Các đội Đông Nam Á không hơn Việt Nam, dù ồ ạt nhập tịch cầu thủ

22/12/2023 10:03 GMT+7

Không chỉ Indonesia, Malaysia cũng ồ ạt sử dụng cầu thủ nhập tịch. Dù vậy, chưa chắc các đội này mạnh hơn đội tuyển Việt Nam.

Malaysia đã công bố danh sách 26 cầu thủ chuẩn bị cho Asian Cup 2023. Đáng chú ý, trong danh sách này có đến 10 cầu thủ sinh ra ở các nước châu Âu, Úc hoặc Nam Mỹ.

Đó là hậu vệ phải Matthew Davies (gốc Úc), hậu vệ trái La'Vere Corbin-Ong (gốc Anh), tiền vệ Stuart Wilkin (gốc Anh), Endrick (gốc Brazil), Brendan Gan (gốc Úc), Natxo Insa (gốc Tây Ban Nha), tiền đạo Darren Lok (gốc Anh), Mohamadou Sumareh (gốc Gambia), Paulo Josué (gốc Brazil) và Romel Morales (gốc Colombia).

Các đội Đông Nam Á không hơn Việt Nam, dù ồ ạt nhập tịch cầu thủ- Ảnh 1.

Malaysia sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch

AFC

Nếu tính luôn trung vệ Dominic Tan sinh ra ở Singapore, quốc gia láng giềng với Malaysia, số lượng cầu thủ sinh ra ở nước ngoài của đội tuyển Malaysia lên đến 11 người.

Trước Malaysia, Indonesia cũng công bố 29 cầu thủ, trong đó có đến 8 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài. Đấy là danh sách đội Indonesia sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn, chuẩn bị cho Asian Cup 2023 (diễn ra từ ngày 12.1.2024 đến 10.2.2024).

Dẫn dắt các đội tuyển Malaysia và Indonesia hiện tại lần lượt là HLV Kim Pan-gon và Shin Tae-yong, đều là những người Hàn Quốc.

Quan điểm của hai HLV này là muốn thay đổi chất lượng của đội tuyển Malaysia và Indonesia ngay lập tức. Thế nên, họ rất tích cực sử dụng cầu thủ nhập tịch. Dù vậy, quan điểm của các HLV Kim Pan-gon ở Malaysia và HLV Shin Tae-yong ở Indonesia đang vấp phải sự chỉ trích của giới bóng đá và một bộ phận người hâm mộ các nước này.

Những người phản đối các HLV kể trên cho rằng việc sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch khiến bản sắc của các đội Malaysia và Indonesia giảm đi đáng kể. Đồng thời, việc nhập tịch ồ ạt cho các cầu thủ gốc ngoại vẫn chưa giúp Malaysia và Indonesia mạnh lên.

Bằng chứng là Indonesia khởi đầu rất chật vật tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Indonesia thua đậm Iraq đến 1-5 ngày 16.11 và chỉ hòa Philippines 1-1 vào ngày 21.11, xếp cuối bảng F (bảng đấu này gồm Indonesia, Philippines, Iraq và đội tuyển Việt Nam).

Các đội Đông Nam Á không hơn Việt Nam, dù ồ ạt nhập tịch cầu thủ- Ảnh 2.

Indonesia chưa thành công dù dùng nhiều cầu thủ nhập tịch

AFC

Trong khi đó, Malaysia chưa có thành tích gì đáng kể trong vài năm trở lại đây, khi thường xuyên thua đội tuyển Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau: Đội tuyển quốc gia Malaysia thua đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á (diễn ra từ năm 2019 - 2021), thua ở AFF Cup 2022. Trong khi đó, đội tuyển U.23 Malaysia thua U.23 Việt Nam ở SEA Games 32, thua ở giải U.23 Đông Nam Á năm 2023.

Còn với Indonesia, nếu đội này không thể vượt qua đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 tới đây, khả năng cao HLV Shin Tae-yong sẽ mất việc, đồng thời chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch có thể được giới bóng đá Indonesia tính toán lại.

Lần gần nhất bóng đá Indonesia có chiến thắng quan trọng trước đại diện của bóng đá Việt Nam là ở bán kết SEA Games 32 hồi tháng 5 tại Campuchia. Nhưng khi đó, U.23 Indonesia sử dụng đội hình thuần nội, do HLV nội Indra Sjafri dẫn dắt, chứ không phải đội hình có nhiều cầu thủ nhập tịch được dẫn dắt bởi HLV Shin Tae-yong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.