Các đại học trên thế giới dùng quyền trượng như thế nào?

02/08/2022 13:49 GMT+7

Các đại học trên thế giới có truyền thống sở hữu một hoặc nhiều quyền trượng như vật biểu tượng, thậm chí cho trường khác mượn nếu cần. Lịch sử từng ghi nhận hiệu trưởng dùng quyền trượng chống trả sinh viên quá khích.

Mang tính biểu tượng nhưng phải có thông điệp rõ ràng

Vấn đề hiệu trưởng một trường đại học (ĐH) ở Việt Nam cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp thu hút sự tranh luận trái chiều. Lâu nay, quyền trượng được xem là vật tượng trưng cho quyền lực của đội ngũ lãnh đạo ĐH ở các nước trên thế giới, riêng châu Á có một số quốc gia như Hàn Quốc và Philippines.

Vì sao hiệu trưởng trường đại học cầm "quyền trượng học thuật" trong lễ tốt nghiệp?

Quyền trượng thường xuất hiện khi có sự hiện diện của chủ tịch, hiệu trưởng và các nhân vật cấp cao trong hội đồng quản trị ĐH tại lễ đón tân sinh viên và lễ tốt nghiệp hoặc những sự kiện trọng đại khác.

Truyền thống này bắt nguồn từ thời trung cổ ở Anh, lúc bấy giờ một vệ sĩ thường giữ quyền trượng đứng cạnh chức sắc tại những buổi lễ quan trọng. Ngoài trường ĐH, quyền trượng còn là vật biểu tượng của cơ quan nhà nước trên thế giới, bao gồm hạ viện Mỹ và quốc hội Anh.

Quyền trượng xuất hiện trong một buổi lễ tại ĐH Calgary (Canada)

CHỤP MÀN HÌNH

Các website chính thức của những trường ĐH ở Mỹ đều đăng tải thông tin chi tiết về lịch sử, cũng như ý nghĩa, mục đích của quyền trượng. Chẳng hạn, quyền trượng của ĐH Washington (Mỹ) cũng như nhiều trường khác chỉ xuất hiện tại các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, lễ đón tân sinh viên và lễ trao bằng danh dự.

“Là một biểu tượng cổ xưa, quyền trượng nhắc nhở chúng ta rằng ĐH là nơi bảo vệ sinh viên và truyền thống học tập lâu đời. Vật biểu tượng này đồng thời truyền tải thông điệp cho sinh viên rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng”, theo bài viết trên website của ĐH Washington. Đa số ĐH ở Mỹ đều có quyền trượng và thậm chí mỗi khoa có một quyền trượng riêng (kích thước nhỏ hơn). Do đó, việc một ĐH lâu nay không theo truyền thống như các nước lại sử dụng quyền trượng trong lễ tốt nghiệp trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Nhìn chung, kích thước, thiết kế và vật liệu làm nên quyền trượng cùng dây đeo cổ cho hiệu trưởng tùy thuộc vào thông điệp mà ĐH muốn truyền tải đến sinh viên và cũng không có luật cấm.

Chẳng hạn, sau nhiều lần điều chỉnh, phiên bản quyền trượng năm 2005 của ĐH Griffith (Úc) có thiết kế đơn giản, với một thanh thép không gỉ, bạc và phần đầu làm bằng gỗ. Quyền trượng có hình ảnh con thằn lằn bản địa Úc, thể hiện sự quan tâm đến môi trường. Hình ảnh thằn lằn (chất liệu bạc) trên thanh thép không gỉ còn đại diện cho ngành công nghiệp và công nghệ. Còn hình ảnh lá trên đầu đại diện cho hệ thực vật bản địa.

Quyền trượng của của ĐH Griffith

Chụp màn hình

Bị lên án vì chi quá nhiều tiền cho quyền trượng

Đa số ĐH tự bỏ tiền hoặc được các tổ chức, hội cựu sinh viên trao tặng. Cũng có trường hợp nhà trường bị lên án gay gắt vì chi số tiền lớn sắm quyền trượng.

Vào tháng 6.2012, tờ The Guardian từng đưa tin nghiệp đoàn giảng viên và hiệp hội các đại học, cao đẳng ở Anh từng lên án việc Trường Bradford College chi 24.000 bảng Anh cho quyền trường chỉ để dùng trong lễ tốt nghiệp là quá lãng phí.

Đáp lại, người phát ngôn trường này khẳng định toàn thể hội đồng nhà trường đã nhất trí mua quyền trượng. "Trong 40 năm qua, trường đã đạt được danh tiếng xuất sắc trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền trượng chính là biểu tượng cho những thành tựu, khát vọng của sinh viên và nhà trường", người phát ngôn nói.

Quyền trượng xuất hiện trong một buổi lễ tại ĐH Wisconsin (Mỹ)

CHỤP MÀN HÌNH

Mượn quyền trượng làm lễ tốt nghiệp

Quyền trượng thường được các ĐH bảo quản đặc biệt, trưng bày ngay tại phòng hiệu trưởng hoặc bảo tàng ở địa phương. Thậm chí, ĐH không có quyền trượng, phải mượn từ trường khác.

Cụ thể, ĐH Florida International ở Mỹ mượn quyền trượng của ĐH Delaware vào ngày 13.12.1975, theo tư liệu của ĐH Delaware. Trong bức thư cảm ơn, lãnh đạo ĐH Florida International viết: “Lễ tốt nghiệp của chúng tôi đã diễn ra thành công rực rỡ hồi thứ bảy tuần rồi. Tôi không biết liệu sự sang trọng của quyền trượng và sợi dây đeo cổ có đóng góp cho thành công này hay không nhưng rõ ràng có nhiều vật trang trí hơn bình thường. Đây cũng là động lực đáng kể để chúng tôi sở hữu quyền trượng cho riêng mình trong tương lai".

Tại ĐH La Trobe (Úc), hiệu trưởng cầm quyền trượng lỡ tay làm trúng khuỷu tay hiệu phó trong lễ tốt nghiệp năm 2019

CHỤP MÀN HÌNH TWITTER

Dùng quyền trượng chống trả sinh viên

Trước khi trở thành vật biểu tượng, quyền trượng (hay cây chùy) từng được dùng làm vũ khí. Lịch sử từng ghi nhận trường hợp hiệu trưởng dùng quyền trượng chống trả sinh viên.

Vào năm 1970, giáo sư Morris Bishop, chủ tịch ĐH Cornell (Mỹ) lúc bấy giờ, đang chủ trì buổi lễ tốt nghiệp thì có một sinh viên quá khích chạy lên sân khấu giật lấy micrô. Ngay lập tức, ông Bishop đã dùng quyền trượng chống trả sinh viên này, theo tờ báo sinh viên The Cornell Daily Sun.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.