Các bà mẹ 'bỉm sữa' chia sẻ việc dạy con

22/04/2016 16:28 GMT+7

Các bà mẹ nổi tiếng trong thế giới mạng đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm dạy bé ở tuổi mầm non và những năm đầu tiểu học của con.

Các bà mẹ nổi tiếng trong thế giới mạng đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm dạy bé ở tuổi mầm non và những năm đầu tiểu học của con.

Tọa đàm “Tôi làm mẹ giận” của các bà mẹ nổi tiếng cộng đồng mạng - Ảnh: Quý HiênTọa đàm “Tôi làm mẹ giận” của các bà mẹ nổi tiếng cộng đồng mạng - Ảnh: Quý Hiên
Chiều tối qua 21.4, tại Sân khấu hội sách, Công viên Thống Nhất, Hà Nội, ADC Books đã tổ chức tọa đàm “Tôi làm mẹ giận”. Tại đây, các bà mẹ đang nổi tiếng trong thế giới mạng với các bài viết về nuôi dạy con như mẹ Moon (họa sĩ Mai Hoa), mẹ Nim (nhà báo Phạm Thị Hoài Anh), nhà văn Trang Hạ đã cùng chia sẻ những trải nghiệm của mình trong hành trình cùng con lớn lên, đặc biệt khi con phạm lỗi.
Đừng tự biến mình thành "mẹ sề"
Mở đầu cuộc tọa đàm, nhà văn Trang Hạ chia sẻ cô đã từng sửng sốt thế nào khi cách đây mấy năm đọc trên một diễn đàn chuyên dành cho các mẹ “bỉm sữa”, cô nhận thấy họ đã tự xưng mình là những “mẹ sề”. Theo Trang Hạ, từ “mẹ sề” không chỉ thể hiện một tâm lý mặc cảm mà có thể còn phần nào mô tả thực trạng đời sống của các mẹ nuôi con nhỏ, quá nhiều áp lực và môi trường - không gian sống chật chội bởi cứ phải quay cuồng xung quanh một em bé yếu ớt nên có rất nhiều đòi hỏi cần được chăm sóc.
Ý kiến của Trang Hạ nhận được sự chia sẻ của họa sĩ Mai Hoa và nhà báo Hoài Anh. Theo nhà báo Hoài Anh, cô cảm nhận nuôi con là một hành trình hạnh phúc. Hạnh phúc đến ngay từ trong các hành vi, suy nghĩ mà người mẹ nỗ lực để được chăm sóc con, ở bên con và chính trạng thái hạnh phúc đó làm cho thần thái người làm mẹ trở nên đẹp hơn, cho dù cơ thể đã sồ sề hơn so với thời thiếu nữ. Hoài Anh cho biết, từ quan điểm đó mà cô đã bộc lộ những trạng thái mà về sau lại tác động tới con mình một cách tích cực bất ngờ. Hoài Anh kể: “Có lần, trong một chuyến du lịch ở nước ngoài, hai mẹ con đi thăm sở thú. Lúc đó Nim mới 2 tuổi rưỡi, nhưng tôi đã để con đi bộ gần như suốt quãng thời gian từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Lúc nào con kêu mệt đòi bế là tôi lại để cho con ngồi nghỉ chứ cương quyết không bế. Nhưng cuối buổi, chính tôi lại là người nhăn nhó vì mệt chứ không phải là con. Thấy vậy Nim nói, mẹ ơi mẹ phải cười lên thì con mới hết mệt. Tôi phá lên cười vì phát hiện ra con đã “học lỏm” cách nói của mình, vì tôi vẫn thường nói với con khi con thể hiện cảm xúc tiêu cực là con phải cười thì mẹ mới thấy vui”.
Họa sĩ Mai Hoa cũng chia sẻ, khi đi làm trở lại sau thời gian nghỉ sinh, cô tự ý thức rằng mình không được “xấu”. Vì thế, cô đã cố gắng thu xếp thời gian để tập thể dục nhằm lấy lại vóc người cân đối. “Theo tôi, việc làm đẹp của phụ nữ không chỉ đơn giản để cho mình đẹp mà còn là thể hiện quan điểm văn hóa sống”. Nhà văn Trang Hạ cũng cho biết hồi mới sinh bé gái đầu lòng cô cảm thấy đời sống của mình rất bận rộn, lúc nào cũng quay cuồng tít mù. Nhưng khi sinh bé thứ 2 rồi thứ 3, cô đã biết sắp xếp thời gian hợp lý hơn. “Ngay cả khi cho em bé bú, mẹ cũng đã có thể học thêm một ngoại ngữ”, Trang Hạ nói.
