đang bị các "ông lớn" tranh giành

Trước đây, bất chấp sự đa dạng về danh mục xe máy Honda, Yamaha tại Việt Nam, nhiều cửa hàng không chính hãng chuyên kinh doanh xe vẫn "sống khoẻ" nhờ việc khai thác vào thị trường ngách với những mẫu mã, phân khúc chưa được hãng khai phá.

Các hãng xe máy tìm đến thị trường ngách, cửa hàng không chính hãng gặp khó- Ảnh 1.

Trước đây, khách hàng muốn mua những mẫu xe tay ga như Vario 160 sẽ phải tìm đến các cửa hàng xe máy nhập khẩu

Bá Hùng

Trong giai đoạn trước năm 2022, để mua một chiếc Honda Vario, khách Việt có tìm đỏ mắt tại các đại lý ủy nhiệm (HEAD) của Honda Việt Nam (HVN) cũng không có. Thay vào đó, phải lân la ra các "phố xe máy" nơi tập trung những cửa hàng không chính hãng chuyên kinh doanh xe máy nhập khẩu may ra mới mua được. Ở thời điểm đó, với việc HVN chưa phân phối xe Honda Vario 125 hay Vario 160, nhiều cửa hàng thường tận dụng cái "ngách" này để nhập khẩu xe từ các nước như Thái Lan, Indonesia… về bán kiếm lời.

Số lượng cửa hàng kinh doanh xe không chính hãng không nhiều và phổ biến như đại lý ủy nhiệm của Honda hay Yamaha, lượng xe nhập về cũng khá hạn chế về màu sắc. Chính vì vậy, những mẫu xe nhập khẩu như Honda Vario, Honda Scoopy, Honda ADV hay Yamaha XSR 155… thường bị các cửa hàng "hét giá" trên trời. Tuy nhiên, với yếu tố xe nhập, mới lạ… nhiều khách hàng tại Việt Nam vẫn sẵn sàng xuống tiền mua xe thay vì những dòng xe lắp ráp trong nước như Honda Air Blade vốn đã quá phổ biến, quen thuộc.

Nhờ việc tận dụng các thị trường ngách với nhiều mẫu mã, phân khúc khác nhau… nhiều cửa hàng xe máy không chính hãng vẫn "ăn nên làm ra" với vài chục đến cả trăm xe bán ra mỗi tháng.

Các hãng xe máy tìm đến thị trường ngách, cửa hàng không chính hãng gặp khó- Ảnh 2.

Honda Vario 125 được một cửa hàng nhập khẩu, phân phối vào cuối năm 2022

Bá Hùng

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn hơn trong khoảng 2 năm trở lại đây khi sức mua trên thị trường xe máy Việt Nam dần chững lại rồi "lao dốc". Thị trường được nhận định bước vào giai đoạn bão hòa cùng với sự phát triển nhanh của dòng xe máy điện khiến thị phần của Honda, Yamaha… cũng như các đại lý ủy nhiệm dần bị thu hẹp.

Chính vì vậy, để mở rộng tệp khách hàng, vớt vát doanh số để hy vọng níu giữ thị phần, các "ông lớn" như Honda, Yamaha… đã tìm đến những thị trường ngách. Dù phân khúc xe tay ga tầm trung đã có những mẫu mã như Honda Air Blade 125, Air Blade 160… nhưng từ cuối năm 2022, HVN lần lượt tung ra thị trường bộ đôi Honda Vario 125 hay Vario 160. Trong đó, Vario 160 lắp ráp trong nước, Vario 125 nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Yamaha cũng bắt đầu phân phối chính hãng xe côn tay XS155R vốn là tên gọi khác của dòng Yamaha XSR 155 được các cửa hàng không chính hãng phân phối trước đây. Không những vậy, vào cuối năm 2023, hãng xe này cũng tung ra thị trường chiếc PG-1 để khai phá phân khúc xe máy số địa hình.

Các hãng xe máy tìm đến thị trường ngách, cửa hàng không chính hãng gặp khó- Ảnh 3.

Yamaha tung ra thị trường chiếc PG-1 để khai phá phân khúc xe máy số địa hình

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, cửa hàng không chính hãng gặp khó

Sự xuất hiện của Yamaha PG-1 khiến không ít cửa hàng không chính hãng nhập khẩu phân phối mẫu xe Honda Cross Cub 110 vốn cùng phân khúc phải "xuống nước". Cụ thể, tại thời điểm mới được đưa về Việt Nam, một số cửa hàng phân phối Cross Cub 110 "hét giá" mẫu xe này lên tới 80 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đối thủ cạnh tranh Yamaha PG-1 bắt đầu xuất hiện và được khách hàng đón nhận, nhiều cửa hàng phải hạ giá Honda Cross Cub 110 về mức dưới 60 triệu đồng để hy vọng kiếm được khách mua.

Tương tự, ở phân khúc xe tay ga việc các đại lý ủy nhiệm phân phối bộ đôi Honda Vario 125 hay Vario 160 cũng khiến áp lực cạnh tranh với những cửa hàng không chính hãng đang "ôm" những lô xe Vario 125, Vario 160 ngày càng tăng. Việc Vario 125, Vario 160 do HVN phân phối không có nhiều khác biệt về thiết kế, công nghệ, vận hành… lại được áp dụng chính sách bảo hành, bảo dưỡng chính hãng đã khiến không ít khách hàng tìm đến các HEAD để mua xe. Điều này khiến lượng xe Vario 125, Vario 160 tồn kho tại các cửa hàng không chính hãng ngày càng tăng trong giai đoạn cuối năm 2023. Một số cửa hàng phải chấp nhận giảm giá bán để "xả hàng".

Các hãng xe máy tìm đến thị trường ngách, cửa hàng không chính hãng gặp khó- Ảnh 4.

Nhiều cửa hàng phải hạ giá Honda Cross Cub 110 về mức dưới 60 triệu đồng để hy vọng kiếm được khách mua

Trước đó, việc Suzuzki Việt Nam phân phối bộ đôi Suzuki Raider và Satria, Yamaha mở bán XS155R… cũng khiến một số cửa hàng không chính hãng gặp khó khi không thể cạnh tranh.

Có thể thấy, việc các nhà sản xuất, phân phối xe máy chính hãng mở rộng danh mục sản phẩm sang các phân khúc vốn từng được xem là thị trường ngách đang khiến "đất làm ăn" của nhiều cửa hàng kinh doanh xe không chính hãng bị thu hẹp. Tuy nhiên, điều này lại mang đến lợi ích cho khách hàng mua xe, bởi khi tính cạnh tranh giữa các đại lý ủy nhiệm và cửa hàng không chính hãng ngày càng gia tăng, giá bán một số mẫu xe càng giảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.