Các đập thủy điện Trung Quốc bất ngờ xả nước kỷ lục vào dòng Mekong

Chí Nhân
Chí Nhân
29/05/2023 15:05 GMT+7

Trong trung tuần tháng 5 (từ ngày 15 - 21.5) các đập thủy điện của Trung Quốc xả hơn 2,7 tỉ mét khối nước vào dòng Mekong. Đây là đợt xả nước nhiều kỷ lục của các con đập thủy điện này trong năm 2023.

Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong (MDM) cho biết: Trong 19 đập trên khắp lưu vực sông Mekong đã xả ra hơn 3,3 tỉ mét khối nước trong tuần (từ 15 - 21.5). Lượng nước xả ra lớn nhất đến từ đập của Trung Quốc, như: Nọa Trát Độ hơn một tỉ mét khối; hai đập Tiểu Loan và Hoàng Đăng mỗi đập xả hơn 500 triệu mét khối. Một số con đập khác của Lào xả từ 100 - 200 mét khối nước.

Các đập thủy điện Trung Quốc bất ngờ xả nước kỷ lục vào dòng Mekong - Ảnh 1.

Thủy điện Trung Quốc xả hàng tỉ mét khối nước để chuẩn bị cho mùa mưa

T.L

Theo các nhà quan sát, trong năm 2022 hiện tượng La Nina gây mưa nhiều và các đập thủy điện Trung Quốc luôn trong tình trạng xả rất nhiều nước vào dòng Mekong. Điều này đã gây nên hiện tượng mực nước của dòng sông này luôn trong tình trạng cao hơn trung bình nhiều năm. Ngược lại, trong năm 2023, La Nina dần kết thúc và đang chuyển sang El Nino (khô hạn) thì các đập thủy điện của Trung Quốc xả rất ít nước trong suốt mùa khô. Điều này khiến giai đoạn cả tháng 4 và 2 tuần đầu tháng 5.2023 mực nước ở nhiều trạm đo trên dòng Mekong ghi nhận mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên khi bắt đầu vào mùa mưa ở khu vực hạ lưu thì các đập này tăng cường xả nước. Điều này sẽ khiến mực nước sông ở hạ lưu Thái Lan đang tăng lên đáng kể do những đợt xả đập này.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đa dạng sinh học ĐBSCL, phân tích: Hiện nay đã bắt đầu mùa mưa và vừa qua có đợt tuyết tan bổ sung nước nên các đập ở Trung Quốc xả nước để đón mùa mưa. Tính đến cuối tháng 5.2023, các đập ở Lào và lưu vực còn rất ít nước. Cụ thể, 25 đập ở Lào chỉ còn 4 tỉ mét khối, 7 đập ở Thái chỉ còn 0,6 tỉ mét khối, nhưng các đập lớn phía Trung Quốc, Nọa Trát Độ, Tiểu Loan và các đập dòng chính khác vẫn còn hơn 9 tỉ mét khối.

Tuy nhiên, nếu sắp tới El Nino xảy ra cực đoan, lượng mưa trong mùa mưa này thấp thì các đập sẽ tiếp tục tích nước khiến mùa lũ không về ĐBSCL. Sang đến mùa khô năm sau, nếu El Nino mạnh thì khi ĐBSCL bị hạn mặn gay gắt, các đập lại càng tích nước làm chậm đường đi của nước, làm cho tình hình hạn mặn ở ĐBSCL thêm gay gắt.

"Sự vận hành của thủy điện Mekong làm rối loạn thủy văn của dòng sông Mekong, không còn tự nhiên nữa. Trong tình huống hạn mặn hay lũ cực đoan, các đập sẽ khiến tình hình trở nên cực đoan thêm", ông Thiện nhận xét.

Còn theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia về mực nước sông Mekong, từ nay đến tháng 8.2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong về ĐBSCL có xu thế tăng dần nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15%. Mực nước lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế lên dần và có khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.2023, ở mức dưới báo động (BĐ) 1 đến BĐ1. Tuy nhiên, tại các trạm hạ lưu, đỉnh lũ khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2023 ở mức BĐ3 và trên BĐ3.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 29.5

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.