Có nên đánh con?
Nhắc lại một bài thơ dịch của Nga từ những năm 1980, “Tôi làm mẹ giận”, nhà văn Trang Hạ thắc mắc: “Tôi đã từng băn khoăn, lẽ nào các bà mẹ lại có thể giận các em bé, cho dù bé phạm những lỗi lầm gì đi chăng nữa! Nhưng gần đây tôi nghiệm ra rằng có lẽ có những em bé mà mẹ phải “buông tay” ra thì bé mới trưởng thành chăng?”. Sau đó cô hỏi hai bạn đồng hành trong cuộc tọa đàm: “Còn các mẹ thì sao? Các mẹ xử lý thế nào khi bé phạm lỗi? Thương cho roi cho vọt hay xem roi vọt là thể hiện của một bà mẹ thất bại?”.
Họa sĩ Mai Hoa không cho rằng đánh con là việc làm hay, nhưng cũng không đồng ý với quan điểm đánh con là thể hiện của một bà mẹ thất bại. Đánh con chỉ là một cách thể hiện thái độ của bố mẹ trước hành vi xấu của con. Tuyệt đối không đánh con khi bố mẹ không kiềm chế được cảm xúc. Tuy nhiên, làm thế nào để càng ít phải dùng tới hình phạt này càng tốt. Mai Hoa kể: “Một lần, "bạn" lớn nhà tôi nghịch, dùng cánh cửa chèn em, ép em vào vách tủ. Tôi đã buộc phải dùng hình phạt là đánh con. Sau đó, khi con bình tĩnh hơn thì tôi giảng giải để con hiểu hành vi nguy hiểm mà mình đã làm đối với em rồi thủ thỉ là mẹ rất yêu con. Tôi thấy con khóc, nên ngạc nhiên hỏi vì sao, con trả lời là vì được nghe những lời mẹ vừa nói”.
Nhà báo Hoài Anh cũng cho rằng, thực ra không nên trầm trọng hóa việc dạy con bằng roi vọt của những bà mẹ khác, dù bản thân cô không sử dụng phương thức này. Cách mà cô chọn là kiên nhẫn giải thích khi con phạm lỗi, đồng hành cùng con để có sự khích lệ đối với con kịp thời. Cô nói: “Theo tôi, vấn đề không phải là dùng roi vọt dạy con mà là phụ huynh thường mắc một sai lầm nghiêm trọng hơn: bạo hành con bằng lời nói và thái độ. Có những bà mẹ dù không hề đánh con, nhưng lại thường sử dụng lời lẽ đay nghiến để chì chiết con, hoặc chỉ có chê con chứ không hề có một câu khen ngợi nào”.
Trả lời một câu hỏi của khán giả về việc xử lý thế nào khi con có “biệt tài” ăn vạ (gào khóc khi không được đáp ứng sự đòi hỏi), chị Hoài Anh khuyên: “Tốt nhất là cứ để cho con ăn vạ. Thường trẻ con vẫn “thử” người lớn bằng cách ăn vạ, nếu mình càng quan tâm, các con càng tăng mức độ và tần suất ăn vạ. Với lại trẻ con không thể khóc được mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó nếu bố mẹ bày ra trò chơi gì đó bình thường con vẫn thích thú thì thậm chí con còn “quên” mất là mình đang ăn vạ, để lân la tiến đến chơi cùng. Những lúc đó tôi sẽ không cố chấp mà vui vẻ cho con tham gia, đồng thời lờ đi vụ ăn vạ”.
Các khách mời cũng cho biết, họ rất vất vả trong việc tạo thói quen tốt, sửa những thói xấu trong sinh hoạt của con. Trong một chừng mực nào đó, chính họ cũng gặp một số thất bại, nhưng vẫn không ngừng hy vọng con sẽ lớn khôn hơn cùng với thời gian và sự nhẫn nại của bố mẹ cùng với tình yêu thương vô bờ bến dành cho con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.