'Các đài truyền hình có thể cấp phép phổ biến phim'

16/10/2019 09:01 GMT+7

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), hoàn toàn có thể thay đổi hội đồng duyệt phim hiện nay bằng việc các đài truyền hình cấp phép phổ biến phim.

* VCCI vừa có văn bản góp ý dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi. Trong đó, có ý kiến về việc thay đổi cách thức duyệt phim. Ông nhận thấy việc kiểm duyệt phim hiện nay ra sao?
- Kiểm duyệt nội dung phim hiện nay có 2 vấn đề. Thứ nhất, phạm vi kiểm duyệt quá rộng, chúng ta không chỉ cắt bỏ những chi tiết cực đoan như bạo lực, khiêu dâm, thù địch mà còn can thiệp cả vào những yếu tố nghệ thuật, thương mại của bộ phim, nhiều khi cơ quan thẩm định còn tự suy diễn ý tứ của tác giả là ám chỉ này nọ để kiểm duyệt. Thứ hai là sự độc quyền trong công tác kiểm duyệt phim khi chỉ có Hội đồng thẩm định phim quốc gia làm công việc này.
* Trong văn bản của VCCI có nhắc tới việc duyệt phim hiện đang là cơ chế độc quyền. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Báo chí và xuất bản hiện nay đã không còn cơ chế độc quyền kiểm duyệt. Khi viết một bài báo, tác giả có thể không gửi báo này thì gửi báo khác. Cứ có tờ báo đồng ý đăng là được đăng. Xuất bản cũng vậy, có khoảng 60 NXB. Một cuốn sách có thể không mang đến NXB này thì NXB khác. Nhưng với phim, chỉ có thể Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt. Hiện tại tiêu chí kiểm duyệt đang được áp dụng đơn phương từ phía hội đồng. Các nhà làm phim rất khó để tranh luận lại vì họ đang ở trong vị trí đi xin phép.
* Giải pháp cho kiểm duyệt phim phù hợp hơn, theo ông là gì?
- Giải pháp phù hợp hơn là nhiều người có quyền kiểm duyệt. Nhà nước sẽ cấp phép kiểm duyệt cho họ. Như thế, một nhà làm phim có thể mang phim của mình tới nhà kiểm duyệt này hoặc nhà kiểm duyệt khác. Nếu phim ra rạp có vấn đề, thì có thể đưa ra biện pháp thu hồi và phạt thật nặng đối với cả nhà sản xuất, nhà phát hành lẫn người cấp phép. Như vậy sẽ tạo ra cơ chế bản thân nhà sản xuất, nhà phát hành cũng tự kiểm soát nội dung của mình. Chưa kể, nếu có nhiều bên làm duyệt phim, dần dần sẽ tạo ra sự tranh luận về tiêu chí kiểm duyệt. Việc đưa ra được các tiêu chí thống nhất sẽ giảm rủi ro cho nhà làm phim.
Nhiều năm nay, người làm điện ảnh vẫn mong có một bộ tiêu chí kiểm duyệt cụ thể, kiểu như một hàng rào kỹ thuật... Ở nước phát triển, họ có định nghĩa cụ thể về khiêu dâm. Họ định nghĩa thế nào là bộ phận sinh dục và nếu lộ bộ phận sinh dục thì bị coi là khiêu dâm. Họ có thể đưa ra những tiêu chí có tính mô tả như vậy. Ở VN hiện tại có nhu cầu đưa ra tiêu chí như vậy nhưng chưa có. Dường như người làm luật ngại nếu đưa ra kỹ quá lại có lúc không có cách gì xử lý. Nhưng điều này lại đẩy rủi ro cho nhà làm phim.
* Ông muốn nói về điện ảnh như một nền kinh tế sáng tạo và làm phim như một kinh doanh đầy rủi ro?
- Điện ảnh, bản chất của nó là kinh doanh rủi ro rất cao. Một nhà đầu tư có thể bỏ ra hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là dù họ đầu tư tốt nhất, bộ phim vẫn rất rủi ro. Chỉ khi ra rạp bán được vé, họ mới biết có thể thành công hay không. Nếu nhà nước lại kiểm duyệt đầy rủi ro nữa, thì tăng nguy cơ rủi ro lên rất cao. Nó cản trở người ta đầu tư vào phim. Bụi đời Chợ Lớn là điển hình về đầu tư lớn, đang có cơ hội thu về nhưng cơ chế kiểm duyệt đã khiến khoản đầu tư đó trở thành một khoản thua lỗ.
Chính vì vậy, nếu ta chuyển sang nhiều đơn vị cấp phép thì rủi ro sẽ giảm. Bản thân các đơn vị cấp phép cũng phải cạnh tranh nhau. Chẳng hạn, họ sẽ phải tăng tốc độ làm việc. Không nhất thiết phải hội đồng quá đông mà với phim đơn giản có thể chỉ cần 1 - 2 cá nhân chịu trách nhiệm chính.
* Theo ông, chúng ta nên có bao nhiêu đơn vị được quyền cấp phép phát hành phim?
- Theo tôi, nhu cầu duyệt phim hiện chưa cao như ở xuất bản. Khoảng 60 NXB có thể ổn với hơn 30.000 đầu sách. Còn phim thì độ khoảng 1.000 bộ phim cả nhập khẩu và trong nước. Như vậy, tôi cho rằng có thể khoảng 10 đơn vị cấp phép.
* Nếu để một đơn vị tư nhân cấp phép, có lẽ sẽ làm nhiều người e ngại?
- Ở nước ngoài, các đơn vị tư nhân cấp phép phổ biến phim là có. Nhưng nếu chúng ta ngại, có một cách khác là tận dụng hệ thống kiểm duyệt đang có sẵn. Đó là những đội ngũ đang làm kiểm duyệt tại các đài truyền hình. Nếu giao cho các đài truyền hình việc kiểm duyệt phim chiếu ở rạp, mức độ cạnh tranh của các đài truyền hình cũng đủ để tạo ra thị trường dịch vụ tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.