Các giả thuyết về viêm gan 'bí ẩn' ở trẻ

09/05/2022 06:29 GMT+7

Trong chưa đầy 1 tháng, nhiều nước ghi nhận số ca viêm gan nặng xuất hiện với tần suất chưa từng có ở bệnh nhi.

Kể từ khi Anh thông báo những ca đầu tiên vào ngày 5.4, căn bệnh nhanh chóng lây lan khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á (bao gồm Đông Nam Á), Trung Đông. Hàng chục trường hợp phải ghép gan, và đến nay chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đến hôm qua, số ca viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em đã vượt ngưỡng 300 và lan đến khoảng 20 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó ít nhất 5 trường hợp tử vong.

Các nước đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em

AFP

Trong khi đó, thông tin về chứng viêm gan “bí ẩn” vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhất trí rằng vi rút gây viêm gan A, B, C, D hoặc E không liên quan đến những trường hợp bùng phát dịch viêm gan mới nhất.

Hiện vẫn chưa xác lập được sự liên hệ cụ thể giữa căn bệnh này và vi rút Corona chủng mới SARS-CoV-2. Giới chuyên gia cũng bác bỏ sự liên quan với vắc xin Covid-19, theo báo cáo trên trang Medscape. Ví dụ, trong cuộc nghiên cứu hôm 29.4, các nhà điều tra của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) không tìm thấy chứng cứ giữa vi rút gây bệnh Covid-19 và 9 trường hợp viêm gan ở trẻ của tiểu bang Alabama.

Vi rút Adeno hiện là nghi phạm gây viêm gan “bí ẩn”.

Theo báo cáo ngày 6.5, cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) ghi nhận trong số 163 ca viêm gan ở Anh, 126 trường hợp được xét nghiệm vi rút Adeno và kết quả là 72% số ca dương tính với vi rút này. Hơn phân nửa số ca ở Mỹ cũng dương tính với vi rút Adeno. Hiện có khoảng 50 loại vi rút Adeno có thể lây nhiễm cho người, trong số này có các vi rút gây cảm thông thường, đau mắt đỏ, đau dạ dày - ruột.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Anh đang điều tra dịch bệnh “bí ẩn” cho rằng những đợt phong tỏa Covid-19 tái diễn và kéo dài có lẽ góp phần khiến dịch viêm gan bùng phát. Theo họ, việc hạn chế tiếp xúc công cộng làm suy yếu hệ miễn dịch ở trẻ, khiến chúng dễ bị vi rút Adeno tấn công. Một giả thuyết khác là có lẽ vi rút Adeno đã xuất hiện đột biến bất thường, cho phép chúng lây lan nhanh hơn hoặc xâm nhập hàng rào miễn dịch ở trẻ dễ hơn.

Truyền thông Anh đưa tin các chuyên gia của UKHSA cũng không loại trừ biến thể mới của SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ, nhưng giả thuyết này vẫn đang được cân nhắc. “Đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng vi rút Adeno có lẽ là nguyên nhân gây bệnh, nhưng không loại trừ các yếu tố môi trường và tình huống trên thực tế”, theo CDC hôm 29.4.

Cũng tính đến ngày 6.5, Mỹ ghi nhận 109 trường hợp ca viêm gan nặng ở trẻ, trong đó 90% phải nhập viện và 14% phải được ghép gan. Một số ca tử vong được phát hiện tại Mỹ đến thời điểm này, Đài CNBC đưa tin. Trong khi đó, Anh hiện là nước ghi nhận số ca viêm gan “bí ẩn” cao nhất với hơn 163 trường hợp mắc bệnh, 11 ca phải được ghép gan.

Theo Trường Y của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi viêm gan đã diễn tiến thì các liệu pháp chủ yếu tập trung vào nỗ lực ngăn chặn tổn hại thêm cho gan, đảo ngược các tổn hại đã xảy ra nếu có thể và giảm triệu chứng. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh này và không ít trường hợp cần phải được ghép gan.

Tuy nhiên, WHO cho biết khả năng mắc bệnh viêm gan nặng ở trẻ là “cực kỳ thấp”. Về biện pháp phòng ngừa, giới chuyên gia khuyên người lớn nên giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay thường xuyên để chống mầm bệnh lây lan. Trẻ cũng nên được chỉ dẫn tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng, tránh tiếp xúc gần người bị bệnh.

Ăn uống vệ sinh đúng cách

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, vi rút B và C lây qua đường máu tấn công nhanh gây viêm gan rất nhanh. Vi rút A và E lây qua đường tiêu hóa gây tiêu chảy, ói, đau bụng; một tỷ lệ rất thấp đi vào gan gây viêm gan cấp, có một tỷ lệ rất thấp gây viêm gan tối cấp đến mức gan teo lại, suy tế bào gan, gan không lọc được nhiều chất và ảnh hưởng đến não. Bản chất của viêm gan siêu vi không lây theo đường máu thì nó sẽ biểu hiện bằng bản chất của vi rút, có thể gây viêm gan hoặc không, tùy theo cơ địa.

Theo bác sĩ Khanh, nếu như do vi rút Adeno (gây viêm gan cấp) thì không còn cách nào để cản được vì nó lây rất nhanh. Vi rút Adeno lây qua đường hô hấp và “hoành hành” thường xuyên trong đường hô hấp, gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ), bệnh cảm xong thì ho dữ dội. “Nếu đã là do vi rút Adeno thì nó đã lây cho nhiều người, một số biểu hiện hô hấp, một số đau bụng tiêu chảy và tự hết, nhưng cũng có một số người bị vào gan gây viêm gan cấp và cũng có ca tự hết, một số ca không hồi phục phải ghép gan hoặc tử vong”, bác sĩ Khanh nói và khuyến cáo: “Nhiệm vụ của người dân là theo dõi sức khỏe, ăn uống vệ sinh, rửa tay và mang khẩu trang đúng cách. Mọi người cần hết sức bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Không để người ta “dọa” khi có ói, tiêu chảy… mà dẫn đi siêu âm, thử máu”.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì bệnh do vi rút Adeno thuộc nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Không có quy định về kiểm dịch y tế biên giới.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.